Cuộc đua nhà cao tầng
![]() | Hà Nội siết chặt công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư cao tầng |
![]() | Cao ốc tràn lan, tất yếu kẹt xe! |
Đua nhau chiếm lĩnh chiều cao
Mới đây, tại TP. Đà Nẵng sự kiện tổ hợp khách sạn, condotel 5 sao Ánh Dương - Wyndham Soleil Danang do PPC An Thịnh Đà Nẵng làm chủ đầu tư chính thức làm lễ cất nóc, đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Dự án này còn được gọi tên là tổ hợp Ánh Dương, dự án có tổng diện tích 2.2 ha, gồm 4 tòa tháp cao 50-57 tầng và được chủ đầu tư giới thiệu là tòa nhà cao nhất miền Trung. Dự án là một trong nhiều dự án cao tầng đã và đang được các chủ đầu tư giới thiệu ra thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian gần đây.
![]() |
Hàng loạt các dự án nhà cao tầng bên bờ sông Hàn |
Trước đó, tòa tháp đôi Cocobay Towers nằm trong Tổ hợp Du lịch và Giải trí Cocobay Đà Nẵng của Tập đoàn Empire cũng được giới thiệu ra thị trường với chiều cao “khủng”. Dự án này được giới đầu tư bàn tán xôn xao trong một thời gian với việc siêu sao bóng đá thế giới Cristiano Ronaldo (CR7) cũng chính thức đặt bút ký tên trở thành khách hàng danh dự giữ chỗ đặt mua Condotel tại dự án.
Theo giới thiệu, tòa tháp đôi có chiều cao gần 200m gồm 48 tầng cao và 2 tầng hầm với nhiều tiện ích xa hoa như, hồ bơi vô cực trên tầng 47, nhà hàng, quán bar siêu sang trên đỉnh tháp, thang máy pha lê Panorama và đại trung tâm thương mại đông vui bậc nhất miền Trung.
Cuối năm 2017 tòa tháp đôi Movenpick Hotels & Residences - Risemount Apartment Da Nang, tổ hợp khách sạn, chung cư cao cấp và căn hộ khách sạn với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng cũng đã được khởi công.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, dự án trên tọa lạc trên khu đất rộng 5000m2 nằm trong khuôn viên rộng hơn 11.000m2 (thuộc phường Thuận Phước, quận Hải Châu). Mỗi tòa tháp đều bao gồm 2 tầng hầm và 31 tầng nổi với 300 căn hộ cao cấp, 151 phòng khách sạn và 259 căn hộ khách sạn…
Đến nay, trong phạm vi khoảng 1km xung quanh cầu sông Hàn, hiện đang có hàng loạt các cao ốc “kẹp” quanh. Có thể nêu ra hàng loạt những cái tên như dự án Azura với 34 tầng với 225 căn hộ, Khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng - Hilton Đà Nẵng cao 29 tầng với 223 phòng, Khu phức hợp Indochina Riverside Towers với tòa tháp căn hộ 25 tầng, NovotelDanang Premier Han River với 37 tầng, trung tâm hành chính TP. Đà Nẵng…
Đó là chưa kể các dự án đang trong quá trình xây dựng như Tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn và chung cư cao cấp Marriot ngay sát đầu cầu sông Hàn với 39 tầng…
Lý giải về cuộc đua xây nhà cao tầng đang diễn ra tại TP. Đà Nẵng, các chuyên gia BĐS cho rằng, đây xu thế và sẽ được nhiều chủ đầu tư lựa chọn. Bởi, việc xây dựng các tòa nhà chọc trời sẽ khẳng định vị thế của chủ đầu tư, bên cạnh việc chứng minh năng lực tài chính, uy tín trong việc “nói được, làm được” thì các kỷ lục về chiều cao thường là điểm nhấn quan trọng, phục vụ đắc lực cho chiến dịch marketing để thu hút khách hàng.
Lấy ví dụ với dự án Tổ hợp khách sạn, condotel 5 sao Wyndham Soleil Danang, không phải ngẫu nhiên mà chủ đầu tư tổ hợp này cùng một lúc xác lập nhiều kỷ lục trong 1 dự án như Tổ hợp tòa nhà cao nhất Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam, cầu nối tòa nhà có chi phí và tư vấn tốn kém nhất, chi phí tư vấn và thiết kế đắt nhất, tòa nhà có nhiều thang máy nhất Việt Nam… Điều này rất có lợi cho chiến dịch marketing của họ.
Đã đến lúc siết nhà cao tầng?
