Công nghệ bán dẫn: Cơ hội nào cho Việt Nam?
Sẵn sàng phát triển ngành bán dẫn vi mạch Các “ngôi sao khoa học” của ngành bán dẫn thế giới sắp quy tụ tại Việt Nam
|
FDI không phải là chìa khóa vạn năng
Chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP, Jonathan Pincus chỉ ra con đường phát triển công nghệ bán dẫn ở Châu Á đều khởi đầu bằng việc thu hút FDI và tiếp nhận chuyển giao công nghệ được cấp phép. Trong đó, sự thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan nằm ở chỗ sau đó phát động chương trình R&D và đầu tư tầm quốc gia hình thành các doanh nghiệp nội địa để sản xuất thiết bị bán dẫn.
Ngược lại, mặc dù Malaysia cũng tham vọng trở thành một nhà sản xuất bán dẫn, tuy nhiên hiện vẫn “giậm chân” ở thâm dụng lao động. Lý do là vì dù đã có hỗ trợ của nhà nước song ngành này vẫn tập trung vào lắp ráp và thử nghiệm, còn phụ thuộc nhiều vào FDI; mối quan hệ với nhà sản xuất lỏng lẻo; lao động có tay nghề di cư sang Singapore để có mức lương cao hơn; thiếu vắng các nghiên cứu tiên phong tại các trường đại học nghiên cứu; cộng đồng kỹ sư và nhà khoa học quốc tế yếu hơn so với Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Một trường hợp khác, Thái Lan cũng đang dần mất năng lực cạnh tranh trong ngành công nghiệp bán dẫn vì thiếu vắng năng lực nghiên cứu ở các trường đại học; cũng hầu như chỉ giới hạn ở lắp ráp và thử nghiệm bởi các công ty nước ngoài; tập trung cung cấp hạ tầng cơ bản, an ninh và tự do hóa thương mại hơn là phát triển năng lực trong nước.
Với Việt Nam TS. Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và dự báo kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra tỷ trọng doanh nghiệp bán dẫn chỉ chiếm 0,13 tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng đóng góp tới 3% tổng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp trong nước. Hơn thế, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 2 trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng (đất hiếm), nằm trong khu vực sử dụng chip bán dẫn khá lớn của thế giới (khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhu cầu sử dụng 50% giá trị chip trên thế giới).
Song, ông Jonathan cũng chỉ ra Việt Nam hiện mới ở giai đoạn xuất phát điểm với chỉ 7 doanh nghiệp FDI ở khâu lắp ráp và và thử nghiệm. Hai khâu quan trọng để phát triển ngành là R&D tiên phong và chế tạo thì Việt Nam chưa có.
Hai yếu tố tiên quyết
Chuyên gia Jonathan nhấn mạnh 2 yếu tố tiên quyết mà Việt Nam cần phải có để phát triển công nghiệp bán dẫn, đó là tính kinh tế theo quy mô và sự quần tụ kinh tế. Trong đó, hoạt động nghiên cứu cơ bản và chế tạo cần nhiều vốn và chỉ khả thi khi thực hiện ở quy mô rất lớn, có sự hỗ trợ đầu tư thỏa đáng và dài hạn của chính phủ cho các trường đại học và viện nghiên cứu, cũng như công tác tuyển dụng, chế độ tăng tiến và trả lương dựa trên thành tích. Hoạt động phát triển cũng phụ thuộc vào các khoản tài trợ vốn lớn của chính phủ.
Ở khâu chế tạo, thiết kế chip, kinh nghiệm của 4 nước thành công nói trên cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa khách hàng (công ty sản xuất) và nhà cung cấp (công ty chế tạo). Quần tụ kinh tế (phân cụm) trong ngành sản xuất có ý nghĩa quan trọng góp phần giảm chi phí như sản xuất, dịch vụ, đồng thời giúp tăng cường trao đổi thông tin, công nghệ. “Dòng tri thức dựa trên kinh nghiệm và sự tin tưởng là yếu tố quan trọng để phát triển công nghệ bán dẫn”, ông Jonathan nhấn mạnh.
Lấy ví dụ Trung Quốc, họ có thể chiếm 55% thị phần bán dẫn thế giới do có mối quan hệ gần gũi giữa nhà xuất và chế tạo bán dẫn. Bên cạnh đó là việc thu hút và quan hệ chặt chẽ với các nhà khoa học để đi đầu với nhiều bằng phát minh, sáng chế hơn các nước trong khu vực.
Việt Nam cũng đang có lợi thế nói trên khi tồn tại một cộng đồng khoa học người Việt có mặt tại các trường đại học, doanh nghiệp thuộc top 500 của thế giới, nhưng chưa được khai thác tại thời điểm hiện tại. Đưa họ tham gia vào các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam là khó khăn, thách thức lớn, nhưng cũng là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Jonathan cũng chỉ ra trong công nghệ bán dẫn, mối quan hệ với các công ty sản xuất cuối chuỗi cung ứng rất quan trọng và đây là lợi thế so sánh tiềm tàng của Việt Nam để chuyển sang phân khúc giá trị gia tăng cao hơn là thiết kế chip bán dẫn, không chỉ trong lĩnh vực điện thoại mà cả thiết bị khoa học, gia dụng…
Còn hiện tại, Việt Nam mới ở giai đoạn đầu phát triển công nghiệp bán dẫn nên không cần và không thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu về chip cao cấp (Trung tâm dữ liệu, Thiết bị số, Điện toán đám mây, AI). Song, Việt Nam cần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo để chen chân vào các dòng chip cấp độ trung bình, phổ thông có tính đại chúng và chấp nhận cạnh tranh như sản xuất chip cho ngành tiêu dùng và công nghiệp. Bởi với thị trường 100 triệu dân, doanh nghiệp có thể “sống” được trong nước trước khi ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần phải tập trung vào những hàng hóa có lợi thế tạo giá trị lâu dài trong công nghiệp bán dẫn như phát triển mạch tích hợp, cảm biến và bộ truyền động; phát triển internet vạn vật (IOT) trong y tế, sản xuất ô tô, tiêu dùng và công nghiệp, thành phố thông minh; robot công nghiệp và dịch vụ; phát triển dịch vụ công nghệ thông tin (tư vấn, triển khai, thuê ngoài).
Các chuyên gia cũng khuyến nghị chính sách thu hút đầu tư cần luôn mở, đặc biệt trong bối cảnh có sự dịch chuyển đầu tư để có thể thu hút đầu tư chất xám, công nghệ. Đồng thời, Chính phủ cần có chính sánh hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp tư nhân đầu tàu làm động lực phát triển ngành; tăng cường đầu tư công cho giáo dục nhân lực ngành bán dẫn…
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
