Đô la tăng giá so với các loại tiền tệ hàng hóa dù giá dầu tạm thời phục hồi
![]() |
Đồng euro giữ giá so với bạc xanh và bảng Anh trước cuộc họp của các quan chức Liên minh châu Âu bàn về phản ứng của Khối đối với tình trạng hỗn loạn kinh tế do đại dịch gây ra.
Có lẽ, các nước EU sẽ phải chờ đến mùa hè hoặc thậm chí lâu hơn để đạt được sự đồng thuận về cách thức tài trợ tài chính giúp các nền kinh tế phục hồi, trong bối cảnh những bất đồng lớn vẫn đang hiện hữu, một quan chức của Khối cho biết hôm thứ Tư.
Các nhà phân tích cho rằng quan điểm thị trường vẫn ủng hộ đồng tiền Mỹ. Bởi vì sự bùng phát của virus corona đang đẩy kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái, và điều này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư lựa chọn giải pháp an toàn là nắm giữ tài sản của họ bằng đô la.
"Đồng đô la có một chút biểu hiện như thể phượng hoàng trong thần thoại, nó sẽ hồi sinh từ đống tro tàn", Ray Attrill, người đứng đầu chiến lược ngoại hối tại Ngân hàng Quốc gia Úc có trụ sở ở Sydney, nói.
"Tôi vẫn giữ quan điểm rằng đồng đô la tăng giá có nghĩa là thế giới đang trong giai đoạn đáng buồn, nhưng thực tế đang có dấu hiệu căng thẳng về nguồn cung tiền Mỹ, không rõ sự thiếu hụt đồng đô la đã được giải quyết dứt điểm hay chưa".
Đô la Mỹ đã tăng so với đô la Canada (CAD), lên mức 1,4182 CAD/USD sau khi giảm 0,3% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư.
So với peso Mexico (MXN), bạc xanh tăng nhẹ lên 24,5120 MXN/USD, tiến sát mức cao nhất hai tuần.
So với đồng krone Na Uy (NOK), tiền Mỹ giữ ổn định tại 10,8012 NOK/USD, sát với mức cao nhất một tháng đạt được vào thứ Tư.
Hợp đồng tương lai dầu thô ngọt nhẹ (WTI) đã tăng 2,1% lên 14,07 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm thứ Năm tại châu Á. Trước đó vào ngày thứ Hai, hợp đồng tương lai WTI đã giảm xuống mức thấp lịch sử khoảng -40 USD/thùng vì dư thừa sản lượng so với tiêu thụ và tích trữ đẩy giá dầu vào vòng xoáy giảm quay cuồng.
Dầu thô Brent cũng tăng từ mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 1999.
Nhưng những khởi sắc mới không đủ xoa dịu lo ngại dai dẳng của giới đầu tư về sự sụp đổ của nhu cầu dầu, khi các nền kinh tế lớn trở nên bế tắc do các quy định buộc người dân phải ở lại nhà, hạn chế doanh nghiệp mở cửa trở lại và ngăn cản hoạt động du lịch nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona.
Các quốc gia đang cạn kiệt năng lực lưu trữ dầu, mà họ thực tế cũng không có nhu cầu sử dụng, điều này có thể dẫn đến sự gián đoạn hơn nữa đối với hàng hóa và thị trường khác.
Các quan chức EU sẽ thảo luận về phản ứng của Khối trước các thiệt hại kinh tế do virus corona gây ra vào cuối ngày thứ Năm.
Tuy nhiên, các thị trường vẫn tỏ ra thận trọng vì không chắc chắn các chính phủ EU sẽ hợp tác đến đâu trong việc tài trợ cho sự phục hồi các nền kinh tế đang bước vào một cuộc suy thoái sâu sắc.
Trước khi kết quả cuộc họp được công bố, đồng euro (EUR) đã giảm xuống còn 1,0810 USD/EUR. So với bảng Anh (GBP), đồng tiền chung ít thay đổi ở mức 87,72 GBP/EUR.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã đồng ý chấp nhận trái phiếu lợi suất cao làm tài sản thế chấp, cho phép các ngân hàng cầm cố để lấy tiền từ ECB - một yếu tố tích cực đối với đồng euro. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi chi tiết về phản ứng chính sách tài khóa của Khối.
Đồng đô la ít thay đổi so với đồng yên Nhật (JPY). Bạc xanh trong giao dịch gần nhất chốt ở mức 107,75 JPY/USD.
Đô la Úc (AUD) đã giảm 0,3% so với đô la Mỹ, xuống còn 0,6304 USD/AUD khi sự phục hồi đáng khích lệ của doanh số bán lẻ theo số liệu công bố hôm thứ Tư nhanh chóng hết tác dụng.
Sự suy giảm của tiền Úc đã ảnh hưởng đến đồng đô la New Zealand (NZD), khi đồng tiền này giảm 0,25% xuống còn 0,5938 USD/NZD.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
