G7 “làm tất cả” để khôi phục tăng trưởng và niềm tin
![]() | Bùng nổ nới lỏng định lượng |
Trong một tuyên bố vào thứ Ba, các nhà lãnh đạo tài chính G7 (bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ) cho biết: “Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để khôi phục niềm tin và tăng trưởng kinh tế, bảo vệ việc làm, kinh doanh và khả năng phục hồi của hệ thống tài chính. Chúng tôi cũng cam kết thúc đẩy thương mại và đầu tư toàn cầu để củng cố sự thịnh vượng”. Các cuộc họp hàng tuần sẽ tiếp tục, G7 nói.
Các quan chức tài chính nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển, sản xuất và phân phối nhanh chóng các vật tư y tế phục vụ cho việc chẩn đoán, trị liệu và vắc-xin ngừa dịch Covid-19. Họ cũng đang cung cấp các hỗ trợ cần thiết để giúp các quốc gia khác để đẩy lùi dịch bệnh này, hiện đã lây nhiễm hơn 377.400 người trên khắp thế giới và giết chết hơn 16.500 người.
![]() |
Ảnh minh họa |
Các quan chức tài chính G7 cũng cho biết họ đã sẵn sàng cung cấp các nỗ lực tài chính cần thiết để giúp các nền kinh tế của mình phục hồi nhanh chóng và tiếp tục con đường hướng tới tăng trưởng bền vững, đồng thời hỗ trợ thanh khoản để giảm thiểu các tác động kinh tế tiêu cực của dịch bệnh. Phản ứng của G7 bao gồm các nỗ lực giúp các doanh nghiệp và cá nhân sống sót sau đại dịch và ngăn chặn suy thoái mà dịch bệnh gây ra.
Tuy nhiên, không giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008, khi những nỗ lực chủ yếu tập trung vào các ngân hàng và công ty lớn, cuộc khủng hoảng này đã buộc G7 phải tập trung vào các lĩnh vực mới như hỗ trợ việc làm, làm việc tại nhà và những đối tượng dễ bị tổn thương, mở rộng việc chăm sóc trẻ em và trợ cấp thất nghiệp.
Các bộ trưởng tài chính G7 cho biết họ cũng đang cung cấp các khoản hỗ trợ nhằm tăng cường thanh khoản, bảo lãnh, cho vay trợ cấp, hoãn thuế và trả nợ cho vay; thậm chí tài trợ cho các công ty bị ảnh hưởng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về mặt tiền tệ, các ngân hàng trung ương G7 đã có hành động đặc biệt để hỗ trợ sự ổn định kinh tế và tài chính và cải thiện thanh khoản, bao gồm thông qua các giao dịch hoán đổi giữa các ngân hàng trung ương, báo cáo cho biết.
“Chúng tôi cam kết duy trì các chính sách mở rộng miễn là cần thiết và sẵn sàng hành động hơn nữa, sử dụng đầy đủ các công cụ phù hợp với nhiệm vụ của chúng tôi”, tuyên bố nêu rõ.
Trước đó, ngay khi bước vào tuần mới (23/3), Fed đã khiến các thị trường sửng sốt khi tuyên bố sẽ triển khai một loạt các chương trình mua tài sản mới để giảm bớt những khó khăn trên thị trường tín dụng và làm cho các chương trình cho vay trở nên khả dụng hơn đối với doanh nghiệp. Theo đó không chỉ không giới hạn số tiền mua tài sản mà Fed còn mua vào cả trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh trái phiếu Kho bạc và chứng khoán thế chấp. Việc mua trái phiếu doanh nghiệp có thể được thực hiện trên thị trường sơ cấp hoặc thứ cấp, hoặc thông qua các quỹ ETF. Theo một số nhà phân tích, nỗ lực này của Fed có thể tạo ra khoản vay trên 4 nghìn tỷ USD dành cho các doanh nghiệp phi tài chính.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm thứ Năm tuần trước cũng đã công bố triển khai một gói nới lỏng định lượng mới với quy mô lên đến 750 tỷ euro (820 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế khu vực ứng phó lại những tác động tiêu cực do virus corona gây ra; nâng kế hoạch mua vào tài sản trong năm nay lên 1,1 nghìn tỷ euro, tương đương khoảng 6% GDP của khu vực.
“Thời điểm bất thường đòi hỏi phải có hành động phi thường”, bà Christine Lagarde nói sau cuộc họp chính sách khẩn cấp của ECB. “Không có giới hạn cho cam kết của chúng tôi đối với đồng euro. Chúng tôi quyết tâm sử dụng toàn bộ tiềm năng của các công cụ của mình, trong phạm vi ủy quyền của chúng tôi”.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ
