“Đánh thức” các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp (Kỳ 1)
Kỳ 1: Nhiều, nhưng không hiệu quả
Khi doanh nghiệp - ngân hàng đều gặp khó
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, chiếm khoảng 98,1% trong tổng số hơn 800 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam, DNNVV đóng vai trò hết sức quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong nhiều năm qua, số lượng DNNVV cải thiện cả về chất và lượng, nhưng trước tác động chưa từng có từ đại dịch Covid-19, nhiều DNNVV trên cả nước đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung trong 9 tháng qua cả nước chỉ có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong khi có tới 45,1 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thấu hiểu điều đó, thời gian qua ngành Ngân hàng đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp thiết thực để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các DNNVV nói riêng vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra để duy trì sản xuất kinh doanh.
![]() |
Quỹ bảo lãnh tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DNNVV |
Theo đó ngay từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, NHNN nhanh chóng ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo hành lang pháp lý để các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong năm 2021, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 bùng phát tại nhiều địa phương, NHNN cũng đã khẩn trương ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.
Song song với đó, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Để tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm 2020, NHNN đã 3 lần thực hiện cắt giảm các mức lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn bằng VND.
Nhờ đó đến nay mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 1,55% so với thời điểm trước dịch và hiện đang đứng ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Số liệu thống kê của NHNN cũng cho thấy, tính đến ngày 31/8, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng.
Những con số trên đã phần nào cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cho dù ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng đang hứng chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh như kinh doanh giảm sút, nợ xấu có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên ngân hàng chỉ có thể giảm lãi suất, nhưng không thể cho vay dưới chuẩn bởi nguồn vốn của các ngân hàng được hình thành chủ yếu từ nguồn tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế, nên yêu cầu hàng đầu của các ngân hàng là phải bảo toàn vốn. Trong khi những doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất thời điểm này hầu hết là dưới chuẩn, khả năng phục hồi bấp bênh.
Trước thế khó trên, giới chuyên môn cho rằng cần phải phát huy vai trò của các quỹ hỗ trợ DNNVV, quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV… trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Nếu có sự bảo lãnh từ các quỹ này sẽ mở đường cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để phục hồi sản xuất kinh doanh. “Việc vận dụng cơ chế sẵn có vừa hỗ trợ được doanh nghiệp vừa đảm bảo việc triển khai nhanh, hiệu quả trong giai đoạn này là rất cần thiết”, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh.
Quỹ hỗ trợ: Lượng nhiều, chất ít
Không phải đến khi dịch bệnh xảy ra thì mới đề cập đến vai trò quan trọng của các quỹ hỗ trợ. Thực tế, trong nhiều năm qua một trong những giải pháp chính sách quan trọng Chính phủ ban hành để tạo động lực phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV, đó là thành lập các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Thời gian vừa qua, con số quỹ hỗ trợ do bộ, cơ quan ở trung ương, địa phương quản lý được thành lập khá nhiều, đa dạng các lĩnh vực. Đơn cử, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch… Ngoài ra, còn các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.
![]() |
Có thể nói, số lượng các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp là khá nhiều và cũng rất đa dạng, song chất lượng lại không tương xứng kỳ vọng khi nhiều quỹ chỉ hoạt động rất cầm chừng, hiệu quả thấp. Chẳng hạn, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đi vào hoạt động từ năm 2015 với rất nhiều kỳ vọng khi mà hầu hết các DNNVV của Việt Nam đang sử dụng công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc do quy định thiếu cụ thể, chưa rõ ràng; tính khả thi đối với thực tế hoạt động của doanh nghiệp còn thấp…
Hay như Quỹ Phát triển DNNVV trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đi vào hoạt động từ năm 2013 cũng giải quyết một phần nào khó khăn của các doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận vốn. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế đã bộc lộ một số hạn chế vướng mắc, làm chậm tiến độ thực hiện hỗ trợ của quỹ. Chẳng hạn, nguồn vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng của quỹ là quá eo hẹp; bên cạnh đó quy định chỉ được hỗ trợ DNNVV thông qua mô hình ủy thác cho vay khiến quỹ bị hạn chế trong việc huy động các nguồn lực…
Đáng bàn nhất chính là hoạt động “èo uột” của các quỹ bảo lãnh tín dụng. Tính đến nay, cả nước có 28 quỹ bảo lãnh tín dụng, nhưng đa phần đều hoạt động lay lắt, cầm chừng; thậm chí một số quỹ cả năm không bảo lãnh được một doanh nghiệp nào. Hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu bất cập về cơ chế chính sách cũng như nguồn lực của các quỹ này.
Theo nhận định một chuyên gia ngân hàng, hiện quy mô của các quỹ bảo lãnh tín dụng còn nhỏ do nhiều địa phương chưa có nguồn lực để bố trí vốn điều lệ cho quỹ; trong khi năng lực tài chính, quản trị điều hành các quỹ còn hạn chế; quy trình nghiệp vụ trong công tác thẩm định hồ sơ, kiểm tra, giám sát, thu hồi các khoản nhận nợ bắt buộc còn chưa hoàn thiện… Trong khi những quy định về điều kiện cấp bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm, cộng thêm những quy định về phạm vi và giới hạn cấp bảo lãnh tín dụng đã làm giảm động lực tiếp cận các quỹ bảo lãnh tín dụng của doanh nghiệp.
Có thể thấy dù là chính sách khuyến khích, nhưng chưa đảm bảo đồng bộ, tính khả thi trong triển khai chính sách khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các quỹ này. Điều này dẫn đến thực tế, có nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng hiệu quả không cao, vô hình trung sẽ gây ra sự lãng phí.
Kỳ 2: Củng cố điểm tựa cho doanh nghiệp
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
