Doanh nghiệp xoay vần với chi phí tăng cao
![]() | Cần thêm ưu đãi thuế, phí |
![]() | TP.HCM: Ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường |
Chưa kịp mừng đã vội lo
Quý I/2022, dệt may là ngành khởi sắc nhất trong số các nhóm ngành sản xuất chủ lực của cả nước. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất quý I/2022 của lĩnh vực sản xuất trang phục tăng cao nhất trong các ngành công nghiệp trọng điểm cấp II, ở mức 24,1%. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may cũng tăng tới 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong 5 nhóm ngành xuất khẩu đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, những con số đẹp này không phản ánh thực trạng khó khăn của các DN dệt may trong cơn bão giá.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, cùng với sản xuất phục hồi mạnh mẽ, các DN trong ngành đang phải đối phó với tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao. Cụ thể, giá sợi cotton 2 năm qua tăng gần 70%; nguyên phụ liệu ngành dệt may trong nước cũng tăng đến 40%, khiến DN gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc tăng giá bán để bù đắp cho đà tăng của chi phí đầu vào có độ trễ bởi DN phải tổng hợp, đề xuất tới khách hàng các nguyên nhân tăng giá nếu muốn điều chỉnh giá bán. Với tốc độ tăng giá như thời gian qua, nhiều DN vừa đề xuất điều chỉnh giá và khách hàng vừa phê duyệt xong, thì giá điều chỉnh đã lỗi thời vì giá nguyên vật liệu đầu vào lại tiếp tục tăng.
![]() |
Tuy là ngành khởi sắc nhất trong quý I năm nay, dệt may cũng không nằm ngoài vòng xoáy tăng giá |
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra đối với các DN trong ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ. Chưa kịp mừng vì hoạt động sản xuất được khơi thông, đơn hàng tăng trở lại, các DN trong ngành này đã chóng mặt vì hàng loạt chi phí đầu vào cùng tăng giá. Đầu tiên là chi phí logistics, giá nguyên liệu đầu vào tăng; tiếp đó là chi phí các khâu gia công sản phẩm cũng đội lên; cùng với tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động lành nghề, khiến chi phí nhân công tăng lên…
Ông Trần Thúc Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Kobe Việt nhẩm tính, vòng xoáy tăng chi phí hoạt động mà DN này phải đối mặt đã bắt đầu từ thời điểm TP.HCM giãn cách nghiêm ngặt hồi giữa năm 2021. Theo đó, chi phí thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” cùng chi phí xét nghiệm khiến tổng chi phí sản xuất của DN này tăng khoảng 7-8%. Lần tăng chi phí thứ 2 vào khoảng giữa quý I, ở mức khoảng 10% so với cuối năm 2021; và sắp tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 10% so với giữa quý I. Hiện nay, tất cả các nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất như gỗ, sắt, đinh vít, bao bì đều tăng giá do giá xăng tăng. Bên cạnh đó, do lao động kéo về quê trong thời gian giãn cách nên nguồn cung lao động lành nghề bị thiếu hụt, khiến chi phí nhân công tăng.
Cùng với đó, chi phí logistics cũng đang tăng phi mã. Là DN xuất khẩu đi 2 thị trường chính gồm Nhật Bản và Mỹ, ông Hiếu cho biết giá container đi 2 thị trường này đều tăng rất cao. Với Nhật Bản, chi phí tăng từ mức 800 USD/container lên khoảng 2.000-3.000 USD; với Mỹ là từ 3.000 USD lên 12.000-15.000 USD. Chi phí thuê container tăng quá cao khiến khách hàng cũng hạn chế đặt thêm đơn hoặc họ có xu hướng chuyển sang đặt hàng cao cấp hơn. Tuy nhiên đối với các đơn hàng chất lượng cao thì DN trong nước cũng chưa dám nhận ở thời điểm hiện tại. Lý do là nguyên liệu để sản xuất ở phân khúc sản phẩm này là các loại gỗ cao cấp như gỗ sồi, gỗ óc chó, đều phải nhập khẩu từ nước ngoài và cũng đang trong tình trạng tăng giá mạnh. Chính vì vậy, thời gian qua DN đã phải từ chối các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và chỉ nhận đơn từ các thị trường gần Việt Nam.
