Đại biểu Quốc hội bàn nguyên nhân và giải pháp giảm thiệt hại của bão lũ
Qua ý kiến phát biểu, các đại biểu đều đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và toàn hệ thống chính trị trong nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô trong bối cảnh đại dịch Covid bùng phát gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Với tinh thần “khó khăn gấp đôi, nỗ lực gấp ba” đã và đang được thể hiện, các đại biểu tin tưởng mục tiêu tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô và đạt mức tăng trưởng 2-3% trong năm nay là hoàn toàn khả thi.
Nhiều ý kiến đề cập đến những khó khăn, thách thức hiện nay và đề xuất các giải pháp để vượt qua, đảm bảo thực hiện tốt nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội đặt ra cho năm 2020, tạo nền tảng cho năm 2021 và cả giai đoạn 5 năm tới. Trong đó, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh và đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp liên quan đến vấn đề thiên tai, bão lũ đang hoành hành tại miền Trung hiện nay.
![]() |
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu. Ảnh: Văn phòng Quốc hội |
Về mặt khách quan, đây là vấn đề năm nào cũng xảy ra theo quy luật vận động của tự nhiên, do biến đổi khí hậu và cấu tạo địa chất bất lợi của khu vực này nhưng những diễn biến liên tiếp “bão chồng bão, lũ chồng lũ” như trong tháng 10 tại miền Trung vừa qua là rất hiếm gặp và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản, đồng thời có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Đây là vấn đề mới phát sinh nên không được đề cập trong Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 mà Chính phủ trình tại Kỳ họp Quốc hội thứ 10 lần này. Cũng vì lẽ đó, đây là một trong những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nhất trong phiên sáng 3/11.
Theo đại biểu Hoàng Quốc Thắng (Quảng Trị), đã có những lý giải về nguyên nhân của những bất thường về bão lũ vừa qua như do biến đổi khí hậu, cấu tạo địa chất bất lợi của miền Trung. Nhưng một nguyên nhân quan trọng không thể không nhắc tới là do rừng tự nhiên bị hủy hoại. Và góp phần không nhỏ vào sự hủy hoại đó là tình trạnh các thuỷ điện nhỏ và vừa mọc khắp nơi.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho biết, nhiều cử tri nêu nghi vấn các dự án thuỷ điện nhỏ là “bình phong” cho việc phá rừng, theo đó mục đích chính của lập ra các dự án thủy điện nhỏ là để khai thác gỗ và tài nguyên rừng một cách hợp pháp. “Cử tri phản ánh thực trạng là đã có nhiều chủ dự án thủy điện nhỏ sau khi được cấp giấy phép xây dựng xong đã bán lại dự án cho chủ đầu tư khác và đó cũng là lúc tài nguyên khoáng sản đã được khai thác xong”, bà Xuân nói.
Đại biểu này đề xuất Chính phủ chỉ đạo rà soát lại tất cả các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên cả nước để xem có bao nhiêu dự án đã sang nhượng như phản ánh của cử tri. Đồng thời, đánh giá hiệu quả của các hoạt động này để có phương án trong quy hoạch phát triển điện lực chung một cách hiệu quả, bền vững.
Trong khi đó theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), thực tế cho thấy rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại, bão lụt ngày càng nặng nề hơn. “Nếu chúng ta kêu gọi trồng rừng nhưng vẫn cho phép các dự án khởi công ở “lõi” rừng, nếu các thủy điện “cóc” vẫn được duy trì, thậm chí là cấp phép mới thì vẫn sẽ còn xảy ra những trận lụt lịch sử tang thương nữa. Thảm họa thiên tai có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất hình chữ S này, nếu chúng ta không thay đổi”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cảnh báo và cho rằng, cần nhận thấy những sai lầm trong quá khứ và phải thay đổi tư duy, cách làm.
Qua thực tế mưa bão, lũ lụt lịch sử vừa qua, đại biểu Hoàng Quốc Thắng đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ, kiên quyết dừng hoặc loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, tác động đến dòng chảy tự nhiên, môi trường và đời sống người dân, đồng thời chú trọng tới công tác trồng và phát triển rừng, phục hồi rừng tự nhiên ở miền núi góp phần giảm lũ và chống sạt lở đất.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị Quốc hội có nghị quyết để Chính phủ có giải pháp, bố trí nguồn lực đủ để di dân ra khỏi vùng sạt lở, lũ quét cũng như rà soát, nghiên cứu để phân vùng, cảnh báo, quy hoạch đối với những địa phương có nguy cơ bị thiệt hại lớn khi có thiên tai.
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành nên có cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, rừng sinh kế cho người dân và phải bảo đảm chức năng phòng hộ của rừng thay thế. Đại biểu cũng đề xuất nên quan tâm, khuyến cáo và hỗ trợ người dân ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở nên làm nhà sàn; làm nhà chống lụt ở những vùng trũng thấp và hầm trú bão ở các vùng ven biển; đồng thời rà soát, kiên cố hóa các các cơ sở giáo dục tại các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ vì đây là nơi người dân thường tránh trú khi thiên tai xảy ra.
Cùng với đó là rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động, mức độ an toàn của hệ thống hồ chứa, hồ thủy điện nhằm bảo đảm an toàn hồ đập và cần thông tin rộng rãi để người dân an tâm.
Tin liên quan
Tin khác

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Hội nghị thượng đỉnh P4G: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng: Tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế

Thủ tướng: Thể chế là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất để chuyển đổi trạng thái

Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam có ý nghĩa chiến lược

Từ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, nghĩ về tư duy hội nhập trong kỷ nguyên mới
