Cụ thể hóa các đột phá để thành công
![]() |
TS. Nguyễn Tú Anh |
Đây là những nhận định được TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương đưa ra trong chia sẻ với Thời báo Ngân hàng.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp hiện nay?
Về triển vọng, gam màu lạc quan vẫn chủ đạo. Nhận định này dựa trên các yếu tố: (i) nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục được củng cố; (ii) lực cầu trong nước phục hồi mạnh, đầu tư trên cả 3 thành phần kinh tế đều phục hồi mạnh mẽ; (iii) cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam ở các thị trường chính phục hồi mạnh nhờ các thị trường chính của Việt Nam đã phát triển đang và sẽ cơ bản kiểm soát được dịch, và đều đang đẩy mạnh các gói kích cầu với các nguồn tiền rẻ. Các yếu tố thuận lợi như vậy là cơ hội rất lớn để chúng ta đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 6-7%.
Nhưng vấn đề với chúng ta là phải đảm bảo được an toàn về cung, không để đứt gãy, gián đoạn chuỗi sản xuất trong các khu công nghiệp vì Covid-19. Muốn đảm bảo an toàn về cung thì phải kiểm soát được Covid và mấu chốt là phải đẩy mạnh được tiêm chủng, đặc biệt cho các công nhân ở các khu công nghiệp. Đồng thời tiếp tục các biện pháp kiểm soát quyết liệt hiện nay, không để lây lan hơn nữa các ca nhiễm trong các khu công nghiệp… Để thực sự có được “trạng thái bình thường mới bền vững”, qua đó mở cửa nền kinh tế và đưa các hoạt động kinh tế trở lại bình thường nhất có thể, chúng ta cần tiềm vắc-xin để đạt đến miễn dịch cộng đồng. Nếu không, chúng ta vẫn thường trực đối diện với nguy cơ dịch bệnh lặp đi, lặp lại và kéo theo đó là các giải pháp như cách ly, phong tỏa tại nhiều tỉnh thành vẫn phải tiếp tục mà như thế thì cái giá phải trả về phát triển kinh tế sẽ rất cao. Đây là điểm mấu chốt nhất hiện nay. Giải pháp căn cơ và lâu dài đó là chúng ta phải chủ động được nguồn cung vắc-xin, tốt nhất là tự chủ được sản xuất trong nước hoặc sản xuất theo giấy phép nhượng quyền.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid còn dai dẳng như vậy, để đảm bảo cho tăng trưởng nhanh, bền vững trong những năm tới, theo ông cần tính đến những giải pháp gì?
Đúng vậy, cần xác định Covid-19 chưa “qua” đi mà chúng ta phải “quen” với nó - tức là sẽ phải chấp nhận chung sống cùng nó ít nhất cho đến khi có được “trạng thái bình thường mới bền vững”. Như vậy, bên cạnh việc giải được bài toán khủng hoảng Covid và tác động của nó đến nền kinh tế thì cần triển khai nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ khác, nhất là thực hiện bằng được các khâu đột phá mà nêu trong Văn kiện Đại hội XIII để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng bền vững.
Đột phá về nguồn nhân lực, khoa học công nghệ suy cho cùng vẫn là đột phá về thể chế. Có thể chế tốt, chính sách tốt, hệ thống pháp luật ổn định nhất quán thì sẽ là nền tảng căn bản để có những đột phá về nhân lực và khoa học công nghệ. Do đó trọng tâm của giai đoạn tới vẫn là tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ về thể chế, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế có thể sử dụng tối ưu nguồn lực của mình theo tín hiệu thị trường và định hướng của nhà nước.
Tuy nhiên điểm nghẽn trực tiếp và rõ ràng nhất hiện nay đó là hệ thống kết cấu hạ tầng của chúng ta vừa yếu, vừa thiếu sự kết nối, đồng bộ. Điều này đang cản trở rất nhiều trong việc tạo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và trong việc thu hút các “đại bàng”, các nhà đầu tư nước ngoài lớn vào hoạt động tại Việt Nam. Hạ tầng ở đây bao gồm hạ tầng giao thông (đường bộ, đường không, đường thủy), hạ tầng năng lượng và hạ tầng số, và các hạ tầng kỹ thuật khác. Hạ tầng giao thông không chỉ cần phát triển mở rộng mà còn cần phải tăng tính liên thông, kết nối các phương thức giao thông khác nhau. Hạ tầng năng lượng trong những năm qua chúng ta cũng đã làm khá tốt và cần tiếp tục thúc đẩy theo hướng phát triển mạnh năng lượng tái tạo.
Riêng về hạ tầng số cần tập trung vào vấn đề gì, thưa ông?
