Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng: Cần quyết liệt hơn nữa
Theo UBND TP. Đà Nẵng, việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương vào năm 2016. Theo đó, Thủ tướng đồng ý triển khai dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) và chỉ đạo ga đường sắt mới phải bảo đảm đáp ứng quy hoạch phát triển lâu dài của Đà Nẵng, nhà ga phải văn minh, hiện đại...
Theo ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị đã có chỉ đạo, chủ trương triển khai thực hiện từ mấy năm trước (Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045). Cả 2 nghị quyết này đều xác định dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị là công trình trọng điểm, mang tính động lực phát triển của vùng và cả nước.
![]() |
Người dân mong mỏi di dời ga Đà Nẵng ra khỏi nội thị |
UBND TP. Đà Nẵng cũng xác định, dự án sẽ mang lại sự phát triển về kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối miền Trung - Tây Nguyên, phát triển hành lang kinh tế Đông Tây, Tiểu vùng Mê Kông, kết nối hệ thống giao thông Đà Nẵng với các địa phương lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không…
Song trong quá trình thực hiện, do nguồn ngân sách Trung ương gặp khó khăn, nên dự án chưa thể triển khai. Đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các bộ liên quan thống nhất, nguồn vốn để thực hiện dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng theo hình thức PPP. Bộ Giao thông - Vận tải có văn bản giao Ban Quản lý dự án Đường sắt Việt Nam phối hợp cùng các sở, ngành của TP. Đà Nẵng, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng; nghiên cứu hoàn chỉnh phương án đầu tư, thống nhất về nguồn vốn thực hiện…
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, hiện Chính phủ ban hành Nghị định số 69/NĐ-CP quy định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Đây chính là cơ sở để Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tham mưu cho lãnh đạo thành phố về phương án mới là đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT. So với trước đây thì phương án mới này có tính khả thi hơn, bảo đảm việc thực hiện mục tiêu của dự án và tạo sự đồng bộ về hạ tầng và phát triển đô thị theo hướng bền vững.
Ngày 28/10/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp với Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng và Ban Quản lý các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên và các đơn vị liên quan, thống nhất đề nghị UBND TP. Đà Nẵng trình Ban cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo, xin ý kiến Thường trực Thành ủy đồng ý chủ trương thực hiện dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị theo hình thức BT và thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 69/NĐ-CP để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng thành phố đề xuất thực hiện dự án.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, phạm vi của dự án di dời ga đường sắt bao gồm 2 tiểu dự án. Cụ thể, tiểu dự án 1 là di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, bao gồm 3 hợp phần. Trong đó, dời nhà ga, tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam ra khỏi trung tâm thành phố (về phía Tây); xây dựng tuyến đường sắt mới dài khoảng 29km; xây dựng các công trình vượt sông, đường bộ, đường sắt; xây dựng 1 nhà ga hành khách chính và các ga hàng hóa. Tiểu dự án 2 là tổ chức triển khai công tác đền bù giải tỏa và tái định cư theo quy định tại các khu vực gồm khu nhà ga cũ, nhà ga mới và hành lang tuyến đường sắt hiện trạng...
Tổng mức đầu tư dự tính cho toàn bộ dự án này hơn 12.600 tỷ đồng, bao gồm dự phòng phí 20%. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, tiểu dự án 1 được thực hiện đầu tư theo hình thức BT với quỹ đất hoàn trả cho dự án dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, khu vực xung quanh nhà ga mới, 2 bên tuyến hành lang đường sắt cũ và quỹ đất khác của Đà Nẵng. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các dự án trên các khu đất hoàn trả đó theo đúng quy hoạch. Tiểu dự án 2 được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Đà Nẵng.
Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP. Đà Nẵng, người dân trong khu vực dự án cũng đã bức xúc nhiều năm rồi, vậy nên sau khi Thường trực Thành ủy thống nhất và có ý kiến chỉ đạo, UBND thành phố sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương. Nếu được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương thì thành phố sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện dự án theo phương án mới này.
Việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi nội đô đã được Trung ương đồng ý, thống nhất chủ trương mấy năm trước đây và được chính quyền Đà Nẵng tích cực triển khai. Thế nhưng từ đó đến nay, dự án vẫn giẫm chân tại chỗ. Theo kế hoạch, dự án sẽ được thực hiện trước năm 2020 nhưng do không tìm được nguồn lực tài chính nên Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị giãn ra sau thời điểm này. Trước thực trạng đó, UBND TP. Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi Ban cán sự Đảng UBND TP. Đà Nẵng để xem xét, thống nhất báo cáo Thường trực Thành ủy về chủ trương thực hiện dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị theo hình thức xây dựng, chuyển giao (BT). |
Tin liên quan
Tin khác

Sẽ tháo gỡ triệt để nút thắt về nhà ở xã hội

Vista Residence Da Nang: Giá trị thặng dư bền vững hay “cơn sốt” nhất thời?

Siêu phẩm “hạng S” Vịnh Bình Minh: “Một tấc đất một tấc kim cương”

TP. Hồ Chí Minh thu hồi 230 ha đất để xây dựng 10 dự án phục vụ công cộng

HoREA: TP. Hồ Chí Minh cần tháo gỡ vướng mắc, tái khởi động các dự án bất động sản

Dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm tăng lên hơn 17.000 tỷ đồng
Cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn các dự án, đất đai

TP. Hồ Chí Minh mở rộng Quốc lộ 13 nối Bình Dương
Khẩn trương rà soát, báo cáo dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài
