“Gam màu xám” của chiếc sổ hồng
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, thời gian vừa qua thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết, thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là Giấy chứng nhận hoặc sổ hồng) cho người mua nhà tại các dự án trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn xảy ra tình trạng có các dự án nhà ở đã hoàn thành, các hộ mua nhà tại đây đã trả hết tiền cho chủ đầu tư và nhận nhà để ở trong nhiều năm, nhưng không ít người vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận.
Do đó, dẫn tới việc họ không thực hiện được các quyền về mua bán, thế chấp, nhập hộ khẩu… cũng như không thể tạo lập được cuộc sống ổn định tại các căn hộ này. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do chủ đầu tư đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của dự án cho ngân hàng.
![]() |
Mức phạt lên đến 500 triệu - 1 tỷ đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục |
Khảo sát thực tế cho thấy, tại nhiều quận, huyện, số hồ sơ tồn đọng xin cấp sổ hồng của người dân vẫn còn nhiều. Nan giải nhất là tình trạng hàng trăm hộ dân đã trả tiền mua căn hộ tại nhiều chung cư quận Tân Bình, Tân Phú, Quận 2, Quận 9... nhưng sau thời gian chờ đợi mòn mỏi đến gần chục năm vẫn chưa có được mảnh giấy lận lưng, dẫn đến tình trạng ở trong căn hộ bỏ tiền tỷ ra mua mà không khác gì đi ở thuê.
Và không hiếm chủ đầu tư của các dự án chung cư này đều chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nợ ngân hàng, vi phạm quy hoạch xây dựng... nên gặp vướng mắc và chưa thể thực hiện nghĩa vụ về mặt pháp lý cho khách hàng mua căn hộ.
Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Hữu Tín cho rằng, việc thế chấp giữa chủ đầu tư và ngân hàng là quan hệ dân sự giữa 2 bên. Chủ đầu tư có trách nhiệm phải trả nợ cho ngân hàng bằng tài sản của mình và ngân hàng có trách nhiệm khi cho vay phải kiểm soát được việc sử dụng nguồn vốn vay để đảm bảo thu hồi vốn. Không thể để người dân khi đã mua nhà một cách hợp pháp và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư, nhưng lại không được quyền sở hữu đối với căn hộ của mình trong nhiều năm.
Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân đã mua nhà và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư tại các dự án này, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan rà soát lại toàn bộ các dự án trên địa bàn thành phố, phân tích, thống kê cụ thể các dự án và các trường hợp người mua nhà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các dự án trên.
Đồng thời, giao các sở, ngành trên và các đơn vị có liên quan khẩn trương dự thảo văn bản cho UBND thành phố báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở hợp pháp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư tại các dự án trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị chế tài chấn chỉnh xử lý mối quan hệ giữa ngân hàng và chủ đầu tư trong trường hợp nêu trên, nhằm nâng cao trách nhiệm của ngân hàng khi cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở vay tiền, phải theo dõi tiến độ sử dụng vốn vay và đề ra giải pháp thu hồi nợ vay, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà.
Trước đó, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã nêu rõ, hành vi chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đến 1 tỷ đồng.
Trong đó, mức phạt cao nhất từ 500 triệu - 1 tỷ đồng được áp dụng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho 100 hộ gia đình, cá nhân từ trên 12 tháng trở lên. Nghị định cũng nêu rõ đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tức có thể lên tới 2 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (Horea) cho rằng, việc xử phạt này mới chỉ nhằm vào đối tượng là chủ đầu tư dự án, mà chưa quy trách nhiệm đối với các tổ chức, cơ quan Nhà nước cố tình làm chậm trễ trong khâu thẩm định, xét duyệt cấp giấy chứng nhận.
Bởi hiện nay, không ít trường hợp người dân chậm được cấp sổ hồng bởi các khâu thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp và mất nhiều thời gian, khiến người dân nản lòng chứ không phải do chủ đầu tư chây ỳ nghĩa vụ....
Song theo nhận định của các chuyên gia, dù nguyên nhân đến từ đâu nhưng cái đích cuối cùng vẫn phải thực hiện là phải đảm bảo được đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi họ đã hoàn thành nghĩa vụ với chủ đầu tư, với Nhà nước. Có như vậy, chính sách mới đi vào lòng dân và an sinh được xã hội.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường TP. Hồ Chí Minh, hiện thành phố vẫn còn hơn trăm ngàn trường hợp người dân chưa được cấp Giấy chứng nhận do không đủ điều kiện. Tuy nhiên, dự kiến trong thời gian tới những trường hợp này sẽ được xem xét giải quyết triệt để, trong đó có hàng chục ngàn trường hợp nhà, đất mua bán viết tay. Đối với trường hợp nhà, đất hiện không có nhu cầu lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận vì không có khả năng tài chính, thành phố sẽ xử lý theo hướng miễn tiền sử dụng đất đối với các hộ nghèo đang nhận trợ cấp hàng tháng và giảm thu đối với gia đình diện chính sách... |
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Niềm tin người mua nhà được củng cố

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát
