Dự án Cảng HKQT Long Thành: Nhiều khả năng đội vốn do chưa tính đúng, tính đủ
![]() | Phải giám sát, quản lý hết sức chặt chẽ với dự án Cảng HKQT Long Thành |
![]() | Báo cáo Quốc hội về dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 |
![]() |
Dự án Cảng HKQT Long Thành |
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này, giai đoạn 1 Dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành sẽ được thực hiện từ năm 2020 đến 2025 với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm… Tổng mức đầu tư dự kiến, là 111.689 tỷ đồng tương đương 4,779 tỷ USD, thấp hơn tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng là 4,782 tỷ USD).
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thẩm tra nhiều hạng mục, tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa. Hội đồng thẩm định cũng đề xuất, do dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, quy mô phức tạp, nên sẽ có ý kiến thẩm định cụ thể sau khi có kết quả thẩm tra cuối cùng của Tư vấn thẩm tra trong bước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án. Như vậy, tính chính xác của tổng mức đầu tư dự án chưa thể được bảo đảm.
Có ý kiến cho rằng, cơ cấu tổng mức đầu tư cần tính toán đầy đủ các hạng mục của dự án để thuận lợi cho quá trình thanh quyết toán dự án. Tuy nhiên, hạng mục 4b của dự án là các công trình dịch vụ, theo quy hoạch được đầu tư để hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động tại cảng, nhưng chưa được đưa vào tổng mức đầu tư, do vậy sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện và thanh quyết toán sau này.
Hiện giai đoạn 1 được phân thành 4 nhóm hạng mục đầu tư. Theo đề nghị của Chính phủ, hạng mục 1 giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư và cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại; hạng mục 2 giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của DN; hạng mục 3 giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của DN; hạng mục 4 giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư…
Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Dự án Cảng HKQT Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý. Theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu thì việc lựa chọn nhà đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Có ý kiến đề nghị, để đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia và hiệu quả đầu tư, Quốc hội có thể đồng ý giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao cho các DNNN có đủ điều kiện để huy động vốn không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ, không gây nợ xấu; bên cạnh đó có năng lực quản lý vận hành cảng hàng không làm nhà đầu tư để trực tiếp đầu tư, quản lý, khai thác đồng bộ Cảng HKQT Long Thành. Có ý kiến đề nghị trong trường hợp chỉ định nhà đầu tư thì Chính phủ cần đánh giá tác động tới các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế có liên quan.
Về phương án huy động vốn, Nghị quyết 94 của Quốc hội cho phép dự án được sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu kinh tế chưa có đánh giá tác động cụ thể của từng loại nguồn vốn (ví dụ: như tính toán tác động đến nợ công nếu vay vốn ODA) mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn của DNNN (VATM) và DN do Nhà nước chi phối (ACV) thực hiện. Trong tổng số 4,194 tỷ USD vốn của ACV đầu tư vào dự án, dự kiến ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo quy định tại Điều 41 của Luật Quản lý nợ công thì dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ; nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo thêm có khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này không để có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của phương án huy động vốn đối với nợ công.
Mặt khác, ACV là DN do Nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn Nhà nước tại DN. Do đó, kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV.
Liên quan đến hiệu quả kinh tế, hiệu quả tài chính của dự án, theo Tờ trình của Chính phủ, kết quả phân tích cho tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 19%, cao hơn tỷ suất chiết khấu trung bình của xã hội (mức tiêu chuẩn EIRR cho các công trình công cộng tại Việt Nam trong khoảng từ 10% đến 12%) nên dự án được đánh giá là đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội. Tỷ suất nội hoàn tài chính (FIRR) của dự án khoảng 11,2%, tỷ suất lợi ích trên chi phí của dự án là 1,11 (lớn hơn 1), dự án đem lại hiệu quả tài chính tốt theo nhiều tiêu chí.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, nếu xét các thông số của Báo cáo thì dự án có hiệu quả kinh tế và hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, cần lưu ý doanh thu, lợi nhuận còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như sản lượng hành khách của Cảng HKQT Long Thành, sản lượng ngành hàng không và mức tăng trưởng GDP, trong khi những thông số này biến động phụ thuộc nhiều biến số, kể cả biến động kinh tế quốc tế, khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực và trên thế giới.
Hơn nữa, tỷ suất nội hoàn kinh tế được tính trên cở sở tổng mức đầu tư do ACV lập và với điều kiện không tăng vốn trong quá trình đầu tư xây dựng. Nếu nhà đầu tư không phải là ACV hoặc trong quá trình đầu tư xây dựng làm tăng tổng mức đầu tư thì tỷ suất nội hoàn có thể thay đổi.
Có ý kiến cho rằng, việc đầu tư nhiều các dịch vụ phi hàng không sẽ kém hiệu quả vì với công nghệ hiện đại, hành khách sẽ thực hiện các thủ tục hàng không nhanh chóng, thời gian ở lại sân bay không nhiều nên ít sử dụng các dịch vụ phi hàng không. Các dịch vụ này chủ yếu hướng đến hành khách trung chuyển, do vậy, cần chuẩn bị tốt các điều kiện để Cảng HKQT Long Thành trở thành trung tâm trung chuyển bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
