Đầu tư công: Quyết liệt để mục tiêu không xa vời
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nửa cuối năm 2023 Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công |
Không thay đổi mục tiêu giải ngân
Theo tính toán của các chuyên gia WB, để góp phần đạt được mức tăng trưởng bình quân như vậy Việt Nam cần đảm bảo tổng đầu tư toàn xã hội của tất cả các thành phần kinh tế đạt từ 32 - 35% GDP trong giai đoạn này, trong đó đầu tư công cần ở mức bình quân 7,3% GDP mỗi năm. Nhìn đơn thuần, đây chỉ là những con số khi đưa vào các kế hoạch hàng năm và kế hoạch trung hạn. Nhưng để hiện thực hóa mục tiêu không đơn giản, bởi thực tế thập kỷ vừa qua đã cho thấy một xu hướng ngược lại. Minh chứng là mặc dù nhu cầu ngày càng lớn nhưng tổng đầu tư công lại giảm xuống. Trong giai đoạn 2011-2022, tỷ lệ chi đầu tư công so với tổng chi ngân sách nhà nước và so với GDP đã giảm lần lượt từ 27% xuống 20% và từ 8% xuống 6%. Cụ thể năm 2022, dự toán đầu tư công chỉ mức 5,5% GDP.
Những năm đầu của giai đoạn 2021-2030, tỷ lệ chi đầu tư công trên GDP thấp càng đòi hỏi những năm sau đó mức chi phải tăng lên để đạt mức bình quân 7,3% GDP như đã đề cập ở trên. Như vậy, năm 2023 rõ ràng cần có sự đột phá, tạo nền tảng để đầu tư công cao hơn trong các năm tiếp theo. Chính phủ đã đưa ra kế hoạch nâng đầu tư công tăng thêm 38% (so với 2022), tương đương 7,1% GDP trong năm 2023 (tăng thêm 1,6% GDP so với 2022). Thực tế 7 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã đạt được kết quả khá tích cực, với tỷ lệ giải ngân ước đạt 37,85% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (34,47%), đặc biệt là cao hơn so với cùng kỳ 2022 nếu nhìn vào con số tuyệt đối (tăng gần 81 nghìn tỷ đồng).
Bà Vũ Hoàng Quyên - chuyên gia Quản trị công cao cấp của WB tại Việt Nam nhận định, việc duy trì bền vững mức đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng xã hội và sản xuất, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân đẩy mạnh đầu tư. “Việt Nam còn dư địa tài khóa rộng - nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh đang ở mức 35,7% GDP vào năm 2022 so với ngưỡng nợ 60% do Quốc hội đề ra – do đó có thể chi đầu tư công nhiều hơn để đẩy mạnh tăng trưởng bền vững”, bà Quyên cho biết.
Nhìn ngắn hạn trong năm nay, mặc dù tốc độ giải ngân đã tăng rất tích cực trong những tháng gần đây nhưng con số giải ngân 37,85% kế hoạch trong 7 tháng đầu năm chưa thể cho thấy sự yên tâm, nhất là trong bối cảnh thực tiễn và triển vọng nền kinh tế năm nay rất khó khăn và đầu tư công rất được kỳ vọng là một trong những động lực lớn nhất cho tăng trưởng. Mục tiêu phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đến nay không thay đổi nhưng rõ ràng cần sự quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm hơn nữa mới hy vọng có thể đạt được.
![]() |
Theo WB, Việt Nam cần duy trì đầu tư công hàng năm bình quân khoảng 7,3% GDP trong giai đoạn 2021-2030 |
Theo dõi sát tiến độ, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh
Tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 749/CĐ-TTg ngày 18/8/2023 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. Theo đó, để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước đạt trên 95% kế hoạch giao.
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa,... xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng giao mỏ không đúng đối tượng làm nảy sinh hoạt động mua đi bán lại tăng giá vật liệu. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng tháng để ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, sát với tình hình thực tiễn nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả giải ngân hàng tháng của các bộ, ngành, địa phương.
Ba thông điệp khuyến nghị chính của WB để thúc đẩy đầu tư công: 1/ Cần duy trì được mức đầu tư công cao và hiệu quả để giữ, thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế; 2/ Tập trung cải thiện được những hạn chế kéo dài trong triển khai đầu tư công ở các cấp chính quyền khác nhau trong mô hình phân cấp hiện nay; 3/ Giải quyết được những vấn đề nền tảng trong sự liên kết, phối hợp giữa các cấp. |
Giao Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán; chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án…
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023 của tập thể, cá nhân.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư
