Đà Nẵng: Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp
Đà Nẵng: Doanh nghiệp còn nhiều trăn trở Đà Nẵng: Doanh nghiệp tăng tốc từ đầu năm |
Nhiều doanh nghiệp còn vướng mắc
Dự báo tình hình kinh tế còn tiếp tục đối mặt với những thách thức, ngay từ những ngày đầu năm 2024, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã đồng chủ trì hội nghị "Gặp mặt một số doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2024".
Tại đây, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nêu ý kiến, đề xuất liên quan đến những khó khăn trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh để lãnh đạo thành phố tìm kiếm giải pháp tháo gỡ.
![]() |
Đà Nẵng xác định “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhà đầu tư là yếu tố hàng đầu quyết định đến sự phát triển |
Đơn cử, bà Trần Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Mia nêu ý kiến, doanh nghiệp là chủ đầu tư của dự án căn hộ tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng). Công ty nhận chứng nhận đầu tư từ tháng 5/2023 và đang thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng. Thế nhưng, hiện tại doanh nghiệp đang phải chờ quy hoạch phân khu để bảo đảm thủ tục pháp lý. Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về thẩm tra cấp phép xây dựng để dự án sớm đi vào hoạt động.
Hay như việc tìm kiếm mặt bằng phục vụ hoạt động sản xuất. Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phan Lê, ông Phan Cảnh Tân cho biết, từ lâu doanh nghiệp có nguyện vọng tìm một nhà xưởng nằm trong khu công nghiệp để hoạt động sản xuất không làm ảnh hưởng đến nhà dân. Mới đây, doanh nghiệp đã làm các thủ tục để tiến hành sản xuất trong khu nhà xưởng 2.500m2 tại KCN Liên Chiểu. Ban Quản lý KCNC và các KCN cũng đã cấp chứng nhận đầu tư. Thế nhưng, điều khiến doanh nghiệp trăn trở là chủ đầu tư KCN Liên Chiểu yêu cầu đóng tiền thuê lại đất thô, với giá 5.000 đồng/m2, đóng 1 lần cho cả thời gian thuê còn lại (gần 25 năm) với số tiền khoảng 320 triệu đồng. Trong khi, hiện tại TP. Đà Nẵng chưa ban hành giá thuê lại đất thô và chưa yêu cầu thu. Vậy nên, yêu cầu này không hợp lý. Doanh nghiệp mong muốn TP. Đà Nẵng sớm đưa các cụm công nghiệp đi vào hoạt động, để những doanh nghiệp vừa và nhỏ ổn định sản xuất.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, ông Lê Trung Chinh đánh giá cao kết quả và đóng góp của các doanh nghiệp đối với sự phát triển của địa phương trong suốt thời gian qua. Các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, đề nghị giám đốc các sở, ban, ngành chủ động hỗ trợ, tháo gỡ và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, các đơn vị báo cáo đề xuất cụ thể.
“Sức khỏe” của doanh nghiệp là yếu tố quyết định
Theo ông Chinh, thời gian qua, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư là vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động. 38.768 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động trên địa bàn đã thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đà Nẵng xác định năm 2024 là năm cần tạo đột phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025. Theo đó, chú trọng triển khai thực hiện quy hoạch Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về triển khai Quyết định 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thành phê duyệt 9/9 phân khu đô thị, 7/10 phân khu xây dựng khu chức năng.
Song song với đó, thành phố sẽ hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và triển khai xây dựng hạ tầng KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, đôn đốc hoàn tất thủ tục trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với KCN Hòa Ninh, tháo gỡ vướng mắc dự án mở rộng KCN Hòa Cầm giai đoạn 1; nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch KCNC trong khi chờ các thủ tục pháp lý liên quan mở rộng KCNC; tập trung nguồn lực, đẩy nhanh các thủ tục kêu gọi đầu tư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp...
Cũng theo ông Chinh, chủ trương xuyên suốt của Chính phủ là xây dựng được môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tự do kinh doanh, phát huy tinh thần sáng tạo, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Với tinh thần đó, TP. Đà Nẵng kỳ vọng và đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
“TP. Đà Nẵng xác định “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhà đầu tư là yếu tố hàng đầu quyết định đến sự phát triển. Đặc biệt, sức mạnh nội lực của các doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng. Vì đây chính là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - ông Chinh nhấn mạnh.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
