Để hút vốn tư nhân phát triển thủy lợi
Trăm ngàn tỷ đồng đổ vào thuỷ lợi
Thời điểm này đang là đỉnh điểm của hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hàng triệu hecta vùng nguyên liệu lúa gạo, trái cây, hoa màu phục vụ chế biến xuất khẩu đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Trước thực tế này, hầu như tất cả các địa phương từ Long An đến Cà Mau đều muốn đầu tư nhiều hơn cho việc nâng cấp, cải tạo các hệ thống cống, đập ngăn mặn và nạo vét, gia cố kênh rạch, đê bao nhằm bảo vệ các vùng nguyên liệu xung yếu trọng điểm.
![]() |
Các địa phương cần hàng nghìn tỷ đề đầu tư, tu sửa các công trình hạ tầng thủy lợi |
Ghi nhận tại Tiền Giang cho thấy, tỉnh này đã đầu tư xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra Sông Tiền trên đường tỉnh lộ 864 với tổng kinh phí dự toán gần 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương trồng sầu riêng trọng điểm khu vực huyện Cai Lậy cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để gia cố, xây mới các đập tạm để bảo vệ các vườn trái cây đang cho thu hoạch. Tại Trà Vinh, theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, trong thời gian tới tỉnh này sẽ phải đầu tư tu sửa, nâng cấp gần 400 công trình thủy lợi nội đồng với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Long An, các dự báo cho thấy trong mùa khô năm nay sẽ có khoảng 20.000 ha cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Do đó địa phương này cần đầu tư khoảng hơn 100 tỷ đồng để gia cố các cống đập, đê bao ngăn mặn.
Các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Bến Tre mới đây đã đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt có 3 dự án thủy lợi lớn bao gồm: Dự án đê bao Mang Thít, dự án Hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và dự án khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông tại các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Bến Tre, thuộc dự án Mekong DPO. Theo đó, với tổng mức đầu tư 13.442 tỷ đồng để triển khai trong năm 2024 nhằm chống hạn hán, xâm nhập mặn và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Thực tế cho thấy, sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện (Công điện số 19/CĐ-TTg ngày 8/3/2024) yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL hoạt động chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình thủy lợi đều đã được các tỉnh, thành chú trọng triển khai. Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho các công trình dự án hạ tầng thủy lợi hầu hết đều đến từ ngân sách và nguồn vốn vay ODA. Vì thế, nhiều địa phương vẫn phải chờ đợi hoàn tất các thủ tục đầu tư mới có thể triển khai trên thực tế.
Kỳ vọng cơ chế giá và hợp đồng PPP
Theo các chuyên gia, hiện nay hoạt động đầu tư cho hạ tầng thủy lợi tại Việt Nam có khá nhiều bất cập. Nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống thủy lợi chủ yếu mới chỉ được cân đối từ ngân sách nhà nước hàng năm (bao gồm: ngân sách Trung ương và địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA,…). Rất ít công trình, dự án hạ tầng thủy lợi có sự đóng góp của khối kinh tế tư nhân và người dân vùng hưởng lợi từ hạ tầng thủy lợi.
Theo Quy hoạch thuỷ lợi ĐBCSL giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050, trong giai đoạn 2021-2030 ngân sách có thể cân đối bố trí khoảng 49.450 tỷ đồng cho tất cả các dự án xây dựng, củng cố đê sông, đê biển; xây dựng hồ chứa, kênh tiếp nước; công trình kiểm soát lũ và xây dựng các cống đập, thủy lợi nội đồng. Giai đoạn 2031 - 2050, mức đầu tư này nâng lên 80.850 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế nhu cầu đầu tư hạ tầng thủy lợi tại các địa phương thì nguồn lực tài chính kể trên là rất hạn chế.
Để giải quyết bài toán nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng lĩnh vực thủy lợi, theo các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), có hai vấn đề cần phải triển khai nhanh chóng và đồng bộ. Đó là cơ chế giá đối với dịch vụ thủy lợi (để thu hút tư nhân đầu tư quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng thủy lợi); và cơ chế khuyến khích đầu tư các công trình thủy lợi theo hình thức hợp tác công – tư (PPP).
Đối với vấn đề thứ nhất, thực tế cho thấy sau 6 năm triển khai chính sách giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi theo Nghị định 96/2018/NĐ-CP đã xuất hiện quá nhiều bất cập. Theo đó, việc hỗ trợ thủy lợi phí cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi theo mức hỗ trợ đã áp dụng từ năm 2012 khiến nguồn thu của các công ty thủy nông rất thấp, chi phí tối thiểu cho lương, bảo trì, sửa chữa hàng năm không bảo đảm, và không có động lực để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Từ năm 2020, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 96, nhưng đến nay Nghị định này vẫn chưa được ban hành. Chính vì thế việc sửa đổi văn bản pháp lý này hiện nay là rất cấp bách, để đổi mới cách thức vận hành, giảm gánh nặng ngân sách cho quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng thủy lợi và thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, nhất là từ tháng 7/2024 Luật Giá 2023 sẽ chính thức có hiệu lực.
Đối với vấn đề thứ hai, cuối tháng 12/2023 vừa qua, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 26/2023/TT-BNNPTNT (về hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP lĩnh vực thủy lợi, cung cấp nước sạch nông thôn). Thông tư này cũng chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024. Trong đó, có các quy định liên quan đến giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi (áp dụng theo Điều 65 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Điều 22 Luật Giá 2023). Vì thế Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng ban hành những hướng dẫn chi tiết về cơ chế ưu đãi đầu tư, điều kiện áp dụng các cơ chế giá theo Luật Giá 2023, đồng thời quy định cụ thể về các hợp đồng đầu tư PPP đối với các dự án hạ tầng thủy lợi để tạo ra sự minh bạch và tăng sức hút đối với nguồn vốn doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh đầu tư lĩnh vực này quá trình thu hồi vốn chậm và lợi nhuận hạn chế hơn các lĩnh vực khác.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
