Đình trệ sản xuất do… thiếu cán bộ kiểm tra!
![]() | Công bố vi phạm và khởi tố các đối tượng nhập khẩu phế liệu |
![]() | Nhập khẩu phế liệu - nguy cơ nhãn tiền |
Trong những ngày qua, nhiều công ty sản xuất sử dụng nguồn phế liệu trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị đình trệ do không còn vật liệu đầu vào. Ông Zhong Xi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương, Khu công nghiệp Mỹ Phước – Bến Cát, Bình Dương cho biết, công ty sử dụng phế liệu giấy nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất giấy.
![]() |
Công ty Chánh Dương đã ngừng sản xuất vì không có nguyên liệu |
Nhu cầu mỗi ngày cần 80 container giấy phế liệu để sản xuất nhưng từ đầu tháng 12, công tác kiểm hóa thông quan được thực hiện rất chậm trễ, cả tuần cuối tháng 12/2018 chỉ thông quan được 12 container. Và ngày 27/12/2018 Công ty Chánh Dương bắt đầu ngừng máy do không có nguyên liệu sản xuất vào nhà máy.
Trước đó, từ ngày 9/11 - 14/12/2018, công ty đăng ký kiểm tra 107 lô hàng, thế nhưng đến 14/12 chỉ kiểm tra được 8 lô với 173 container phế liệu giấy. Hiện với hơn 600 container bị tồn đọng tại cảng Bình Dương và Cát Lát thì Chánh Dương phải chịu chi phí lưu kho bãi lên đến hơn 30.000 USD mỗi ngày (50 USD/container/ngày). Không những thế, công ty đã ký quỹ số tiền là 7,8 triệu USD đối với các lô hàng container của mình theo quy định, nhưng do bị ách tắc, chưa thể thông quan nhiều container khiến công ty không có vốn lưu động xoay vòng hoạt động.
Hơn thế, theo ông Zhong Xi, việc đình trệ sản xuất khiến công ty phải cho nhân viên nghỉ và phải chi trả lương cho 680 lao động, trả tiền lãi vay ngân hàng và khấu hao các trang thiết bị cho 2 dây chuyền sản xuất với các chi phí tổng cộng hơn 4,5 tỷ đồng mỗi ngày và sẽ lũy tiến theo số ngày ngưng hoạt động…
Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 25 DN đã nhận được Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất (11 DN sử dụng phế liệu giấy; 3 DN sử dụng phế liệu nhựa; 9 DN sử dụng phế liệu sắt, thép; 2 DN sử dụng phế liệu kim loại màu), trong đó nhu cầu nguyên liệu để sản xuất về giấy và sắt là lớn nhất. Tổng khối lượng phế liệu theo Giấy xác nhận cho các DN trên địa bàn tỉnh là 4.607.174 tấn/năm, tương đương khoảng 7.200 tấn/ngày, tương ứng với khoảng 180 - 360 container/ngày.
Thậm chí, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng thực tế sản xuất của các DN tùy theo hợp đồng mua bán phế liệu, nguồn hàng thì tùy thời điểm, con số trên có thể lên đến 600 container/ngày
Với nhu cầu nguyên liệu và địa điểm thông quan, hiện nay, Bình Dương đang gặp khó khăn rất lớn về nhân sự. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, 1 cán bộ chỉ có khả năng kiểm tra giám định bằng mắt thường khoảng 20 container/ngày. Như vậy, với tình trạng hiện nay, nếu sử dụng 100% nhân lực của Chi cục Bảo vệ môi trường (là 20 biên chế) tỏa đi các cảng thì mới tạm thời giải quyết được nhu cầu kiểm tra thông quan cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng vào mùa cao điểm thì chỉ đáp ứng được 66% nhu cầu.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, trong quá trình áp dụng quy trình kiểm tra, giám định đối với phế liệu nhập khẩu quy định tại Thông tư số 08 và 09/2018/TT- BTNMT đã phát sinh một số khó khăn. Đó là chưa có quy chế phối hợp giữa Hải quan và ngành Tài nguyên và Môi trường về quy định phân luồng hàng hóa (quy định của Hải quan) và quy trình, trình tự phối hợp giữa hai bên trong kiểm hóa, giám sát chất lượng phế liệu, điều này cũng làm gia tăng thời gian cần thiết cho kiểm tra, giám định tại hiện trường.
Theo quy định hiện hành của ngành Hải quan, các lô hàng đều phải được kiểm hóa, phân loại, kiểm định chất lượng, nhưng ngành Tài nguyên và Môi trường cũng đi kiểm tra chất lượng phế liệu. Như vậy cả 2 ngành đều kiểm tra, giám định cùng một nội dung! Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương thừa nhận các quy trình kiểm tra giám định mới đã vô tình làm tăng chi phí cho DN do thời gian giải quyết chậm, thời gian lưu bãi sẽ gia tăng, đồng thời DN không có đủ nguyên liệu sản xuất dẫn đến đình trệ sản xuất.
Việc quản lý phế liệu nhập khẩu về làm nguyên liệu sản xuất là việc làm cần thiết để ngăn chặn chất thải đi vào Việt Nam theo con đường này. Tuy nhiên, để công tác này ngày càng chặt chẽ, đáp ứng được nhu cầu sản xuất của DN, mới đây, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, để cơ quan Hải quan tiếp tục quản lý phế liệu nhập khẩu như trước đây và Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan tại nhà máy sản xuất của doanh nghiệp.
Nếu tiếp tục giữ quy định hiện hành, thì phải bổ sung, tăng biên chế cán bộ quản lý phế liệu, kiểm tra, phân tích mẫu (đối chứng), điều chỉnh quy chế phối hợp kiểm tra.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
