Fed tăng lãi suất: Việt Nam vẫn có dư địa để ứng phó
Ông nhìn nhận thế nào về đợt tăng lãi suất chính sách 0,5% của Fed vừa qua?
Việc Fed thắt chặt chính sách đã có lộ trình từ trước, nghĩa là không quá bất ngờ, song quyết định tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 5 vừa qua (ở mức 0,5%) là khá mạnh mẽ so với lần tăng trước vào tháng 3 (tăng 0,25%). Điều này chủ yếu phản ánh đúng tình hình giá cả leo thang nhanh tại Mỹ. Nó cho thấy Fed đang nỗ lực mạnh hơn trong ngăn chặn lạm phát đang tăng quá cao.
![]() |
TS. Lê Duy Bình |
Bên cạnh đó, còn có những yếu tố mà Fed có thể không kiểm soát được. Ví dụ, như tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay khiến giá nguyên, nhiên vật liệụ tăng giá mạnh, cho nên Fed cũng phải sử dụng biện pháp mạnh mẽ hơn về lãi suất, thu hẹp bảng cân đối tài sản với kỳ vọng sẽ có thể giảm bớt được sức ép đến giá tiêu dùng tại Mỹ.
Xu hướng thắt chặt tiền tệ của các NHTW lớn, đặc biệt là Fed sẽ có những tác động chung đến toàn cầu. Với Việt Nam, tác động cũng có thể xảy ra nhưng sẽ không lớn.
Mặc dú tác động tới Việt Nam là không lớn nhưng theo tiến sĩ những tác động nếu có sẽ như thế nào?
Thông thường khi Fed tăng/giảm lãi suất có thể tác động trực tiếp đến thị trường trong nước ở hai yếu tố chính là tỷ giá và lãi suất. Từ hai yếu tố này có thể có những tác động gián tiếp đến các hoạt động, lĩnh vực khác của kinh tế Việt Nam như xuất nhập khẩu, dòng vốn đầu tư nước ngoài…
Về tỷ giá, động thái tăng lãi suất mạnh của Fed vừa qua (và có thể có các lần tăng tương tự trong thời gian tới) có thể tạo ra áp lực đối với tỷ giá tại Việt Nam theo hướng làm tỷ giá tăng (tức là giá trị của VND sẽ có xu hướng giảm).
Trên góc độ lý thuyết, khi tỷ giá tăng (đồng nội tệ giảm) sẽ có lợi cho xuất khẩu. Nhưng điều này cũng đòi hỏi rất khéo trong điều hành tỷ giá. Bởi nếu tỷ giá tăng quá mạnh (VND mất giá quá nhiều so với USD), kéo dài và đồng thời chúng ta lại thấy xuất khẩu của Việt Nam tăng một cách đột biến thì sẽ có những rủi ro như đã từng xảy ra trước đây. Nên cần có biện pháp điều hành phù hợp, tránh các rủi ro có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, nếu tỷ giá tăng kéo dài thì với vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp (thông qua các kênh chứng khoán, các quỹ…) sẽ có nguy cơ dòng vốn chảy ra. Ở một số thị trường các nước đã từng xảy ra hiện tượng này. Tuy nhiên, với Việt Nam, tôi cho rằng nguy cơ này không lớn, thị trường sẽ không bị ảnh hưởng mạnh vì phần lớn các quỹ đầu tư ở Việt Nam là quỹ đóng.
Trong khi đó với vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) thì thậm chí khi tỷ giá tăng lại thuận lợi cho các NĐT này vì vẫn với phần vốn USD đưa vào đầu tư đó nhưng họ sẽ mua được nhiều tư liệu sản xuất, lao động hơn.
Về lãi suất, thực tế lãi suất huy động VND đã bắt đầu tăng dần so với cách đây một vài tháng, nhất là nhiều NHTM đã tăng lãi suất trước kỳ nghỉ 30/4 vừa qua. Điều này bên cạnh các yếu tố như: Tăng trưởng tín dụng tốt hơn khiến các ngân hàng đẩy mạnh huy động hơn; thị trường chứng khoán thời gian qua kém hấp dẫn nên có thể một phần dòng tiền chảy qua hệ thống ngân hàng; áp lực lạm phát tăng gây áp lực lên lãi suất huy động… thì cũng có thể phần nào phản ánh việc các NHTM đã chủ động đón đầu trước khi cho rằng Fed chắc chắn sẽ tăng lãi suất 0,5% trong cuộc họp vừa qua. Và khi lãi suất huy động tăng thường cũng gây áp lực đẩy lãi suất cho vay tăng.
