Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp: Khiên cưỡng?
![]() | Luật hóa hộ kinh doanh không phát sinh các tác động tiêu cực |
![]() | Luật hóa hộ kinh doanh để minh bạch và hỗ trợ tốt hơn |
![]() |
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị trước mắt Chính phủ cần ban hành nghị định về hộ kinh doanh |
Trước mắt hộ cần nghị định riêng
Thảo luận tại hội trường ngày 20/11 về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nội dung có nhiều ý kiến tranh luận nhất giữa các đại biểu Quốc hội là quy định về hộ kinh doanh (HKD), Chương VIIa. Trước đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với HKD là cần thiết.
Tuy nhiên, việc đưa HKD vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, cần lấy ý kiến rộng rãi của HKD là đối tượng chịu tác động. Ủy ban Kinh tế đề nghị xây dựng một Nghị định riêng về HKD để đảm bảo khuyến khích, và quản lý để HKD phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật. Khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về HKD.
Đồng tình với Báo cáo thẩm tra này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, thực tế quy mô và vốn kinh doanh của HKD thường nhỏ trong khi Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức, quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. Vị đại biểu này cho biết bà đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn sâu đối với một số chủ HKD, với hai câu hỏi cơ bản, đó là hoạt động kinh doanh của họ có vướng mắc hay bất cập gì không? và có muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp hay không? Và phần lớn câu trả lời là “không”.
Trong đó, một số cho rằng, nếu chuyển đổi nghĩa vụ pháp lý sẽ nhiều hơn. Vì vậy, tôi đồng ý với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, cân nhắc nghiên cứu xây dựng một nghị định riêng về HKD nhằm đảm bảo khuyến khích, quản lý HKD để họ phát triển sản xuất, kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật.
Cho rằng việc hoàn thiện chính sách pháp luật về HKD là cần thiết nhưng theo đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng), quy định như dự thảo thì HKD không phải là doanh nghiệp nhưng lại quy định trong Luật Doanh nghiệp nên khá khiên cưỡng. Chương I, Chương II, Chương IX là chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp và không áp dụng đối với HKD. Do đó, vấn đề đặt ra là quy định trong Luật Doanh nghiệp thì có hợp lý không?
Đại biểu Hải đặt câu hỏi và cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng theo hướng nếu không coi HKD là doanh nghiệp thì cần ban hành riêng Luật Hộ kinh doanh hoặc trước mắt giao cho Chính phủ ban hành nghị định về HKD, sau đó sẽ luật hóa. Còn nếu coi là một loại hình doanh nghiệp thì quy định ngay trong luật này nhưng cần định danh rõ địa vị pháp lý của HKD.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, không nên đưa HKD vào luật này vì HKD khác doanh nghiệp, nếu đưa vào và chịu tác động của Luật Doanh nghiệp thì sẽ quá sức chịu đựng, sẽ làm khó và sẽ hạn chế sự phát triển của loại hình kinh tế phổ biến và khá hiệu quả này. “Tôi đề nghị trước mắt cần sớm có một nghị định về HKD cho phù hợp để điều chỉnh, tạo điều kiện cho HKD hoạt động, sau đó một thời gian thì nên có luật riêng cho HKD”.
Kỳ họp thứ 9 sẽ quyết định
Trong khi đó theo nhiều đại biểu, đưa HKD vào Luật Doanh nghiệp là phù hợp vì về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn, các HKD chính là một loại hình doanh nghiệp nhưng lại chưa được coi là doanh nghiệp. Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, đây là một trong những khiếm khuyết lớn nhất cho hệ thống pháp luật hiện hành về doanh nghiệp.
“Đưa HKD vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của HKD và cũng là bảo đảm quyền bình đẳng của HKD với các loại hình doanh nghiệp khác. Đây cũng là bước tiến quan trọng đưa hệ thống pháp luật về doanh nghiệp của nước ta phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế, đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập”, đại biểu Lộc bày tỏ đồng tình cao với việc đưa HKD vào Luật Doanh nghiệp.
Đại biểu Lộc cũng tranh luận với ý kiến đại biểu khác cho rằng “các nội dung quy định về HKD trong Luật Doanh nghiệp lần này về căn bản không có gì mới so với những quy định hiện hành trong Nghị định 78 của Chính phủ”. Theo đó, đại biểu Lộc khẳng định, khi đưa HKD vào luật một mặt thể hiện ở tầm cao hơn, mặt khác cũng có nhiều điểm mới như mở rộng hơn về phạm vi địa bàn, quy mô và ngành nghề kinh doanh, trở thành đối tượng được hỗ trợ của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… trong khi chế độ thuế, kế toán sẽ từng bước được cải thiện, minh bạch hơn.
“Khi đã đảm bảo sự minh bạch, HKD được bảo vệ quyền lợi bằng pháp luật thì lúc đó sự mặc cả, sự nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở đối với các HKD sẽ giảm đi. Như vậy HKD cũng có lợi khi không phải đóng góp nhiều hơn, còn Nhà nước cũng có thể thu được nhiều hơn”, đại biểu Lộc phân tích.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nội dung của Nghị định 78 qua thực tế kiểm nghiệm thấy rằng đã ổn định, phù hợp và đã đến lúc chín muồi để luật hóa. Các quy định về HKD trong dự thảo Luật được soạn thảo theo nguyên tắc tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của HKD là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp khác nhằm bảo đảm sự đa dạng hóa các hình thức kinh doanh và trao thêm quyền trong việc lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp.
Các quy định được soạn thảo trên cơ sở hoàn thiện các quy định của Nghị định 78 và theo hướng khắc phục những bất cập đối với HKD, bao gồm quy định rõ ràng hơn về địa vị pháp lý, trách nhiệm dân sự của HKD đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, bãi bỏ các hạn chế như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động và giới hạn phạm vi kinh doanh trong quận, huyện đã đăng ký.
“Cơ quan chủ trì soạn thảo đã đánh giá tác động của việc bổ sung quy định về HKD và nhận thấy việc bổ sung này không làm phát sinh các tác động tiêu cực đến hoạt động của HKD, không tạo thêm thủ tục hành chính, không tạo thêm gánh nặng về chi phí cho các hộ. Theo quy định của dự thảo Luật, các HKD đang hoạt động không phải đăng ký lại, cũng không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định. Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 9.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
