Cổ phần hóa xổ số để minh bạch thị trường
![]() | Trách nhiệm lớn nhất phải thuộc về người đứng đầu |
![]() | Lãi gần 11.200 tỷ đồng từ bán vốn Nhà nước trong quý đầu năm |
![]() | 96,5% DNNN được cổ phần hóa nhưng chỉ 8% tổng số vốn được cổ phần hóa |
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2017 vừa công bố, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, tổng thu từ hoạt động xổ số kiến thiết được đưa vào ngân sách ước đạt 10.000 tỷ đồng, tương đương 41,5% dự toán của cả năm 2017. Như vậy, mới chỉ 3 tháng đầu năm, ngành xổ số đã thu gần đạt 50% kế hoạch năm. Điều này chứng tỏ hoạt động kinh doanh xổ số nói chung đang có sự tăng trưởng rất mạnh ngay cả khi thị trường xuất hiện thêm Vietlott với mức doanh thu 1.600 tỷ đồng từ đầu chương trình đến nay.
Tuy nhiên, ngay trong lúc hoạt động kinh doanh xổ số có sự tăng trưởng mạnh mẽ thì sự minh bạch trong hoạt động thu - chi, đầu tư của các DN ngành xổ số lại đang chứa đựng quá nhiều uẩn khúc.
![]() |
Minh bạch xổ số để thị trường khỏi nghi ngờ |
Chưa có chế tài hạn chế đầu tư ngoài ngành
Uẩn khúc thứ nhất có thể kể đến là việc công bố thông tin. Những thống kê gần nhất của Bộ KH&ĐT cho thấy rằng tính đến hết năm 2016, trong số 241 DNNN chưa thực hiện nghiêm túc việc công bố thông tin thì có 28 đơn vị là các công ty xổ số kiến thiết. Trong số này có thể kể đến những cái tên có doanh thu từ hoạt động xổ số rất lớn như: Xổ số kiến thiết TP.HCM, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Đồng Nai, Bạc Liêu... Đây đều là những DN xổ số truyền thống tại khu vực phía Nam có quy mô doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Ngay cả Vietlott là đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính hiện cũng chưa công bố đủ thông tin theo yêu cầu. Theo đó, đơn vị mới chỉ công bố từ 3 đến 5 hạng mục trên tổng số 9 hạng mục thông tin. Các báo cáo về kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2016 - 2020), kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất hoàn toàn chưa được DN công bố.
Uẩn khúc thứ hai nằm ở danh mục và hiệu quả đầu tư. Những kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính mới đây cho thấy hàng loạt các công ty xổ số kiến thiết sai phạm về hoạt động tăng vốn và đầu tư ngoài ngành. Theo đó, 11 công ty xổ số được thanh tra thì số vốn đầu tư ngoài ngành (không liên quan đến kinh doanh xổ số) lên tới 997 tỷ đồng, trong khi đó số vốn đầu tư liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xổ số chỉ chiếm khoảng 7,5% tổng mức đầu tư (80,9 tỷ đồng). Chưa kể rằng, 6/11 đơn vị được thanh tra đã kê khai thiếu và khấu trừ không đúng thuế giá trị gia tăng (VAT), đồng thời nộp thiếu thuế thu nhập DN buộc Bộ Tài chính phải ra quyết định bắt buộc nộp thêm hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách.
Ở đây có thể thấy ngay việc đầu tư ngoài ngành của các DN xổ số kiến thiết chưa được pháp luật “quản chặt”. Theo tìm hiểu của Thời báo Ngân hàng, trước khi Thông tư 01/2014 của Bộ Tài chính (về hướng dẫn chế độ tài chính đối với DN kinh doanh xổ số) có hiệu lực, các DN xổ số được quyền “chủ động sử dụng toàn bộ số vốn chủ sở hữu đã đầu tư và các loại nguồn vốn hợp pháp khác vào hoạt động kinh doanh” theo Thông tư 112/2007 của Bộ Tài chính.
Thông tư 01/2014 (có hiệu lực từ tháng 3/2014) mặc dù có quy định bắt buộc các DN xổ số “chỉ được đầu tư ra bên ngoài đối với các ngành nghề liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xổ số” nhưng không có chế tài nào cho việc đầu tư ngoài ngành của các DN kinh doanh xổ số. Ngay cả Vietlott là đơn vị mới thực hiện kinh doanh nhưng cũng chưa chịu chế tài nào nếu đầu tư ngoài ngành.
Tiến đến cổ phần hóa công ty xổ số
Theo phân tích của TS. Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM) việc các DN xổ số kiến thiết thời gian qua dành nhiều nguồn vốn để đầu tư ngoài ngành là vì họ chịu sức ép khá mạnh về thị trường sau sự xuất hiện của Vietlott.
Ông Tín cho rằng, việc chia sẻ thị trường với Vietlott khiến các DN xổ số truyền thống sụt giảm doanh thu. Để bù đắp phần thiếu hụt này họ chỉ còn cách đầu tư ngoài ngành. Các đơn vị xổ số truyền thống họ là các DNNN có nhiều lợi thế hơn DN tư nhân về chính sách đầu tư, về đất đai nên dễ dàng đầu tư ngoài ngành.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là phải có trách nhiệm của cơ quan chủ quản (chính quyền địa phương – PV) chứ nếu một mình các DN xổ số họ khó dám đầu tư ngoài ngành với tỷ lệ lớn. Bởi hiện nay, chủ trương chung của Chính phủ là hạn chế đầu tư ngoài ngành. Thêm vào đó, mới đây Chính phủ còn đưa ra quy định nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết phải sử dụng toàn bộ cho đầu tư phát triển.
Một cách khách quan, để vừa phát triển vừa cạnh tranh, các DN xổ số truyền thống hiện nay nên tính toán đến các phương án hợp tác với Vietlott để cùng khai thác các hình thức đầu tư, tìm ra dịch vụ đa dạng hơn, phát triển mạng lưới kinh doanh tốt hơn.
Trong khi đó, ở một phạm vi dài hạn, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright) cho rằng hiện nay tỷ lệ đóng góp từ xổ số vào nguồn thu ngân sách tại nhiều địa phương đạt từ 25 - 27%. Cá biệt, có tỉnh tỷ lệ đóng góp của xổ số chiếm tới 35% nguồn thu ngân sách. Đây thực sự là điều rất đáng lo ngại khi sự phát triển phụ thuộc nguồn thu từ xổ số là thiếu tính bền vững.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn bên cạnh việc phải thanh tra, giám sát nghiêm hoạt động kinh doanh xổ số; công khai, minh bạch trong hoạt động cũng như thu nhập tại các công ty này thì giải pháp căn cơ là phải đẩy mạnh cổ phần hóa DN xổ số. Đặc biệt, cần xóa bỏ tư duy coi nguồn thu ngân sách từ xổ số chiếm tỷ lệ lớn, nhằm bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Nói cách khác, cần có những biện pháp để “xốc” lại hoạt động của các công ty xổ số. Chỉ khi nào làm được như vậy, chuyện thu nhập tại các DN này sẽ không còn là vấn đề “nhạy cảm” khiến dư luận tò mò, đặt dấu hỏi về tính công khai, minh bạch.
Những kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính mới đây cho thấy hàng loạt các công ty xổ số kiến thiết sai phạm về hoạt động tăng vốn và đầu tư ngoài ngành.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
