Đầu năm nhiều thương vụ hợp tác chuyển đổi số
![]() | Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số |
![]() | Tìm giải pháp để việc chuyển đổi ngân hàng số bứt tốc |
![]() | Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu |
Đua nhau bắt tay làm công nghệ
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Công ty phần mềm FPT và Smart Holdings một công ty trực thuộc Toyota Group đã hợp tác thành lập liên doanh cung cấp dịch vụ và giải pháp chuyển đổi số (FPT Smart Technologies - FST) tại Việt Nam. Hợp tác này giúp FPT nắm giữ 51% cổ phần của liên doanh, hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ và giải pháp chuyển đổi số trong ngành sản xuất ô tô và lĩnh vực xây dựng.
Không chỉ có công ty phần mềm trên, làn sóng hợp tác chuyển đổi số trong những tháng đầu năm thực sự lan tỏa đến nhiều doanh nghiệp lớn trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Theo đó, trong tháng 1, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã hợp tác với Hội Tin học TP.HCM mở ra cơ hội hỗ trợ chuyển đổi số cho hàng trăm doanh nghiệp thành viên. Ngay sau đó VNPT và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã ký kết hợp tác chiến lược để chuyển đổi số lĩnh vực hàng không giai đoạn 2021-2025.
![]() |
Làn sóng số hóa và tự động hóa lan tỏa ở khắp các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh |
Cùng với đó, Mobifone và Tổng cục Du lịch Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch thông minh thông qua các nền tảng số. Trong khi đó, Viettel đã bắt tay với Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu) để số hóa nhiều hoạt động các trường học trong các đơn vị quân đội.
Ở nhóm các ngành nghề sản xuất kinh doanh và thương mại điện tử, hoạt động hợp tác chuyển đổi số cũng đang diễn ra khá sôi động. Tập đoàn Alibaba sau một năm thành công với các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho các công ty xuất khẩu, ngay trong tháng 1 cũng đã khởi chạy chương trình “100 nhà xuất khẩu tài ba” và tổ chức hàng loạt các hội thảo ở các tỉnh thành với kỳ vọng hỗ trợ 10.000 DNNVV thiết lập mạng lưới số hóa để tăng trưởng doanh thu nhờ bán hàng trực tuyến.
Trong các tháng cuối năm ngoái, Liên minh chuyển đổi số DTS (TP.HCM), cũng đã xây dựng thành công các chương trình Go-Online, Chợ phiên Online. Hiện đơn vị này đã và đang phối hợp với hơn 10 địa phương để hỗ trợ chuyển đổi số cho 2.000 DNNVV ở tất cả các ngành nghề lĩnh vực khác nhau.
Theo thông tin của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong tháng đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thông tin Truyền thông đã bắt đầu triển khai chương trình SMEdx. Các DNNVV tham gia vào chương trình chuyển đổi số sẽ được hưởng chính sách ưu đãi miễn phí sử dụng các nền tảng số trong 3 tháng đầu. Trong đó, giảm 50% phí sử dụng các nền tảng công nghệ số nếu ký hợp đồng một năm, đồng thời miễn phí tất cả các khóa đào tạo, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nền tảng số hóa.
Hiệu quả đầu tư là động lực lan tỏa
Theo các chuyên gia kinh tế, động lực để cộng đồng doanh nghiệp tham gia mạnh vào các hợp tác chuyển đổi số nằm ở tính hiệu quả mà quá trình chuyển đổi số mang lại. Hiện nay, những lo ngại chủ yếu của các doanh nghiệp khi tiến hành hợp tác chuyển đổi số là chi phí đầu tư và vấn đề bảo mật thông tin.
TS. Võ Đình Trí - Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, các lo ngại này hiện nay cũng đã bắt đầu được tháo gỡ, bởi trong giai đoạn trước, khi đầu tư các thiết bị phần cứng và các phần mềm bản quyền đi kèm doanh nghiệp thường phải tiêu tốn khá nhiều vốn dài hạn. Nhưng hiện nay các phần mềm dịch vụ theo dạng SaaS (Software as a Service) hoặc dịch vụ đám mây (cloud services) đã hỗ trợ tốt hơn, các doanh nghiệp không cần đầu tư thiết bị cứng vẫn có thể tích hợp chuyển đổi số được. Chưa kể, trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ, các nhà cung cấp ứng dụng số hóa luôn có các gói dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ với mức phí phù hợp. Vì vậy động lực chính để chuyển đổi số nằm ở ý chí, tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp và tính hiệu quả của quá trình đầu tư.
Từ góc độ nhà cung cấp dịch vụ số hóa, ông Vũ Anh Tú - Giám đốc công nghệ của FPT cho rằng, chuyển đổi số là chìa khóa tạo ra sự khác biệt và bứt phá của doanh nghiệp. Ông Vũ ví dụ quá trình chuyển đổi số của Công ty sơn Nippon (Nhật Bản), doanh nghiệp này đã đầu tư chuyển đổi số mất 6 năm, năm 2018 doanh thu của sơn Nippon khoảng 86 tỷ đồng, sau khi hoàn thành chuyển đổi số doanh thu đã tăng gấp 4 lần. “Như vậy hiệu quả chuyển đổi số mang lại rất lớn, nó có thể làm thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống và tạo ra các đột biến trong kết quả kinh doanh”, ông Vũ nhận định.
Ông Nguyễn Việt Long - Phó tổng giám đốc EY Consulting Việt Nam cho rằng, việc ngày càng nhiều các công ty bắt tay hợp tác số hóa và đổi mới công nghệ cho thấy hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam đã bắt đầu có sức lan tỏa mạnh và bắt nhịp khá tốt với các nền kinh tế số trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam hiện sở hữu các chỉ số về hạ tầng liên quan đến kết nối ở mức tương đối tốt so với một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan. Hiện tỷ lệ thuê bao internet băng rộng trên tổng dân số của Việt Nam là 82% và tỷ lệ giao dịch thanh toán kỹ thuật số hơn 22%. Sự sẵn sàng cho việc áp dụng nền tảng công nghệ số của Việt Nam ở mức tương đối tốt so với khu vực ASEAN.
Theo đó, thời điểm hiện nay thích hợp để Chính phủ gia tăng nguồn tài chính hỗ trợ chuyển đổi số cho nền kinh tế. Ngoài ra, các DNNVV hiện nay cần dựa vào những tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước theo các hình thức hợp tác số hóa mô hình sản xuất, kinh doanh, thích ứng với sự thay đổi của thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
