Eurozone vẫn trên bờ vực giảm phát
![]() |
Ảnh minh họa |
Lạm phát lõi, trong đó loại trừ các danh mục hàng hóa biến động mạnh như giá năng lượng, đã tăng 0,2 điểm phần trăm lên mức 1% so với cùng kỳ năm ngoái do đồng Euro yếu đã đẩy giá một số mặt hàng lên cao.
Toàn khối euro đã phải chịu sức ép giảm lạm phát do giá năng lượng giảm, trong đó đáng kể nhất là giá dầu thô giảm mạnh trong thời gian qua. Giá năng lượng cũng bắt đầu đà giảm nhanh hơn, từ mức giảm 5,1% trong tháng 6 xuống mức 5,6% trong tháng 7. Các số liệu từ Eurostat cũng cho thấy giá năng lượng giảm đã loại bỏ một phần tác dụng lạm phát của các chương trình nới lỏng tiền tệ được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra đầu năm nay.
Ngoài ra, lạm phát tại khu vực dịch vụ đạt mức cao nhất trong năm ở 1,2%. Các chuyên gia phân tích của Barclays cho rằng, nguyên nhân chính của sự tăng này là do châu Âu đang trong mùa du lịch và giá một số dịch vụ như vé máy bay hay tour du lịch tăng theo mùa.
Mức lạm phát ước tính 0,2% cũng khá sát với dự báo, mặc dù vậy, một số chuyên gia phân tích vẫn cho rằng châu Âu sẽ rơi vào tình trạng giảm phát nhẹ trong tháng này. Một số khác lại cho rằng lạm phát có thể sẽ khả quan hơn, do giá dầu và giá lương thực có thể sẽ tăng. Lạm phát vẫn ở mức rất thấp ngay cả đối với những nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Tây Ban Nha. Quốc gia này cuối tuần qua đã ghi nhận mức tăng trưởng 1% tính theo quý. Tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng lại giảm 0,1% so với năm ngoái trong tháng 7.
Thất nghiệp giảm mạnh tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhưng lại tăng ở Italy, Bỉ và Áo. Tỷ lệ thất nghiệp tại Italy trong tháng 6 tăng lên mức 12,7% từ mức 12,5% trong tháng 5, dập tắt các hy vọng về những phục hồi mới đây của nền kinh tế lớn thứ 3 Eurozone có thể giúp giảm nhẹ gánh nặng trên thị trường lao động. Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp trẻ tại Italy cũng tăng lên tới 44,2%, cao nhất kể từ năm 1977 và gần gấp đôi trung bình toàn khối. Các số liệu thống kê không mấy khả quan này có thể ảnh hưởng xấu tới chính phủ của ông Matteo Renzi, người đã đặt rất nhiều kỳ vọng các chương trình cải cách kinh tế mạnh mẽ của mình có thể mang lại một viễn cảnh kinh tế tươi sáng hơn cho phần lớn người dân Italy. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chỉ có một bộ phận nhỏ của Italy được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế nước này. Trong khi đó, tình hình tại Phần Lan còn tỏ ra tồi tệ hơn, khi thất nghiệp đã nhảy vọt từ 8,6% lên 9,5%. Tính trên toàn châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 tại Eurozone ổn định ở mức 11,1%.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
