Đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành
Theo thống kê từ ngành du lịch TP.HCM, trong năm 2020, trung bình lượng khách của các công ty lữ hành chỉ đạt từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2019. Điển hình, hai công ty lớn là Công ty Saigontourist chỉ đạt 30%, giảm khoảng 619.000 lượt khách, Công ty Vietravel chỉ đạt 40%, giảm khoảng 519.000 lượt khách... Doanh thu của các công ty lữ hành chỉ đạt từ 20 - 30% doanh thu so với cùng kỳ như Công ty Saigontourist chỉ đạt 25%, giảm khoảng 3.900 tỷ đồng, Công ty Vietravel chỉ đạt 23%, giảm khoảng 5.300 tỷ đồng.
Hiện trên địa bàn TP.HCM có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành tạm ngưng hoạt động. Từ ngày 1/1/2020 đến ngày 3/3/2021 có tổng cộng 152 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (135 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 17 doanh nghiệp lữ hành nội địa). Theo báo cáo của 26 doanh nghiệp lữ hành đầu ngành, từ ngày 28/1/2021 đến ngày1/3/2021 đã có hơn 930 đoàn hủy tour với số lượng hơn 43.100 khách, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp lữ hành trên 363 tỷ đồng. Điều đáng nói, trên địa bàn TP.HCM hiện chỉ còn lực lượng hướng dẫn viên du lịch chính thức của các công ty lữ hành còn hoạt động (hướng dẫn viên quốc tế còn khoảng 10%, hướng dẫn viên nội địa còn khoảng 40-50%); các hướng dẫn viên cộng tác hoặc tự do đã phải chuyển nghề.
![]() |
Khách du lịch giảm trầm trọng do tác động của dịch bệnh |
Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng đã gây tâm lý e ngại đi du lịch của người dân, làm giảm đáng kể lượng khách tham quan của các điểm đến từ 50% - 70% so với cùng kỳ. Hiện trên địa bàn TP.HCM có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao hoặc tương đương tạm ngưng hoạt động. Doanh thu lưu trú trên địa bàn TP.HCM giảm 70% so với năm 2019, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80% so với năm 2019, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68% so với trước, lượng lao động giảm 35% so với năm 2019.
Từ đầu năm 2021 đến nay, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác ứng phó, phòng chống dịch Covid-19 trong điều kiện dịch bệnh tái bùng phát bằng các tiêu chí an toàn, lãnh đạo sở du lịch TP.HCM cho biết đã đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp du lịch, công chức, viên chức và người lao động quán triệt thực hiện nghiêm và đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM, trước tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng vượt khó, duy trì hoạt động. Hiện có 10/50 doanh nghiệp (lữ hành, cơ sở lưu trú) được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay (theo công văn ngày 20/2/2020 của NHNN Việt Nam chi nhánh TP.HCM); 10 doanh nghiệp (lữ hành, cơ sở lưu trú) đang được xem xét cơ cấu lại nợ gốc, ân hạn nợ gốc, hoãn thanh toán lãi, giảm lãi và tái cấp hạn mức (chờ doanh nghiệp bổ sung phương án trả nợ); 1.250/gần5.000 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn TP.HCM được hỗ trợ giảm giá bán điện đợt 1 và đợt 2; 60 công ty lữ hành và 1.123 hướng dẫn viên được hỗ trợ.
Dù vậy, đối với doanh nghiệp du lịch, việc tiếp nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ chưa nhiều, còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp của ngân hàng vì không đáp ứng được các tiêu chí cần thiết; Theo quy định, mức tiền ký quỹ cho kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế và khách du lịch ra nước ngoài lần lượt là 100 triệu, 250 triệu và 500 triệu đồng. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, chưa có khách quốc tế đến Việt Nam và chưa đưa khách đi du lịch nước ngoài, nhiều doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp nhỏ) mong muốn được giảm tiền ký quỹ để có dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh...
Để khắc phục những khó khăn do dịch bệnh, Sở Du lịch TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; Đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5%; Xem xét kéo chính sách giảm tiền thuê đất; phối hợp với NHNN Việt Nam nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp; kiến nghị xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không tính lãi phạt chậm nộp; đồng thời xem xét điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên đến 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tự nguyện...
“Sở Du lịch TP.HCM đang nỗ lực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030. Bên cạnh đó, Sở tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi sau dịch Covid-19 như phát triển sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch TP.HCM”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
