Doanh nông trẻ: Khởi nghiệp bằng tri thức
![]() | Thúc đẩy đầu tư cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp |
![]() | Đã có gần 1.000 dự án khởi nghiệp nông nghiệp |
![]() |
Khi “khăn gói” lên TP.HCM làm việc đúng chuyên môn được đào tạo với mức lương khá ổn định, Nguyễn Thị Các Thủy (Lai Vung, Đồng Tháp) - một cô gái tốt nghiệp Đại học Cần Thơ ngành công nghệ thông tin -không nghĩ có một lúc nào đó sự nghiệp của mình lại gắn bó và thành công với món “quà quê”.
Đau đáu “tinh thần khởi nghiệp”, nhưng không phải ước mơ kinh doanh nào của Thủy cũng “thuận buồm xuôi gió”. Năm 2009, chị cùng bạn bè thành lập công ty chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp. Tuy nhiên sau 6 tháng hoạt động, công ty buộc phải đóng cửa. Sau đó nhận thấy nhu cầu về nấm phục vụ việc ăn chay cũng như giá trị của nấm đối với sức khỏe, năm 2011, Thủy quyết định nghỉ việc và khởi nghiệp lại với các sản phẩm từ nấm ăn, nấm dược liệu có nguồn gốc Việt Nam. Thế nhưng, khi công ty hoạt động được vài tháng, đang triển khai phân phối sản phẩm thì gia đình xuất hiện nhiều biến cố và một lần nữa, chị lại buộc phải bỏ dở giấc mơ của mình.
Sau khi ổn định việc nhà, một lần tình cờ, món bánh chuối phồng Thủy làm được bạn bè đón nhận và ưa chuộng. Máu kinh doanh lại “sôi sục” và thương hiệu bánh chuối phồng Tư Bông được Thủy cho ra đời từ đó. Ban đầu với mục tiêu chỉ là để mẹ cùng nhóm em ở nhà có thêm việc làm, thu nhập, nhưng sau đó nhận thấy nguồn nguyên liệu chuối xiêm ở quê khá tốt, Thủy bắt tay vào thương mại hóa và thành lập Công ty TNHH Tây Cát.
Khi trực tiếp sản xuất, kinh doanh, Thủy gặp muôn vàn khó khăn, từ việc đóng gói bao bì, in ấn, tổ chức sản xuất, quản lý công nhân đến việc lớn hơn như kiểm soát chất lượng sản phẩm, marketing… Lúc đầu mỗi tháng sản xuất chỉ vài chục cân bánh, Thủy mang đi ký gửi. Sau đó chị mày mò bán hàng online rồi tìm nhà phân phối. Năm 2017, Cát Thủy được tập huấn về các chính sách cho mặt hàng đặc sản địa phương và từ đó, sản phẩm bánh chuối phồng Tư Bông được đưa vào siêu thị, từng bước khẳng định tên tuổi của mình…
Một trường hợp khác là vợ chồng anh Phạm Đình Ngãi (quê Đồng Tháp) và chị Thạch Thị Chal Thi (người Khmer, quê Trà Vinh), cùng sinh năm 1989, lại nảy ra ý tưởng khởi nghiệp bằng cách thu mật từ hoa dừa đầy táo bạo. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp cao học, trở thành thạc sỹ ngành kỹ thuật điện công nghiệp (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), Ngãi được tuyển về giảng dạy tại Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng. Sau đó, Ngãi chuyển sang làm việc cho Công ty Kimmy's Chocolate, chuyên về sản phẩm cacao tại Tiền Giang. Còn chị Thi, sau khi trở thành thạc sỹ ngành công nghệ chế biến (trường Đại học Bách khoa TP.HCM), về đầu quân cho một công ty chuyên về hương liệu ở TP.HCM.
Nhưng đầu năm 2018, khi chứng kiến vườn dừa hơn 1 ha của bố vợ với 1.200 trái, cả xe tải dừa bán chỉ được thương lái trả giá 2 triệu đồng, vợ chồng Ngãi quyết định bỏ việc về Trà Vinh “khởi nghiệp”. Cả hai tìm tòi, học hỏi về ngành dừa trên thế giới qua mạng. Trong một lần, thấy bài báo khoa học về Sri Lanka và Philippines có mô hình lấy mật từ hoa dừa, Ngãi đã sang Thái Lan, nơi ngành dừa phát triển, để học hỏi kinh nghiệm lấy mật dừa. Sau nhiều lần thất bại, anh cũng có được cách lấy mật dừa hiệu quả.