Trong giai đoạn tới, đây là lĩnh vực cần phải đẩy mạnh nhất. Hạ tầng số ở đây không chỉ là vấn đề về mặt công nghệ phần cứng mà cần có hệ thống công nghệ “collecting data” (thu thập dữ liệu). Bởi nền kinh tế số là nền kinh tế dựa trên khả năng tính toán trên dữ liệu lớn. Về khả năng tính toán thì hiện nay máy tính đã đáp ứng được hết, các phần mềm chúng ta cũng dễ dàng có để sử dụng, nhưng cái chúng ta đang thiếu là dữ liệu lớn. Chúng ta phải có cách thức tổ chức để thu thập dữ liệu. Dữ liệu ở đây trong thuật ngữ người ta gọi là “dấu vết số” (digital foot print). Bởi vì trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay phần lớn mọi người đều có điện thoại thông minh, đều tương tác trên không gian mạng, tỷ lệ tham gia thương mại điện tử ngày càng tăng…
Tất cả các hoạt động như vậy đều để lại “dấu vết số”, thì từ những “dấu vết số” đấy nếu chúng ta thu thập lại được để tạo thành một dữ liệu lớn thì có thể xây dựng được những hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và từ đó có thể “đào”, khai thác trên các dữ liệu lớn đó, từ đó tạo ra những giá trị rất lớn. Việt Nam hiện nay đang chuyển dần theo hướng như vậy, ví dụ như quản lý căn cước công dân gắn chip, đây là bước đầu tiên để xây dựng hạ tầng số, nền tảng số trong thời gian tới.
Đồng thời để phát triển bền vững lâu dài, hệ thống kết cấu hạ tầng phải được tích hợp trong chiến lược đô thị hóa hài hòa. Các đô thị là các cực tăng trưởng của các nền kinh tế. Hệ thống hạ tầng là các mạch kết nối các cực tăng trưởng đó thành một thể thống nhất. Hệ thống mạch kết nối tốt thì các cực tăng trưởng sẽ lớn mạnh. Sự phát triển các đô thị cũng là điều kiện để phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ.
Hạ tầng, thể chế là những nền móng quan trọng, nhưng để hiện thực hóa quá trình phát triển phải là đội ngũ doanh nghiệp, không chỉ về số lượng mà còn phải phát triển về chất lượng và sự kết nối để thực sự tạo thành một đạo quân hùng mạnh có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế. Muốn vậy cần tiếp tục cải thiện về môi trường kinh doanh, phát triển đồng bộ các thị trường nhân tố sản xuất, thị trường hàng hóa, dịch vụ... Đồng thời tạo mọi điều kiện phát triển các doanh nghiệp lớn dẫn dắt các chuỗi giá trị đó cạnh tranh thắng lợi trên thị trường quốc tế.
Ý ông là chúng ta vẫn cần duy trì mở cửa và dựa vào xuất khẩu?
Về lâu dài, một nền kinh tế dựa vào nội nhu sẽ bền vững, nhưng sẽ không tăng trưởng nhanh được. Vì khi chỉ dựa vào một thị trường nhỏ bé trong nước thì chỉ có thể lớn lên cùng với tốc độ lớn lên của thị trường thôi. Còn muốn tiến nhanh thì phải sản xuất quy mô lớn, và do đó phải có thị trường lớn, tức là phải dựa vào xuất khẩu. Đồng thời thị trường xuất khẩu là nơi doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh qua đó phát triển và lớn mạnh.
Hơn nữa, cạnh tranh ngày nay là cạnh tranh dựa trên chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Chúng ta là nước đi sau nên trước hết phải cố gắng tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài và nỗ lực leo lên các nấc thang cao hơn trong những chuỗi giá trị đó. Tuy nhiên đây là con đường khó khăn và hầu như chưa nước nào thực hiện được. Trên thực tế, muốn trở thành nước công nghiệp hóa thì điều quan trọng là phải xây dựng, có được những chuỗi giá trị riêng, do người Việt Nam dẫn dắt và cạnh tranh toàn cầu. Mà muốn có những chuỗi giá trị riêng, muốn phát triển được phải phát triển được các thương hiệu trong nước đủ mạnh, xây dựng được những chuỗi giá trị, chuỗi liên kết trong nước để đi ra cạnh tranh quốc tế. Hiện chúng ta đang yếu trong khâu này, nhất là trong xây dựng các chuỗi liên kết. Do đó đây cũng là khâu cần đột phá. Muốn đẩy mạnh phát triển liên kết, hỗ trợ nhau của các tỉnh, tôi cho rằng thay vì các mệnh lệnh, điều tiết hành chính (như đề xuất hình thành thể chế vùng), cách tốt nhất là cần sửa đổi vấn đề phân bổ và quản lý ngân sách, trong đó phải tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và dùng ngân sách trung ương để điều tiết vấn đề liên kết.
Xin cảm ơn ông!
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
