Đưa con tàu Việt Nam vượt qua bão tố
Nâng cao chất lượng giáo dục để lựa chọn cán bộ
Nhất trí với những thành quả mà các báo cáo của Quốc hội và Chính phủ đề cập, Đại biểu Dương Quốc Anh (đoàn Gia Lai) cho biết, với phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì dân, nên công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều đổi mới, Chính phủ đã giải quyết được nhiều khó khăn vướng mắc để phát triển kinh tế, tăng trưởng luôn ổn định ở mức cao. Đặc biệt năm 2020, trong khi kinh tế các nước tăng trưởng âm do ảnh hưởng từ đại dịch Covid nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,9%.
Từ kinh nghiệm công tác của mình, ông Dương Quốc Anh cho rằng, để có được thành công này có ba bài học để khóa tới rút kinh nghiệm áp dụng. Đó là: khi xử lý công việc phải căn cứ vào nghị quyết của Đảng, cơ sở luật pháp, cơ sở thực tiễn, đặc biệt là phải linh hoạt với tình hình thực tiễn; Các cơ quan Quốc hội, Chính phủ muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ phải phát huy tinh thần tập thể và sự sáng tạo của từng cá nhân. Ngoài ra các cơ quan Quốc hội cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ trong xử lý công việc, đồng thời cần lắng nghe và tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, người dân.
![]() |
Trong 5 năm qua nước ta đã tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) |
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cũng đánh giá cao kết quả mà nhiệm kỳ Chính phủ đạt được. “Nhìn toàn diện thì đây là nhiệm kỳ rất thành công. Chúng ta vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế, đời sống người dẫn vẫn ổn định, dịch bệnh được khống chế, kim ngạch xuất khẩu gia tăng, nợ công được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng ổn định, cơ cấu sản xuất ngày càng thay đổi, đặc biệt trong nền kinh tế số và xây dựng chính phủ điện tử... trong bối cảnh các nước phát triển vẫn vật vã chống chọi với đại dịch Covid là một kỳ tích”, ông Thành nhìn nhận. Ông cũng cho rằng, nguyên nhân đạt được những thành công này cuối cùng vẫn là con người. Vì vậy Quốc hội, Chính phủ cần tiếp cận, thay đổi hơn nữa về giá trị giáo dục vì nó là gốc rễ tạo nên các giá trị xã hội.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cũng cho rằng, chúng ta đã đạt được thành tựu đáng khâm phục. So với 5 năm trước đây vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đã khác hẳn dưới con mắt của bạn bè quốc tế. "Rất phấn khởi là từ đầu nhiệm kỳ dự trữ ngoại tệ ít đến nay đã trên 100 tỷ USD, nợ công giảm, xuất khẩu luôn rất cao và hiện là nước xuất siêu. Liên tục những năm gần đây đều đạt và vượt thu NSNN. Quý I/2021 đã tăng thu NSNN 10% so với cùng kỳ. Đây là thành tựu rất lớn trong quản lý và phát triển kinh tế", đại biểu Tùng cho hay.
Đột phá chiến lược, ổn định vĩ mô
Báo cáo trước Quốc hội trước đó, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đây là những thành công trong các lĩnh vực then chốt nhất mà Chính phủ đạt được trong nhiệm kỳ 5 năm qua. Việc thực hiện các đột phá chiến lược được Chính phủ ưu tiên cao trong chỉ đạo điều hành. Theo đó, đột phá quan trọng, mở đường là đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là tấn công vào “điểm nghẽn” kéo dài, Chính phủ luôn nỗ lực tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, với đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo. Đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng…
Bên cạnh đó, Chính phủ luôn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành. Theo đó, Chính phủ đã điều hành các chính sách vĩ mô đồng bộ, chủ động, linh hoạt; phối hợp hài hòa giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư và các chính sách khác. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD. Tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tăng cường phòng chống “tín dụng đen”. Thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn, tài chính vi mô. Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn, chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước với kỳ hạn dài hơn và chi phí thấp hơn. Đồng thời, thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016 - 2019, chính là “của để dành” góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn vừa qua của dịch Covid-19. GDP năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%; bình quân 2016 - 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011 - 2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Tính chung trong 5 năm qua nước ta đã cùng nhau tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.
Tin liên quan
Tin khác

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Hội nghị thượng đỉnh P4G: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng: Tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế

Thủ tướng: Thể chế là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất để chuyển đổi trạng thái

Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam có ý nghĩa chiến lược

Từ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, nghĩ về tư duy hội nhập trong kỷ nguyên mới