Tuy nhiên, trên thực tế việc lựa chọn phát triển dự án BĐS theo hướng vừa to, vừa cao không phải ai cũng thành công tại TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước.
Trong đó, có thể kể đến trường hợp Công ty cổ phần địa ốc Viễn Đông Việt Nam với tòa tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers cao nhất miền Trung (thời điểm khởi công) với 48 tầng nổi và 3 tầng hầm, chiều cao từ mặt đất tới đỉnh mái là 220m. Theo giới thiệu, dự án do Công ty Mooyuong A&E (Hàn Quốc) thiết kế, có tổng diện tích sàn xây dựng 245.000m2 trên khu đất rộng 11.171m2 nằm ở trung tâm TP. Đà Nẵng.
Theo cam kết của chủ đầu tư, dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 12/2012. Tuy nhiên, sau lễ khởi công hoành tráng, khu đất “vàng” này vẫn tiếp tục bị bỏ hoang cho cỏ mọc bất chấp UBND TP. Đà Nẵng nhiều lần gửi văn bản giục chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, thậm chí là dọa thu hồi.
Ngoài ra, còn có thể kể tên một loạt các dự án như Đà NẵngCentertừ “kiệt tác” 125 triệu USD với khách sạn 5 sao 35 tầng, căn hộ cao cấp 27 tầng hiện giờ thành bãi đất hoang, hố móng nằm giữa dự án với một cái hố ao tù, nước đọng… Hay như Khu phức hợp Golden Square, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng với 3 tòa tháp cao 21-36 tầng, dự kiến hoàn thành vào năm 2011 nhưng, trái ngược với bức tranh hoành tráng vẽ ra, đến thời điểm hiện tại, Golden Square chỉ mới hoàn thành tường vây, móng, 2 tầng ngầm, sàn lầu 2 khối đế tòa nhà… và “án binh bất động”.
Ngoài việc để xảy ra tình trạng dự án “treo”, lãng phí đất đai… hệ lụy từ những dự án cao tầng trong vòng vài năm trở lại đây, thật không khó để thấy hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra trên địa bàn TP. Đà Nẵng vào giờ cao điểm, điều mà trước đây hiếm khi nào xảy ra. Nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý (nút giao đường Duy Tân – 2/9) làm một minh chứng, giờ tan tầm. Tại đây tình trạng các phương tiện chen chúc nhau qua vòng xoay diễn ra thường xuyên.
Bởi vậy, đã đến lúc siết việc xây dựng nhà cao tầng ở Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương trong cả mước. Mới đây nhất, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã có văn bản hạn chế xây dựng đối với loại công trình này.
Cụ thể, đối với các khu vực chưa có thiết kế đô thị, hoặc chưa có quy hoạch chi tiết, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND TP. Đà Nẵng hạn chế tầng cao của công trình trên các trục đường có mặt đường nhỏ như sau:
đường dưới 5,5m và không có vỉa hè sẽ không được xây dựng công trình thương mại dịch vụ; đường 5,5m được xây dựng tối đa 10 tầng; đường từ 5,5-10,5m được xây dựng tối đa 12 tầng; đường đôi lớn từ 10,5m sẽ được xây tối đa từ 9-26 tầng, tùy theo diện tích mặt tiền từ 4,5m-25m; đối với khu đất có diện tích lớn hơn sẽ do UBND TP. Đà Nẵng xem xét cụ thể. Bên cạnh đó, hệ số sử dụng đất, chiều cao công trình, diện tích đậu đỗ xe cũng được quy định theo đúng quy chuẩn Việt Nam và chủ trương quy hoạch của TP. Đà Nẵng.
Đối với khu vực trung tâm thành phố, Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị tư vấn lập thiết kế đô thị khu vực trung tâm, chưa có thiết kế đô thị được duyệt, các công trình được đánh giá kỹ về điều kiện hạ tầng, có cam kết chi trả kinh phí và đầu tư hạ tầng bổ sung nếu cần, trước khi Sở Xây dựng cho phép xây dựng công trình cao tầng (từ 9 tầng trở lên).
Đặc biệt, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng yêu cầu thực hiện đúng quy định của Quyết định số 2000/QĐ-UBND ngày 30/1/2018 của UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Trong đó, hạn chế phát triển kiến trúc cao tầng trong khu dân cư hiện hữu, trên các tuyến đường có lộ giới nhỏ hơn 20m và hạn chế xây dựng chung cư cao tầng trong các khu dân cư hiện hữu, trong các khu đất nhỏ hơn 1.200m2.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Niềm tin người mua nhà được củng cố

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát
