Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Lo chồng chéo và chưa bao quát hết hiện thực
![]() |
Nhiều ý kiến đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) - Ảnh: TTXVN |
Luật bao quát quá rộng
Luật sư điều hành, giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế BMVN, Trần Mạnh Hùng góp ý, đã đến lúc cần thống nhất mục đích chính của luật là gì. Với quan điểm của người hành nghề luật, giúp doanh nghiệp vận hành ông Hùng chỉ ra 3 điểm quan trọng nhất đó là cách thức xác lập, tính pháp lý, quyền và nghĩa vụ nói chung của các đối tương tham gia giao dịch điện tử.
Cũng như nhiều chuyên gia phát biểu tại Hội thảo, ông Hùng lo ngại vấn đề chồng chéo do phạm vi Luật bao quát quá rộng có thể trùng lặp với các luật có chung đối tượng điều chỉnh như luật bảo vệ người tiêu dùng, luật an ninh mạng...
Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) chỉ ra Khoản 3 Điều 3 Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (“Dự thảo Luật”) quy định “Trường hợp luật chuyên ngành có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng khác với Luật giao dịch điện tử về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật giao dịch điện tử”.
Trong khi đó, Dự thảo Luật bao gồm nhiều điều khoản quản lý các nhà cung cấp dịch vụ, ví dụ như các điều khoản về nghĩa vụ đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ hoặc nghĩa vụ báo cáo đã được ban hành theo các quy định hiện hành khác.
Điều này có thể dẫn đến sự trùng lặp với các luật chuyên ngành, làm gia tăng gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chuyên ngành như tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử do những doanh nghiệp này đã phải tuân thủ các quy định về đăng ký, thông báo, báo cáo theo quy định của luật chuyên ngành hiện hành.
Từ những phân tích trên, AmCham khuyến nghị phạm vi điều chỉnh của luật nên được thu hẹp lại; nên tập trung vào tính hợp pháp của các khía cạnh điện tử của giao dịch thay vì tập trung vào điều kiện kinh doanh, cấp phép và quy tắc hoạt động của các bên tham gia giao dịch điện tử, vốn đã được quy định trong các luật/dự thảo luật khác.
Cần rõ ràng trong quy định đối với chủ quản hệ thống thông tin
Một vấn đề được nhiều diễn giả bàn luận đó là Điều 54 tại dự thảo Luật. Ông Hùng đề xuất cần có nghĩa rõ ràng về chủ quản hệ thống công nghệ thông tin để tránh hiểu sai, hiểu không đúng. Hơn thế ông Hùng cũng đặt vấn đề có nên áp dụng chủ quản thông tin đối với các quan hệ thương mại xuyên biên giới hay không?
Cùng về vấn đề này, AmCham cho biết "Mối quan tâm chính của chúng tôi vẫn nằm ở các yêu cầu về quyền tài phán ngoài lãnh thổ được quy định tại Điều 54".
AmCham cho rằng cần phải phân biệt rõ ràng giữa nghĩa vụ của các pháp nhân được thành lập tại Việt Nam và các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ cho người dùng tại Việt Nam. Các yêu cầu về tiết lộ dữ liệu người dùng, thuật toán và các hoạt động kinh doanh khác (Điều 54.1.d, 54.4.b); và báo cáo định kỳ cho các cơ quan chính phủ (Điều 54.1.dd, 54.2.c) là không phù hợp đối với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ các chính sách nội bộ nghiêm ngặt, các thỏa thuận hợp đồng với khách hàng và các quy định pháp lý liên quan trong khu vực địa lý nơi họ được thành lập, bao gồm các quy định về tiết lộ thông tin nhạy cảm, quyền riêng tư và thông tin bí mật kinh doanh.
Hơn nữa, AmCham mong muốn có được diễn giải rõ ràng hơn đối với về cơ sở pháp lý và lý do để Bộ TT&TT quy định rằng dịch vụ đám mây phải thông báo đầu mối lãnh đạo, đầu mối đại diện pháp lý, đầu mối đại diện kỹ thuật cho Bộ TT&TT (Điều 54.2.b). Từ phân tích này, AmCham khuyến nghị sửa đổi các quy định đối với chủ quản hệ thống thông tin để phân biệt rõ ràng giữa quy định đối với nhà cung cấp dịch vụ trong nước và nước ngoài, nhằm phản ánh thực tế thương mại của hoạt động kinh doanh toàn cầu.
Đồng thời xem xét yêu cầu bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ nhằm đánh giá xem điều khoản này có cần thiết hay không và nhằm mục đích gì, để phù hợp với các yêu cầu đối với các loại hình nền tảng hoặc nhà cung cấp dịch vụ khác.
Cũng trong điều 54, các diễn giả cho rằng cần bỏ yêu cầu các công ty phải kết nối hệ thống của họ với hệ thống giám sát của các cơ quan nhà nước bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Báo cáo hoạt động và các thông tin được yêu cầu khác phải được gửi tới các cơ quan có thẩm quyền theo cách thuận tiện và bảo mật nhất cho cả hai bên, và việc kết nối hệ thống không nhất thiết phải là lựa chọn duy nhất.
Hay như quy định tại điều 54.4.b của dự thảo về công bố công khai thuật toán các diễn giả cho rằng điều khoản này nên được sửa đổi để cho phép người dùng chọn sử dụng hoặc tắt chức năng "khuyến nghị" khi sử dụng nền tảng mà không yêu cầu nền tảng công bố công khai thuật toán.
Bởi công bố công khai thuật toán là không khả thi vì chúng thường được cập nhật rất thường xuyên để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, đồng thời đảm bảo tính bảo mật cao nhất. Hơn thế, yêu cầu các nền tảng công bố các thuật toán là rất nhạy cảm, vì đây có thể được coi là bí mật kinh doanh của nền tảng, và không nền tảng nào sẵn sàng chia sẻ thông tin này cho đối thủ cạnh tranh của họ.
Cũng vẫn trong điều 54.4.d quy định về nhân viên chuyên trách độc lập, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cùng nhiều diễn giả đề xuất bỏ quy định này. Ông cho rằng với quy định này nhà nước đã "thọc tay" vào quản lý DN khi yêu cầu có nhân viên chuyên trách, trong khi đó, đây là nhiệm vụ đương nhiên của DN.
"Việc quy định cứng dẫn đến việc khó xác định thế nào là đủ năng lực. Phải chăng để đủ năng lực yêu cầu phải có chứng chỉ xin cấp phép?" ông Thành đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc điều hành văn phòng luật sư NH Quang và Cộng sự cũng cho rằng quy định nhân viên chuyên trách độc lập là không có ý nghĩa vì họ không có thẩm quyền hay chịu trách nhiệm pháp lý của DN về vấn đề quản lý.
Phó tổng thư ký, Ủy viên Ban Thường trực, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết các ý kiến đóng của các doanh nghiệp và chuyên gia sẽ được VCCI tập hợp gửi Bộ Thông tin và truyền thông để hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2022.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
