Đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành là cấp bách
![]() |
Ảnh minh họa |
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng nước ta đang phát triển và hội nhập sâu rộng, lại có dân số đông, việc đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành là cấp bách và cần thiết, góp phần đưa nước ta hội nhập với sự phát triển của các nước trong khu vực và thế giới.
“Với tình trạng khai thác hiện nay, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bị quá tải ở tất cả các công đoạn, như: Giao thông kết nối (thiếu chỗ đậu xe, lối vào sân bay), khu hành khách, khu dịch vụ hàng hóa, sân đỗ, giao thông trên bầu trời bị tắc nghẽn, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt về tiếng ồn và ô nhiễm không khí. Khi Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được phê duyệt thì Giai đoạn 1 sớm nhất cũng phải đến 2022 mới hoàn thành. Trong khi đó, dự kiến từ năm 2017, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với thiết kế 25 triệu hành khách/năm”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam những năm qua có tốc độ tăng trưởng cao, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng đánh giá Việt Nam sẽ là nước đứng thứ 3 trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo xu thế phát triển chung của ngành Hàng không, hiện nay, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã quy hoạch và đưa vào khai thác các cảng hàng không quốc tế lớn như Suvarnabhumi - Thái Lan (100 triệu khách/năm), Kuala Lumpur - Malaysia (100 triệu khách/năm), Changi - Singapore (135 triệu khách/năm), thu hút mạnh mẽ các hãng hàng không quốc tế khai thác đến, tạo ra sức cạnh tranh về khai thác trung chuyến quốc tế hành khách, hàng hóa trong khu vực, tạo đà phát triển kinh tế cho quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam hiện mới chỉ là điểm kéo dài đường bay từ các trung tâm trung chuyển hàng không này.
Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực phát triến nhanh, năng động trên thế giới; đang quản lý điều hành 2 vùng thông báo bay (FIR) Hà Nội và Hồ Chí Minh với 04/25 đường hàng không nhộn nhịp bậc nhất thế giới; là quốc gia có nền chính trị ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu cao; tiềm năng du lịch lớn; hệ thống đường bay quốc tế, nội địa rộng lớn, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong việc phát triển một trung tâm trung chuyển hàng không.
“Như vậy, việc đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung; đồng thời dần trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển quốc tế của khu vực theo xu hướng phát triển của hàng không quốc tế”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Dự án dự kiến phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng 1 đường hạ cất cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư (TMĐT) dự kiến khoảng 5,2 tỷ USD. Dự kiến triển khai trong giai đoạn 2018 - 2025 (phấn đấu hoàn thành sớm Dự án, dự kiến vào khoảng năm 2022).
Trong giai đoạn 1 chỉ xây dựng 1 đường hạ cất cánh do vẫn duy trì khai thác Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nên có thế hỗ trợ cảng hàng không quốc tế Long Thành trong trường hợp khẩn.
Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng đường hạ cất cánh số 2 độc lập, cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. TMĐT dự kiến khoảng 4 tỷ USD. Dự kiến triển khai trong giai đoạn 2030 - 2035.
Giai đoạn sau cùng là hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm theo mục tiêu quy hoạch. TMĐT dự kiến khoảng 6,6 tỷ USD. Dự kiến triến khai trong giai đoạn 2040 - 2050.
Về TMĐT và cơ cấu nguồn vốn đầu tư, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong giai đoạn lập Báo cáo đầu tư ban đầu, giá trị khái toán cho cả Dự án được xác định sơ bộ trên cơ sở suất đầu tư các dự án của Nhật Bản, với giá trị là 18,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD (tương đương khoảng 164.589 tỷ đồng).
Tuy nhiên, sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triên khai trên thế giới cũng như trong khu vực (nhưng không làm thay đổi công nghệ, kỹ thuật chung của Dự án), giá trị khái toán rà soát lần này là 15,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng).
Bộ Giao thông Vận tải cũng dự kiến cơ cấu nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 1, gồm vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 12.149 tỷ đồng (chiếm 11,1% TMĐT của dự án) dùng cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng các công trình cho các cơ quan quản lý Nhà nước; dự kiến phân bổ trong 3 năm, mỗi năm khoảng 4.000 tỷ đồng.
Vốn ODA khoảng 29.177 tỷ đồng (chiếm 26,5% TMĐT của dự án), dự kiến dùng cho đầu tư xây dựng các hạng mục khu bay như: đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Chính phủ sẽ chỉ đạo hoàn tất các thủ tục cần thiết, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan để huy động nguồn vốn này cho Dự án. Với vị thế quốc tế hiện nay của nước ta, việc huy động nguồn vốn này là hoàn toàn có thế thực hiện được.
Vốn huy động ngoài NSNN khoảng 68.644 tỷ đồng (chiếm 62,4% TMĐT của dự án) dùng để đầu tư xây dựng các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga, các hạng mục thương mại... Hiện nay, có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đang quan tâm đến dự án nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, như: ADP của Pháp, các Tập đoàn Samsung, Incheon của Hàn Quốc và các Tập đoàn của Nhật Bản...
Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có kinh nghiệm huy động vốn cho một số dự án đầu tư sân bay như Phan Thiết, một số nhà đầu tư đang quan tâm và mong muốn được đầu tư các dự án cảng hàng không Phú Quốc, Đà Nẵng...
Chính phủ sẽ chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan liên quan tính toán cụ thể hiệu quả kinh tế, tài chính, phương án huy động vốn cho Dự án, phù hợp với tiến độ đầu tư ở bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Như vậy, so với lần báo cáo tại kỳ họp Quốc hội trước, tổng mức đầu tư Giai đoạn 1 của Dự án sau khi rà soát lại giảm khoảng 2,6 tỷ USD (tuơng đương 54.619 tỷ đồng.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