Cơn sốt giá cả chưa hạ nhiệt
Theo Tổng cục Thống kê, đà phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia khiến nhu cầu nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh trong khi nguồn cung bị đứt gãy. Trong nước, một loạt các chỉ số quan trọng gồm chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý I/2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đáng lưu ý là chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý I tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của quý I so với cùng kỳ năm trước kể từ năm 2015 trở lại đây. Giai đoạn trước đại dịch (năm 2015-2019), trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất ổn định, chỉ số này chỉ tăng trong khoảng 0,15-2,7%. Vì vậy mức tăng 4,39% của quý I năm nay càng cho thấy vòng xoáy giá cả đang kéo theo hầu hết các loại chi phí nguyên nhiên vật liệu đều tăng cao.
Một yếu tố khác là tỷ giá thương mại hàng hóa (TOT) quý I/2022 giảm 0,23% so với quý trước và giảm 3,13% so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, TOT quý I/2022 đều giảm do chỉ số giá xuất khẩu có mức tăng thấp hơn mức tăng của chỉ số giá nhập khẩu, phản ánh Việt Nam đang ở vị trí không thuận lợi.
Trong khi đó, giá bán sản phẩm trong nước cũng rất khó có thể tăng cao cùng tốc độ với tăng chi phí sản xuất. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân cho biết, giá bán trứng theo chương trình bình ổn của DN này chỉ tăng khoảng 5% trong khi chi phí đầu vào đã tăng hơn 20%. Ngoài ra, DN này còn tăng thêm quyền lợi cho khách hàng bằng cách tăng trọng lượng trứng gà bình ổn lên 65g/trứng thay vì 60g/trứng như lâu nay. Trên thực tế, nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước cũng nhận định nếu tăng giá quá cao trong thời điểm hiện tại sẽ là làm khó chính mình. Bởi lẽ sức cầu nội địa trong quý I tăng 4,4%, cũng đã cao hơn so với cùng kỳ của cả 2 năm trước đó, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức tăng hai con số của giai đoạn trước dịch. Điều đó cho thấy thu nhập của người dân đã bị bào mòn đáng kể sau dịch.
Để đối phó với vòng xoáy tăng giá, các DN kỳ vọng có được những chính sách hỗ trợ thực chất và bền vững để chuẩn bị nguyên liệu, tổ chức sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường. Trước mắt, cần thiết nhất chính là giảm các loại chi phí liên quan tới hạ tầng vận tải. Đơn cử như việc UBND TP.HCM khởi động thu phí cảng biển tại thời điểm hiện nay khiến nhiều DN than phiền rằng tiếp tục bị gia tăng gánh nặng về chi phí. Hoặc việc thu phí cầu đường trên tuyến xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức), theo một DN xuất khẩu gỗ là không ổn. Cụ thể, mức phí này vừa giảm từ 25.000 đồng xuống 24.000 đồng/lượt đối với xe có trọng tải dưới 2 tấn nhờ giảm thuế VAT, thì từ ngày 1/4 lại tăng lên 27.000 đồng/lượt. Việc tăng phí vào thời điểm hiện tại là chồng thêm khó khăn cho DN.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng dự báo, phải đến nửa cuối năm 2022, khi số lượng container đóng mới được cung cấp ra thị trường, câu chuyện thiếu container rỗng mới có thể tạm ổn, chi phí vận tải mới hạ được nhiệt. Còn hiện tại logistics vẫn là vấn đề lớn của các nhà xuất khẩu nói chung, DN dệt may nói riêng.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
