Dự án chậm tiến độ chắc chắn sẽ bị xử lý
![]() |
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời trước Quốc hội sáng 5/6 |
Trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) về tình trạng các dự án của ngành giao thông vận tải có nhiều tồn tại, trong đó nổi bật là chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua thanh tra Bộ đã thanh tra các dự án mà báo chí và người dân phản ánh về chất lượng. Cùng với đó, Bộ đã phối hợp với Thanh tra các Bộ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan điều tra của Bộ Công an đang tiến hành xử lý.
Theo người đứng đầu ngành Giao thông, với những dự án, công trình chậm tiến độ do yếu tố khách quan như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn chưa kịp thời thì kiểm điểm rút kinh nghiệm. Còn dự án do trách nhiệm chủ quan của các cơ quan có liên quan, do chủ đầu tư thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả chuyển hồ sơ qua cơ quan công an xử lý nghiêm.
Đối với các dự án đội vốn, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đa số đều rơi vào dự án đường sắt đô thị. Đây là dự án được phê duyệt trước năm 2008, đến năm 2008 - 2009 là khủng hoảng nghiêm trọng, năm 2009 trượt giá đến gần 20%. Thống kê từ năm 2009 - 2013 trượt giá khoảng 49%. Với yếu tố công nghệ mới, trượt giá, thay đổi chủ trương, quy mô đầu tư nên dự án một số hạng mục có đội vốn.
“Những dự án dư luận quan tâm, Bộ đã cùng cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra vào cuộc để kiểm tra. Cá nhân, tổ chức nào vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý theo pháp luật. Chúng tôi ủng hộ chủ trương này. Về trách nhiệm của bộ, đã điều chỉnh một số giám đốc dự án, và đánh giá, xếp loại cán bộ cuối năm làm hoàn thành nhiệm vụ mặc dù các cơ quan đơn vị đề nghị hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời thanh tra và xử lý cán bộ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi, vì sao công ty công nghệ Grab chỉ nộp thuế xấp xỉ 10 tỷ đồng cho 3 năm 2014 – 2016, năm 2017 và 2018 cũng không khá hơn bao nhiêu, trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống nộp thuế cả nghìn tỷ đồng?
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, taxi công nghệ, chúng ta đang quản lý theo quy hoạch. Nhưng từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, Bộ GTVT cũng thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch, không còn hạn mức của taxi. Hiện nay, taxi triển khai thu tiền tự động như xe taxi công nghệ nên sắp tới sẽ bảo đảm công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.
Theo Bộ trưởng, khi tạo điều kiện như vậy sẽ có một thực tế là có nhiều phương tiện tham gia trên đường. Nhưng đây là việc của công dân và theo Luật Quy hoạch sẽ không còn giới hạn số lượng. Tương tự như trạm đăng kiểm sắp tới sẽ xây dựng theo nhu cầu, phương án của nhà đầu tư không còn bị giới hạn.
“Cung cấp dịch vụ tốt sẽ có hệ lụy là nhiều phương tiện lưu thông trên đường. Tuy nhiên, do trong nền kinh tế thị trường nên đề nghị bà con khi mua xe để tham gia các hoạt động vận tải cần tính toán để bảo đảm hiệu quả”, Bộ trưởng GTVT lưu ý.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT đã sơ kết sau 2 năm thực hiện Quyết định 24, và sau đó đã điều chỉnh Nghị định 86. Nghị định này nhận được sự quan tâm của các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân, cơ quan truyền thông, cơ quan nghiên cứu nên thời gian qua, Bộ GTVT đã có 7 lần gửi dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lên Phó Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hy vọng dự thảo Nghị định 86 (sửa đổi) sẽ sớm được ban hành, khi đó, taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ cạnh tranh như nhau, vì taxi truyền thống được áp dụng công nghệ thu tiền tự đồng.
Về chênh lệch số liệu thống kê phương tiện tham gia, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay theo số liệu của Bộ thì có 48 nghìn phương tiện. Có một số người dân đăng ký song không hoạt động. Nhưng vấn đề này thì chỉ doanh nghiệp nắm được. Bộ GTVT đang chỉ đạo các địa phương kết nối số liệu với Bộ GTVT và Bộ Công an để nắm bắt chính xác số liệu phương tiện giao thông tham gia hình thức vận tải dịch vụ công nghệ này, qua đó quản lý chặt chẽ di biến động hoạt động của doanh nghiệp, các xe này, để thu thuế và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
Về việc nộp thuế, theo Bộ trưởng, không chỉ có Uber, Grap mà hiện còn có 14 phần mềm, trong đó tại Việt Nam đang tồn tại 12 phần mềm. Các phương tiện đều kết nối với cơ quan nộp thuế nên việc thất thu thuế ít xảy ra, cơ quan thuế kiểm soát kỹ càng. Cho biết có phần trích lại cho Grap, Bộ trưởng mong các cơ quan phối hợp để kiểm soát chặt chẽ.
Khi có thông tin Uber, Grap lỗ, Bộ trưởng cho biết: Chúng tôi cũng nắm thông tin qua các phương tiện truyền thông, nên tôi nghĩ, Bộ Tài chính sẽ nắm rõ vấn đề này. Tôi cũng nghĩ rằng, các cơ quan nhà nước sẽ bảo đảm sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là với taxi công nghệ, taxi truyền thống.
Tin liên quan
Tin khác

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Hội nghị thượng đỉnh P4G: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng: Tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế

Thủ tướng: Thể chế là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất để chuyển đổi trạng thái

Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam có ý nghĩa chiến lược
