“Đánh thức” thị trường nội địa
Mong sớm có hướng dẫn
Theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ban hành ngày 28/3, có hai nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gồm người lao động làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm; và người lao động quay trở lại thị trường lao động. Để được hưởng mức hỗ trợ này, người lao động phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc nhất định.
Cùng với các điều kiện bắt buộc này, người lao động và DN phải cùng phối hợp thực hiện 5 bước theo Quyết định 08. Cụ thể, người lao động viết đơn theo mẫu và xin xác nhận của chủ nhà trọ rồi nộp lại cho DN. Trên cơ sở đơn của lao động, DN rà soát và lập danh sách, niêm yết công khai theo biểu mẫu của Quyết định 08, sau đó gửi cơ quan BHXH để xác nhận cho người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc. Sau khi cơ quan BHXH xác nhận, danh sách sẽ được gửi tới UBND cấp quận/huyện, sau đó UBND cấp quận/huyện gửi danh sách trình UBND cấp tỉnh/thành phố thẩm định và ra quyết định chi trả.
![]() |
Việc triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động còn tạo lực đẩy cho cả nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn |
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, cơ quan này đã có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại các địa bàn được hưởng chính sách nhằm chủ động rút gọn thủ tục, giúp người lao động sớm nhận được tiền hỗ trợ. Dự kiến trong khoảng thời gian tối đa là 11 ngày, toàn bộ các thủ tục sẽ được hoàn thiện và người lao động có thể nhận được tiền hỗ trợ.
Tuy nhiên trên thực tế, kể từ khi Quyết định 08 được ban hành cho tới nay đã hơn 1,5 tháng trôi qua, nhiều DN cho biết vẫn chưa được hướng dẫn đầy đủ và cụ thể. Là đơn vị sử dụng nhiều lao động, hiện nay Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có khoảng 150.000 lao động tại các đơn vị thành viên. Để hưởng ứng chính sách hỗ trợ này, các đơn vị thành viên của Vinatex đang ráo riết triển khai hướng dẫn người lao động và liên hệ với chính quyền địa phương để sớm thực hiện các thủ tục. Bà Lê Thị Hoàng Trang - Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng Nhân sự Công ty cổ phần Phong Phú cho biết, đến nay chính quyền địa phương và cơ quan BHXH vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể tới DN, khiến người làm công tác nhân sự rất lúng túng về các bước triển khai. Hiện nay công ty mới chỉ phổ biến mẫu đơn cho công nhân để họ lấy xác nhận từ chủ nhà trọ, sau đó nộp lại cho công ty để lập danh sách.
Giám đốc một DN xuất khẩu thuỷ sản chia sẻ trải nghiệm thực tế khi triển khai thủ tục thụ hưởng các gói hỗ trợ trước đây. Theo vị này, mặc dù các thủ tục cũng như đầu mối thực hiện chính sách được Chính phủ chỉ ra rất cụ thể, song càng thực hiện ở các cấp phía dưới thì càng phát sinh thêm thủ tục khác. Vì vậy, DN thường phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ vài lần mới hoàn thiện.
Từ kinh nghiệm thực tế trong triển khai các gói hỗ trợ trước đây, DN khuyến nghị một số vấn đề cần được cơ quan BHXH và chính quyền địa phương quy định rõ từ sớm, tránh đợi tới khi DN nộp hồ sơ lên mới yêu cầu bổ sung hoặc chỉnh sửa. Chẳng hạn, nếu người lao động thuê trọ nhưng chưa có đăng ký tạm trú thì có được hưởng gói hỗ trợ hay không. Hoặc đối với trường hợp DN gặp khó khăn và đang nợ lương cũng như BHXH, thì cơ quan BHXH có chấp thuận hỗ trợ cho người lao động của DN hay không…
Kỳ vọng tạo thêm lực đẩy cho cả nền kinh tế
Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex, hầu hết các nền kinh tế đang phát triển đều có hai động lực chính là xuất khẩu và thị trường nội địa. Vì vậy để tìm bàn đạp, tạo sức bật nhanh nhất cho nền kinh tế, cần đánh giá thực trạng, khả năng tiếp nhận các gói kích thích, cũng như tác động lan tỏa của hai động lực này. Có thể thấy trong 4 tháng đầu năm 2022, nếu như xuất khẩu là điểm sáng với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 16,4%, thì tiêu dùng nội địa vẫn phục hồi rất chậm chạp.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chỉ ước tăng 6,5% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng của 4 tháng đầu năm 2021 là 10%. Nếu loại trừ yếu tố giá, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thậm chí chỉ tăng 4,3%, thấp hơn đáng kể so với mức 7,2% cùng kỳ năm 2021. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách kích cầu, như giảm thuế GTGT xuống còn 8%, song sức mua trong nước vẫn chưa thể bật tăng trở lại.
Phân tích sâu hơn vào các con số thống kê, có thể thấy người dân tập trung chi tiêu cho các nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, vì vậy mức tăng chủ yếu đến từ doanh thu lương thực thực phẩm (tăng 13,2%), vật phẩm văn hóa, giáo dục (tăng 11,5%); trong khi các nhu cầu ít cấp bách hơn vẫn đang bị gác lại, như hàng may mặc giảm 3,5%; đồ dùng, trang thiết bị gia đình giảm 4,6%, dịch vụ lưu trú, ăn uống chỉ tăng 5,2% (thấp hơn mức 10,1% cùng kỳ năm 2021)… Nguyên nhân chủ yếu của việc “thắt lưng buộc bụng” trong suốt thời gian dài là thu nhập của người dân chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch, trong khi giá cả nhiều loại hàng hóa có xu hướng tăng cao theo giá xăng.
Chính vì thế việc “đánh thức” thị trường nội địa chỉ có thể diễn ra khi xu hướng thu nhập của người dân quay trở lại bình thường, mà trước mắt là ở khu vực lao động nhận tiền lương, tiền công, tạo ra vòng thu nhập để đưa vào chi tiêu trên thị trường, từ đó tiếp tục kích hoạt các nhóm ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải…
TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phân tích, trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay, thì việc đưa ra các gói hỗ trợ của Chính phủ phải cân nhắc trên nhiều bề. Mặc dù vậy, Chính phủ đã đánh giá đúng về vai trò quan trọng của thị trường nội địa đối với tăng trưởng kinh tế, vì vậy đã đưa ra chính sách giảm thuế GTGT để kích thích tiêu dùng. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, người lao động cũng bắt nguồn từ việc xác định rõ đây là nhóm đối tượng khó khăn nhất trong xã hội, nhưng đồng thời cũng là nhóm có thể kích thích các động lực tăng trưởng khác. Vì vậy, có thể nói việc triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động không chỉ phục vụ cho chính họ hay cho DN, mà còn tạo lực đẩy cho cả nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn trong thời gian còn lại của năm 2022.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
