Doanh nghiệp đủ điều kiện chắc chắn được vay vốn
Dự hội nghị có Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thanh An; Đại diện lãnh đạo một số vụ, cục NHNN Việt Nam; các sở, ban, ngành, hiệp hội ngành nghề và gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn và Giám đốc NHNN Chi nhánh Thanh Hóa Nguyễn Thanh An chủ trì hội nghị |
Luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến hết tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1.290 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 43% so với kế hoạch. Trong đó, vùng đồng bằng có 907 doanh nghiệp, vùng ven biển có 261 doanh nghiệp, vùng miền núi có 122 doanh nghiệp thành lập mới.
Cơ cấu ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng khá đa dạng gồm bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ việc làm, cho thuê máy móc thiết bị...
Về hoạt động cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế, hiện nay, tổ chức mạng lưới của ngành Ngân hàng Thanh Hóa gồm 102 TCTD và Chi nhánh TCTD: 3 Chi nhánh Agribank, 3 Chi nhánh VietinBank, 3 Chi nhánh BIDV, 2 Chi nhánh Vietcombank, 18 Chi nhánh NHTMCP; 1 Chi nhánh NHCSXH…
Đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 92.712 tỷ đồng, tăng 11,66% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng trưởng đều đặn, chiếm khoảng 83%/tổng nguồn vốn, tiền gửi tổ chức kinh tế chiếm 16%, phát hành giấy tờ có giá chiếm 1% tổng nguồn vốn huy động. Nguồn vốn huy động bằng VND chiếm 97,7%; Tổng dư nợ đến 30/6/2019 đạt 109.168 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 48,3% tổng dư nợ.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn cho biết, định hướng của tỉnh trong phát triển kinh tế đưa ra rất rõ với bốn trụ cột chính gọi là “tứ sơn” gồm khu vực Bỉm Sơn; khu kinh tế Nghi Sơn với cảng biển nước sâu; khu công nghiệp, nông nghiệp Lam Sơn; và khu du lịch Sầm Sơn.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tập trung vào thu hút đầu tư các lĩnh vực chế biến, chế tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; phát triển hạ tầng, du lịch.
“Bên cạnh chính sách của Trung ương, tỉnh có nhiều chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư thương mại, hạ tầng, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”, bà Thìn nói.
Cũng theo bà Lê Thị Thìn, hiện nay đóng góp cho ngân sách tỉnh thì lực lượng doanh nghiệp vẫn là chính và để thu ngân sách như dự kiến tăng khoảng hơn 40% trong năm nay, chúng tôi xác định chỉ khi hệ thống doanh nghiệp phát triển và chính quyền địa phương luôn đồng hành. Với mục tiêu đó, hiện nay, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách phát triển, khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân, mời các chuyên gia bồi dưỡng kiến thức cho doanh nghiệp.
Mặc dù từ năm 2017 đến nay Thanh Hóa đứng thứ 7 toàn quốc về tốc độ tăng doanh nghiệp và đứng thứ 8 về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, các doanh nghiệp trên địa bàn từ khâu quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, kết nối thị trường, kết nối ngân hàng vẫn còn hạn chế.
Theo bà Lê Thị Thìn, hiện nay nguồn vốn của hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp vay không thiếu, nhưng vấn đề kết nối, tháo gỡ khó khăn mới là điều quan trọng.
Các ngân hàng trên địa bàn luôn đáp ứng đủ nguồn vốn cho các doanh nghiệp đủ điều kiện vay. Không có lý do gì khi ngân hàng đi huy động nguồn vốn trong dân cư thì phải trả lãi mà lại không cho doanh nghiệp vay. Vấn đề là doanh nghiệp có bảo toàn được nguồn vốn hay không.
”Tôi chưa nghe thấy doanh nghiệp nói vì lý do nào đó không vay được vốn ngân hàng. Nếu gặp bất cứ vướng mắc nào thì cứ nói với tôi”, vị Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp của tỉnh cho biết.
Trong bối cảnh hiện nay các ngân hàng luôn coi khách hàng là thượng đế và bản thân các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn cũng cạnh tranh với nhau nên đòi hỏi họ luôn nâng cao năng lực, giữ khách hàng và phải đi tìm kiếm khách hàng.
![]() |
Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Nguyễn Xuân Bắc phát biểu tại hội nghị |
Cần sự nỗ lực từ cả ngân hàng và doanh nghiệp
Thay mặt tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, ông Đỗ Đình Hiệu – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa cho biết, từ năm 2016 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh giao Hiệp hội báo cáo những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thì không có thông tin nào nói về vướng mắc với ngân hàng. “Đến nay, chưa có doanh nghiệp nào nói đủ điều kiện mà ngân hàng không cho vay vốn”, ông Hiệu nói.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng kiến nghị, UBND tỉnh nên có cơ chế đổi mới, nâng cao hiệu quả của Quỹ bảo lãnh tín dụng tỉnh, đặc biệt là cơ chế cấp đủ vốn điều lệ để Quỹ có nguồn lực bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Tại Hội nghị một số doanh nghiệp chia sẻ về việc khó khăn trong tiếp cận vốn nhưng qua trao đổi với đại diện NHNN chi nhánh và các sở, ngành thì phần lớn là do điều kiện vay vốn của doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ, hoặc có sự hiểu chưa đúng về chính tín dụng của ngân hàng.
Trước băn khoăn của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nếu doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, điều kiện vay vốn và các sản phẩm sản xuất có đầu ra ổn định thì ngân hàng sẽ tìm đến.
![]() |
Đại diện Công ty Tiến Nông chia sẻ về kinh nghiệm tạo niềm tin với ngân hàng |
Cũng qua hội nghị này, một số chia sẻ những kinh nghiệm về sử dụng vốn vay để tạo niềm tin với ngân hàng. Đại diện Công ty Tiến Nông cho hay, với kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh tốt, doanh nghiệp luôn được các ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp cũng phải tuân thủ các quy định, điều kiện của ngân hàng và đảm bảo trả nợ đúng kỳ hạn, điều này còn tạo sự ổn định, an toàn cho toàn hệ thống ngân hàng và hiệu quả trong cộng đồng doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Xuân Bắc đã chia sẻ về những kết quả của chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trong thời gian qua. Trong đó, đến nay đã có 1.700 hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó hệ thống ngân hàng đã cam kết cho vay mới 500.000 tỷ đồng, giảm lãi suất gần 20.000 tỷ đồng…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn cho biết, qua hội nghị này ngân hàng và doanh nghiệp sẽ hiểu nhau hơn, tuy nhiên để ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau đòi hỏi nỗ lực từ cả hai phía. “Có những vướng mắc phải đi vào cụ thể mới tháo gỡ được khó khăn” – bà Thìn nhấn mạnh.
Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị, NHNN tỉnh cần phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp để tổng hợp các ý kiến của các doanh nghiệp liên quan đến vướng mắc với ngân hàng gửi về NHNN. Khi có ý kiến cần tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh sẵn sàng tổ chức và cùng NHNN chi nhánh và các sở, ngành giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đề nghị NHNN tỉnh tiếp tục công bố đường dây nóng trên các phương tiện truyền thông của tỉnh để doanh nghiệp có thể phản ánh những khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các sở, ngành, công an tỉnh để hạn chế tín dụng đen. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn.
![]() |
Toàn cảnh hội nghị |
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