Ngoài ra, động thái tăng lãi suất mạnh của Fed vừa qua cũng cho thấy, Mỹ có thể chấp nhận ưu tiên chống lạm phát hơn phục hồi tăng trưởng kinh tế. Và như thời gian vừa qua chúng ta thấy cũng có nhiều NHTW lớn khác cũng tăng mạnh lãi suất, như NHTW Anh, hay mới đây là NH Dự trữ Úc… và rất có thể tới đây có thể cả NHTW châu Âu ECB cũng sẽ phải thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát.
Khi các nền kinh tế lớn đều có xu hướng thắt chặt tiền tệ, chấp nhận hy sinh tăng trưởng thì sức cầu bên ngoài và từ các thị trường đối tác lớn của Việt Nam cũng sẽ giảm xuống, như vậy sẽ tác động gián tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam.
Như vậy, có thể xem việc Fed tăng lãi suất mạnh hơn dù ít hay nhiều cũng sẽ gây áp lực lớn hơn trong điều hành thị trường tiền tệ trong nước?
Fed tăng lãi suất vừa qua đang tạo thêm những áp lực lớn hơn. Tuy nhiên về cơ bản tôi cho rằng, kinh tế Việt Nam với những chỉ số kinh tế vĩ mô tốt, dự trữ ngoại hối tốt, sự bền bỉ của hệ thống ngân hàng trong suốt những năm qua nên tác động có thể có nhưng sẽ không lớn. Chúng ta vẫn có thời gian và dư địa để ứng phó với những biến động như vậy.
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực nếu có, nhà điều hành nên tập trung vào những vấn đề gì, thưa tiến sĩ?
Theo dõi sát, tính toán các cân đối lớn và điều hành linh hoạt là rất cần trong năm nay. Cần theo dõi phản ứng của thị trường trong thời gian tới, từ đó tính toán tác động định lượng cụ thể để có những điều chỉnh thích hợp nếu cần thiết.
Ví dụ về mặt lãi suất, cần tiếp tục theo dõi xem mức độ tác động ảnh hưởng của lần tăng lãi suất này của Fed đến đâu cũng như khả năng cung ứng, cân đối thị trường tiền tệ, tín dụng trong nước như thế nào để điều hành lãi suất phù hợp, linh hoạt, phản ánh được thực tế.
Bên cạnh đó, khi mặt bằng lãi suất huy động tăng, để giữ được lãi suất cho vay không tăng thì cần các công cụ khác để giảm bớt chi phí giao dịch của các NHTM.
Trong bối cảnh này, tôi nghĩ cần các biện pháp mang tính kỹ thuật của cả NHNN, Bộ Tài chính và các bên liên quan khác để đảm bảo được sự điều hành linh hoạt. Hơn nữa, Fed cũng đã nói rõ về khả năng tăng lãi suất ở lần tiếp theo và thậm chí những lần sau nữa.
Như vậy, với nền kinh tế mở và hội nhập sâu, chúng ta đi một bước nhưng đồng thời cũng phải tính đến bước tiếp theo sẽ thế nào cho phản ứng tương thích, phù hợp.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Tin liên quan
Tin khác

Việt Nam cần chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với chính sách thuế quan

Cần đồng bộ các giải pháp để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững

Cần giải pháp mạnh để DNNVV tiếp cận vốn hiệu quả

Dẫn lối dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ cần liên kết để mở rộng cơ hội vay vốn ngân hàng
