Đồng bằng Sông Cửu Long: Giảm thiểu tối đa khó khăn do hạn mặn
![]() | Ba nguồn vốn hợp lại chống hạn, mặn |
![]() | Chung tay chống hạn mặn và dịch Covid-19 |
Chủ động chống hạn mặn cùng bà con ĐBSCL
Đó là chỉ đạo của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú đối với TCTD tại cuộc họp trực tuyến tổ chức ngày 23/3 tại Hà Nội nhằm đánh giá tình hình thiệt hại và khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra tại 5 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang. Từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực khắc phục hậu quả, giảm thiểu khó khăn một cách hiệu quả nhất đối với các tỉnh này.
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã và đang tác động tiêu cực đến ĐBSCL. Lãnh đạo các tỉnh cũng thừa nhận, hạn hán, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân khu vực này. Thông tin cụ thể hơn về những thiệt hại mà tỉnh mình đang phải gánh chịu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ông Nguyễn Trúc Sơn chia sẻ, hạn mặn diễn ra sớm hơn dự báo tới 2 tháng và gần như phủ khắp tỉnh Bến Tre. Theo tính toán sơ bộ thì số tiền thiệt hại của đợt hạn mặn này gần 2.000 tỷ đồng cao hơn cả đợt hạn mặn lịch sử trước đó vào năm 2015-2016 tại tỉnh này. Khoảng hơn 5.000 ha lúa vụ đông xuân 2019-2020 bị mất trắng…
![]() |
Đồng bằng Sông Cửu Long đang trong tình trạng hạn mặn nghiêm trọng |
Phó Chủ tịch tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa cũng cho biết, xâm nhập mặn vào sâu tới tất cả các huyện, với diễn biến vượt ngoài kịch bản dự báo, ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh. Vụ đông xuân năm nay khoảng 7.500 ha bị thiệt hại, trong đó 2.000 ha thiệt hại từ 80% -100%...
Không chỉ đối mặt khó khăn riêng của vùng là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện trở lại với mức độ ngày càng gay gắt, khu vực ĐBSCL còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ ảnh hưởng chung của dịch Covid-19. Khó khăn kép này theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tác động không nhỏ đến hoạt động tín dụng ngân hàng khi tín dụng của cả vùng ĐBSCL những tháng đầu năm 2020 giảm 0,27% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng giảm 0,56%. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 2/2020 của 5 tỉnh trên thấp dưới 2%.
Trước thực tế đặt ra, ngành Ngân hàng tiếp tục là một trong những ngành đi đầu trong việc chủ động đề xuất, quyết liệt triển khai nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ về tín dụng, ngân hàng để hỗ trợ người dân, DN vùng ĐBSCL. Các TCTD cũng đã chủ động vào cuộc hỗ trợ người dân vùng ĐBSCL cùng chống hạn mặn.
Phó Tổng giám đốc Agribank Lê Xuân Trung cho biết, hiện tại dư nợ cho vay của Agribank tại 5 tỉnh trên đạt 77 nghìn tỷ đồng. Qua đánh giá sơ bộ, số khách hàng bị ảnh hưởng tại 5 tỉnh trên khoảng 30 nghìn khách hàng, dư nợ bị ảnh hưởng hơn 1.700 tỷ đồng. Agribank đã và đang tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh trong hệ thống chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát mức độ thiệt hại của các khách hàng đang vay do hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL để kịp thời có biện pháp tháo gỡ, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay và cho vay mới. Đặc biệt là giảm lãi suất đối với các khách hàng bị thiệt hại, cũng như chủ động tiếp cận khách hàng mới để giải quyết kịp thời nhu cầu vốn mới cho vùng bị thiệt hại. Phó Tổng giám đốc BIDV Trần Long cho biết, phần lớn các DN chịu ảnh hưởng hạn hán xâm nhập mặn đều đang được hưởng chính sách ưu đãi của BIDV…
Dự báo thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng diễn ra ở mức độ gay gắt hơn và sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong thời gian tới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, DN vùng ĐBSCL, chưa kể dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, đại diện lãnh đạo UBND 5 tỉnh vùng ĐBSCL hy vọng NHNN cùng với các TCTD sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp cấp thiết hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn của DN, người dân trên địa bàn.
