Doanh nghiệp đau đầu thu hồi tiền trả chậm
9% giá trị trả chậm buộc phải xóa nợ
Atradius - một hãng cung cấp dịch vụ bảo hiểm tín dụng thương mại bảo lãnh và thu nợ toàn cầu mới đây vừa phát hành báo cáo về xu hướng thực tiễn thanh toán ở Việt Nam. Theo hãng này, hoạt động mua hàng trả chậm của các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng khá mạnh.
Theo đó doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng có doanh số thương mại lớn như: nông sản thực phẩm, hóa chất, may mặc, hàng tiêu dùng, sắt thép… đang chịu áp lực khá lớn từ việc đối tác mua hàng trả chậm không thanh toán kịp thời.
Bà Vũ Thị Đức Hạnh - Giám đốc Quốc gia Atradius Việt Nam cho biết, 48% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng thời gian trung bình để chuyển hóa đơn quá hạn thành tiền mặt dài hơn trước. Khảo sát ở nhiều lĩnh vực ngành hàng cho thấy 48% tổng doanh số bán hàng giữa các doanh nghiệp với nhau (B2B) bằng hình thức trả chậm vẫn chưa được trả đúng hạn.
Tổng doanh số bán hàng phải xóa nợ do không thể thu hồi được từ đối tác ghi nhận tại Việt Nam tính đến cuối tháng 6/2022 vừa qua là khoảng 6%. Cá biệt, đối với ngành thép và kim loại, con số này tới 9%. “Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh khoản của doanh nghiệp”, bà Hạnh nhấn mạnh.
![]() |
Các lĩnh vực sản xuất xuất khẩu cần được “tiếp sức” cho các đơn hàng trả chậm đối tác vào cuối năm để duy trì đà tăng trưởng |
Bình luận về khảo sát trên, ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch Công ty TNHH Đại lý Thuế báo cáo tài chính cho rằng, các khảo sát và nhận định của Atradius Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Bởi trong suốt hai năm vừa qua, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đơn hàng sụt giảm, kéo theo đó là doanh thu khiến hầu hết các doanh nghiệp đều chịu sức ép lớn về dòng tiền, buộc phải đàm phán với khách hàng, đối tác để gia tăng các khoản gối đầu nguyên liệu hoặc giảm tỷ lệ ứng trước cho mỗi hợp đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng thông tin, hiện nay có những doanh nghiệp nhà thầu bị chủ đầu tư nợ hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án đang triển khai buộc phải tạm ngưng do không theo kịp đà tăng của vật liệu xây dựng.
“Ở phía mình, các nhà thầu cũng nợ lại các nhà cung cấp nguyên vật liệu, rồi các nhà cung cấp nguyên vật liệu, lại nợ các nhà cung cấp khác… cứ như vậy số tiền nợ rất lớn”, ông Hiệp nhận định.
Theo nhiều chuyên gia, việc doanh nghiệp tận dụng công cụ tín dụng thương mại để tạo thanh khoản dòng tiền là phổ biến. Với mức độ nợ nần lẫn nhau như hiện nay thì tình hình nợ xấu B2B của các doanh nghiệp chưa đến mức báo động.
Trong nửa cuối năm, nếu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi tốt thì tỷ lệ này sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, nếu hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn hỗ trợ bên ngoài thì tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng thương mại sẽ tăng lên. Nhiều doanh nghiệp sẽ cạn kiệt nguồn tiền, đồng thời cũng sẽ khó tìm kiếm đối tác phù hợp trong bối cảnh gặp khó về thanh khoản.
Tăng hỗ trợ và chủ động phòng rủi ro
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Thức, trong các tháng cuối năm do nhu cầu tích trữ hàng hóa và phát triển các đơn hàng mùa cao điểm, nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp sẽ ngày càng nhiều.
Trong khi đó, giá các loại nguyên vật liệu vẫn neo ở mức cao. Nếu không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ ngân sách hoặc các khoản vay ưu đãi theo chương trình phục hồi kinh tế thì các doanh nghiệp vẫn phải cố gắng duy trì việc mua chịu, nợ trả chậm với nhà cung cấp.
“Các khoản phải thu khách hàng trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp tăng lên sẽ khiến thiếu hụt thanh khoản, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và một phần giá thành, giá bán hàng hóa”, ông Thức nhận định.
Từ góc độ vĩ mô, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 94,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ 2021. Bình quân mỗi tháng có 13.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, quy mô vốn dành cho hoạt động chỉ từ vài tỷ đồng, nhưng bị nợ đọng tiền hàng gấp nhiều lần nên hết vốn, phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng. Trong khi đó, ở nhiều doanh nghiệp lớn hiện cũng đang đối mặt với lượng lớn trái phiếu đến kỳ đáo hạn cũng sẽ tạo ra áp lực trả nợ nhà đầu tư không nhỏ.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia những tháng còn lại của năm 2022, các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế cần phải được đẩy mạnh.
Các lĩnh vực sản xuất xuất khẩu như dệt may, nông, thủy sản, hiện đang có kim ngạch khá tích cực sau 6 tháng đầu năm cần được “tiếp sức” cho các đơn hàng trả chậm đối tác vào cuối năm để duy trì đà tăng trưởng. Từ đó giảm tránh được tình tạng đứt gãy nguồn cung nguyên liệu kế thừa cho năm sau. Đồng thời ngăn ngừa rủi ro đổ vỡ dây chuyền do nợ quá hạn chậm thanh toán, cạn kiệt thanh khoản ở các khâu đoạn trong chuỗi cung ứng.
Nên chủ động phòng vệ rủi ro tài chính Theo Atradius Việt Nam, trong bối cảnh nợ trả chậm quá hạn gia tăng, doanh nghiệp các ngành hàng cũng nên quan tâm nhiều hơn đến các chiến lược quản lý tín dụng thương mại. Hiện nay, 51% doanh nghiệp Việt Nam chọn giải pháp tự quản lý rủi ro khách hàng, cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại Indonesia, Ấn Độ lần lượt 56% và 72% các doanh nghiệp chọn giải pháp thuê dịch vụ ngoài để quản lý nợ trả chậm của khách hàng hoặc mua các giải pháp tài chính thương mại. Trong khi tỷ lệ này tại Việt Nam là khoảng 42% ngay cả khi nợ xấu chậm trả gia tăng mạnh, vì thế rủi ro tài chính là khá lớn. |
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
