Doanh nghiệp Việt khó đáp ứng Thỏa thuận Xanh
Doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, vay mới lãi suất thấp Doanh nghiệp nắm bắt xu thế chính sách thuế để thay đổi Ngành sản xuất tìm cách tiết kiệm điện |
![]() |
Quang cảnh Hội thảo “Thỏa thuận xanh EU – Tác động tới xuất khẩu Việt Nam, những điều doanh nghiệp cần biết”. |
Ngày 16/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện FNF Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thỏa thuận xanh EU – Tác động tới xuất khẩu Việt Nam, những điều doanh nghiệp cần biết”.
4% doanh nghiệp biết rõ về Thỏa thuận Xanh
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường này.
Là thị trường có sức mua lớn nhất nhì toàn cầu, EU trước nay luôn nằm trong T0P đầu về kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, song những cơ hội từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU, năm 2022, thị trường EU chiếm tới 12.6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng trưởng 16,7% so với năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức tăng chung đi tất cả các thị trường (10,5%).
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, những động thái của EU trong chuyển đổi xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu kỹ và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU nói riêng và nhiều thị trường đang có những chuyển đổi xanh theo hướng tương tự.
Khảo sát nhanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện tháng 8/2023 mới đây cho thấy, có tới 88-93% các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan khác chưa từng biết tới hoặc chỉ nghe nói sơ qua về Thỏa thuận Xanh EU hoặc các chính sách, quy định cụ thể triển khai Thỏa thuận này mà EU đã thực hiện đến thời điểm này.
Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ về Thỏa thuận Xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia Khảo sát khác (8-12%).
Trong khi đó, không ít các chính sách xanh của EU có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã ban hành, hoặc đang dự thảo và sẽ được thông qua trong thời gian tới.
Cụ thể, như nông sản thực phẩm là chiến lược từ trang trại tới bàn ăn với chính sách thắt chặt việc sử dụng nông hóa phẩm, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc xanh của sản phẩm nhập khẩu. Với nhóm hàng chế biến chế tạo như điện tử, công nghệ thông tin, kế hoạch hành động về Kinh tế tuần hoàn mới của EU với 35 nhóm hành động đang được triển khai cấp tập.
Đó là chưa kể tới các chính sách đơn lẻ khác ảnh hưởng trực tiếp tới một số loại sản phẩm cụ thể nhập khẩu vào EU như quy định về chống phá rừng EUDR hay cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới.
Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, danh sách các chính sách xanh có tác động trực tiếp tới hàng hoá xuất khẩu vào EU sẽ còn tiếp tục được nối dài cùng tiến trình triển khai các mục tiêu trong Thoả thuận Xanh EU đến năm 2050 của EU, mà đặc biệt trong giai đoạn từ nay tới 2030.
Nhiều thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam
TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho hay, Thoả thuận Xanh EU sẽ có 3 tác động lớn với xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có gia tăng các tiêu chuẩn xanh với hàng hoá; gia tăng trách nhiệm tài chính xanh của nhà sản xuất; và gia tăng trách nhiệm giải trình.
Theo bà Trang, thách thức mà Thỏa thuận Xanh đặt ra với xuất khẩu Việt Nam trước hết nằm ở sự thay đổi, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hiệp hội và các chủ thể liên quan.
Với tính chất là gói chính sách toàn diện và có lộ trình rất dài, Thỏa thuận Xanh và các chính sách, biện pháp thực thi Thỏa thuận này không chỉ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất, mà còn liên tục phát triển qua thời gian. Không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung, không có một lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu sang EU.
"Với phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hạn chế cả về vốn, công nghệ và năng lực quản trị, lại đang trong giai đoạn kinh doanh đầy biến động như hiện tại, việc ứng phó với các thách thức từ Thỏa thuận Xanh là nhiệm vụ rất khó khăn", TS. Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Trang, nếu có sự chuẩn bị từ sớm, việc đáp ứng các yêu cầu xanh của EU trên thực tế vẫn có thể là khả thi với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang EU.
Mặc dù trước mắt các chính sách xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng trong lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp.
Từ góc độ thị trường, đây là cách thức tốt nhất để doanh nghiệp có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này.
Đồng thời, thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp đi các thị trường phát triển khác vốn cũng đang thúc đẩy các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu tương tự EU (như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia…).
Từ góc độ hiệu quả, chuyển đổi xanh mặc dù có thể yêu cầu đầu tư ban đầu cao nhưng lại có thể là nhân tố giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trong dài hạn.
Không những thế, trên bình diện vĩ mô, việc từng doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh trong nội địa nền kinh tế, từ đó đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển bền vững của chính Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang khuyến nghị, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm và dệt may Việt Nam sang EU được khuyến nghị cần quan tâm theo dõi sát xu hướng xanh ở EU, đặc biệt là các chính sách, quy định pháp luật cụ thể triển khai Chiến lược “Từ trang trại tới bàn ăn” và Chiến lược Dệt may tuần hoàn và bền vững của EU.
Các doanh nghiệp cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với khách hàng và các đơn vị liên quan trong cập nhật quá trình soạn thảo, thông qua và áp dụng các tiêu chuẩn, quy định xanh cụ thể liên quan tới sản phẩm của mình để có hành động chuẩn bị phù hợp, chủ động và tích cực để sẵn sàng tuân thủ.
Với riêng ngành dệt may, theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, ngoài các yêu cầu từ Thỏa thuận Xanh, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh của riêng mình ngay từ bây giờ nhằm đáp ứng theo lộ trình hợp lý các yêu cầu xanh từ phía người tiêu dùng và khách hàng, từ đó, bảo đảm khả năng duy trì thị trường xuất khẩu một cách bền vững.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