Hai vợ chồng Ngãi đã mất 6 tháng để nghiên cứu và làm sản phẩm mẫu thăm dò thị trường. Sau đó, họ bắt tay vào xây dựng nhà máy và thương hiệu. Cho đến tháng 9/2019, những sản phẩm mật hoa dừa đầu tiên mang thương hiệu Sokfarm được giới thiệu và đến tay người tiêu dùng trong nước…
Trải qua gần 10 năm phát triển, đến nay, Công ty TNHH Tây Cát đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, phát triển thêm nhiều loại sản phẩm như bánh dứa cuộn, bánh mãng cầu cuộn, bánh xoài cuộn… Sản phẩm mang thương hiệu Tư Bông đã có mặt tại các sân bay ở Hà Nội, Hội An, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc và hệ thống siêu thị lớn ở nhiều tỉnh… Hiện công ty tiêu thụ khoảng 2 tấn chuối khô (tương đương 10 tấn chuối tươi), 3 tấn dứa tươi, hàng trăm ký trái cây như xoài, mãng cầu… và đưa ra thị trường trên 3 tấn sản phẩm các loại mỗi tháng. Riêng những tháng hè hoặc giáp Tết, số lượng có thể đạt đến 6 tấn/tháng. Năm 2022, doanh thu của công ty ước tính có thể đạt 7-8 tỷ đồng.
“Để đưa các sản phẩm ra nước ngoài, Thủy chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ, sự kiện kết nối cung cầu. Từ năm 2019, công ty đã gia công sản phẩm cho đối tác tại Campuchia và Thái Lan với số lượng khoảng hơn 500 kg/tháng. Gần đây, công ty đã đạt được các chứng chỉ như ISO 22000, HACCP và đã bán thử nghiệm tại một số thị trường như Mỹ, Hà Lan”, Thủy cho biết.
Còn vợ chồng Đình Ngãi - Chal Thi thì cho biết, họ đã xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018 và HACCP vào tháng 11/2021. Cuối tháng 4/2022, Sokfarm ra mắt dòng sản phẩm mật hoa dừa cô đặc, bao bì theo quy cách đóng gói 15 gram, dùng một lần… Sản phẩm rất được thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU ưa chuộng.
Năm nay, tỷ trọng hàng xuất khẩu của Sokfarm sẽ được nâng lên 30%. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, tới thời điểm này mật hoa dừa Sokfarm đang được hơn 200 đại lý phân phối. Sản phẩm từ mật hoa dừa của Sokfarm cũng đã được bán trên sàn thương mại điện tử nổi tiếng toàn cầu Amazon.com.
Anh Ngãi cho biết, Sokfarm vừa hoàn thiện khu sản xuất 500 m2 với vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng, đã liên kết với 17 hộ dân chăm sóc 6 ha đất trồng dừa. Sokfarm chuyển giao kỹ thuật kích thích hoa dừa lấy mật và bao tiêu giá tùy thời điểm; phối hợp chuyển giao công nghệ và chờ kết quả đánh giá chứng nhận sẽ làm hàng cho thị trường Nhật Bản, Mỹ và EU.
Về kinh nghiệm đưa hàng xuất ngoại, anh Ngãi chia sẻ, cần có sự chuẩn hóa từ nguyên liệu cho tới dây chuyền sản xuất; chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn cao và được cấp các “giấy thông hành” trong và ngoài nước như Hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập, ISO 22000:2018, HACCP hay các giấy chứng nhận hữu cơ của USDA organic (Mỹ), VN-BIO-149 (EU), JAS (Nhật Bản)… Hiện Sokfarm là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đoạt giải thưởng ASEAN Business Awards năm 2021 ở hạng mục Inclusive Business (Doanh nghiệp phát triển toàn diện).
“Để xuất khẩu chính ngạch thành công vào thị trường Nhật Bản, chúng tôi phải vượt qua hơn 300 chỉ tiêu chất lượng về an toàn thực phẩm, hơn 100 lần chỉnh sửa bao bì. Chưa kể công đoạn soạn thảo hồ sơ kỹ lưỡng để thuyết phục cơ quan quản lý Nhật để từ đó đưa sản phẩm lên sàn Rakuten - một trong hai sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Nhật”, Ngãi nói.
Đó chỉ là hai trong rất nhiều các ví vụ làm giàu từ mảnh đất quê hương, từ những sản phẩm mang đậm chất “quà quê” như vậy là một người khá thành công trong việc đưa nông sản Việt ra thế giới, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit nhấn mạnh, làm nông nghiệp lấy giá trị bản địa để thành công là rất khó. Theo ông Viên, để làm được điều đó, đòi hỏi sự sáng tạo độc đáo, đậm bản sắc địa phương.
“Nếu vẫn làm theo xu hướng cũ, người khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ không có tương lai. Nhưng mọi chuyện giờ đã khác. Hiện, nhiều doanh nông trẻ đã biết đầu tư cho công nghệ sinh học, công nghệ phân tử và nghiên cứu những sản phẩm có giá trị cho tương lai, đóng góp cho cộng đồng, xã hội”, ông Viên nói.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