Ông Lê Văn Nghĩa đề xuất, trên cơ sở thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, NHNN có chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể chi tiết các giải pháp miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới theo Thông tư 01 để hỗ trợ thiệt hại do hạn mặn gây ra. Về lâu dài, để thích ứng với biến đổi khí hậu, vùng ĐBSCL cần vốn ưu đãi dài hạn hơn để chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh. Vì vậy, đề nghị NHNN có định hướng chính sách đặc thù tạo điều kiện để hỗ trợ tốt hơn cho DN, người dân trong vùng ổn định sản xuất và phát triển.
Cam kết không để vùng ĐBSCL thiếu vốn
Chia sẻ với những khó khăn 5 tỉnh vùng ĐBSCL đang gặp phải, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, trước “khó khăn kép” của 5 tỉnh ĐBSCL, ngành Ngân hàng cũng nhận thấy có “trách nhiệm kép” cùng thực hiện giải quyết khó khăn làm sao khắc phục thiệt hại ở mức độ cao nhất, giảm thiểu khó khăn cho người dân vùng ĐBSCL. Theo đó về chủ trương chung, NHNN sẽ tiếp tục có cơ chế chính sách phù hợp sát hơn nữa với định hướng phát triển của 13 tỉnh vùng ĐBSCL nói chung cũng như cụ thể từng tỉnh nói riêng. Các cơ chế chính sách NHNN đưa ra phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề, với các loại hình DN...
Khẳng định tiếp tục coi ĐBSCL là khu vực cần có ưu tiên tập trung vốn nhiều hơn nữa, và cam kết đảm bảo không thiếu vốn cho khu vực ĐBSCL cả vốn ngắn hạn, trung, dài hạn..., ngành Ngân hàng đã đề nghị giám đốc NHNN các chi nhánh tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo tại hội nghị đầu năm và Thông tư 01. Nhất là phải đảm bảo vai trò kết nối giữa Ngành với lãnh đạo địa phương, DN, NHTM, với các sở, ban, ngành. NHNN chi nhánh các tỉnh phải tăng cường kiểm tra và giám sát việc thực hiện Thông tư 01, cũng như hướng dẫn các NHTM thực hiện hỗ trợ khách hàng đảm bảo tính nghiêm túc cũng như ngăn chặn tình trạng gian lận trong thực hiện chủ trương có tính chất ưu tiên…
Đối với các TCTD, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu cơ cấu nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tuân thủ quy định, nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của NHNN về giảm lãi suất, phí, lệ phí nhằm chia sẻ khó khăn với người dân và DN gặp khó khăn do dịch bệnh và tình trạng hán hán, xâm nhập mặn. “NHNN rất muốn các TCTD có lợi nhuận cao để nâng cao năng lực tài chính vì năm 2020 cũng là năm cuối cùng về đích đề án 1058. Nhưng trong lúc khó khăn này, ngành Ngân hàng chấp nhận giảm thấp mục tiêu đi, không đặt vấn đề lợi nhuận cao hơn năm ngoái đối với tất cả các ngân hàng để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho DN. Đây là chủ trương rất quyết liệt của NHNN, vì vậy các TCTD phải thực hiện nghiêm túc”, Phó Thống đốc nhắc nhở các TCTD.
Trong những năm qua, tín dụng đối với khu vực ĐBCSL luôn được ngành Ngân hàng hết sức quan tâm và có cơ chế chính sách đặc thù cho khu vực này. Bởi ĐBSCL không chỉ có số dân lên tới hơn 20 triệu dân, mà đây là vùng kinh tế trù phú, vùng sản xuất hàng hóa hết sức sôi động, có giá trị xuất nhập khẩu lớn trong cả nước… Nhờ triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chính sách, tín dụng đối với nền kinh tế và tín dụng cho khu vực ĐBSCL đã đạt được những kết quả tích cực. Đến cuối năm 2019, dư nợ tín dụng toàn khu vực tăng 15% so với cuối năm trước, tăng cao hơn mức tăng trưởng chung toàn quốc 13,7%... |
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
