Doanh nghiệp vận tải gặp khó khi giá xăng dầu tăng cao
Ông Nguyễn Thế Tân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Tây Ninh, Tổng giám đốc Công ty cổ phầm NATANI cho biết, những biến động về giá nguyên phụ liệu và giá xăng trong 5 tháng đầu năm 2022 gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và thương mại. Ngay cả hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm tính cạnh tranh do giá xăng dầu tăng khiến chi phí tăng làm đội giá sản phẩm hàng hóa.
Giám đốc một công ty vận tải khách và hàng hóa tại TP.HCM cho biết hiện nay doanh thu của công ty rất thấp. Nguyên nhân do khách đi xe ngày càng ít, vận tải hàng hóa cũng giảm đáng kể, trong khi xăng dầu vẫn liên tục tăng cao. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng không dám tăng giá vé và giá cước vì sợ mất khách, và rất cần các chính sách hỗ trợ, giảm các khoản thuế, phí để có thể cầm cự nổi vượt qua cơn bão giá này.
![]() |
Giá xăng dầu tăng quá cao như hiện nay đã vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp vận tải |
Đại diện Công ty TNHH dịch vụ du lịch vận tải Tấn An Gia cũng cho rằng, doanh nghiệp đã cố gắng đàm phán với đối tác là các công ty lữ hành để tăng giá vận chuyển theo giá xăng dầu nhưng đều không thành công. Ông Nguyễn Anh Lèo, Giám đốc HTX Xe du lịch và vận tải số 4 (TP.HCM) cũng cho biết, hoạt động vận tải đang trong giai đoạn thấp điểm, nếu tăng giá cước theo giá xăng dầu sẽ mất khách, các đối tác cũng không chịu đàm phán lại giá vì hợp đồng đã ký từ trước. "Chúng tôi chỉ có thể điều chỉnh giá cước tăng khoảng 10% vào những ngày cuối tuần để bù vào chi phí xăng dầu xem như phụ thu thêm, còn ngày thường vẫn chưa thể tăng giá", ông Lèo nói.
Một doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng đang có hơn 200 phương tiện vận tải và container với hơn 180 tài xế đang nằm neo bãi. Hoạt động vận tải hàng hóa của doanh nghiệp hiện chỉ đang duy trì cầm chừng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước với đối tác vì chạy càng nhiều doanh nghiệp càng lỗ. Việc điều chỉnh giá cước chỉ là vấn đề thời gian để giảm lỗ, tuy nhiên điều chỉnh như thế nào để giữ sự ổn định, duy trì được sự cạnh tranh là bài toán khó.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, hiện giá xăng dầu đang tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua và có thể tiếp tục tăng khiến các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, với các loại xe container, xe tải hạng nặng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng từ 35-40% chi phí vận hành, còn các loại xe khác chiếm trung bình khoảng 25%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT... khiến họ gặp vô vàn khó khăn.
Theo phân tích của Bộ Tài chính, xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Việc giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu tiêu dùng của người dân. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp cần có giải pháp điều hành để ổn định thị trường xăng dầu trong nước.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với giá xăng dầu tăng như hiện nay, các doanh nghiệp đang nỗ lực để kéo giảm giá thành sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đầu ra cho hàng hóa tốt hơn. Chính điều này đã khiến gia tăng áp lực cho hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ, thông qua những cơ chế đặc thù để kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải xe khách TP.HCM khẳng định, giá xăng dầu tăng quá cao như hiện nay đã vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp vận tải. Để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành, các bộ ngành cần mạnh dạn cắt giảm một số phí, thuế đối với xăng dầu mới mong hạ nhiệt mặt hàng này. Đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu vì đó là mặt hàng thiết yếu chứ không phải hàng xa xỉ.
Với mục tiêu giữ ổn định giá và kiểm soát lạm phát, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết trước mắt chưa xem xét điều chỉnh tăng giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải tháo gỡ khó khăn, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt, phí ra vào vùng nước cảng biển, cảng thủy nội địa và giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
