Có nguồn gốc, nông sản sẽ giá trị hơn
![]() | Cơ hội cho DN nông sản chuyển mình |
![]() | Giá nhiều nông sản đang “rơi và đuối” |
Vẫn rất sơ khai
TS. Phạm Duy Khánh - Trung tâm Phát triển Nông nghiệp - Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) nêu ra thực tế, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính minh bạch về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã xây dựng khung pháp lý quy định về truy xuất nguồn gốc (TXNG).
![]() |
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm |
Cụ thể, Quy định (EC) số 178/2002 của EU bắt buộc 28 quốc gia thành viên, tất cả các loại thực phẩm và thức ăn chăn nuôi phải thực hiện TXNG. Tại Nhật Bản thì quy định TXNG bắt buộc trên 2 sản phẩm: Thịt bò (2003), gạo và sản phẩm từ gạo (2011). Còn tại Trung Quốc: Luật An toàn thực phẩm 2009 (điều chỉnh năm 2015) quy định bắt buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập hệ thống kiểm tra và lưu trữ toàn bộ thông tin đầu vào, đầu ra trong 2 năm…
Nhận thức rõ được vấn đề này, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có khoảng 20 sản phẩm nông sản đã thực hiện việc gắn tem TXNG sử dụng dịch vụ VNPT – Check. Đây là giải pháp xác thực hàng hóa, giúp người tiêu dùng biết được chính xác nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Theo đó, thông tin của sản phẩm sẽ được hiển thị trên mã QR-Code ngẫu nhiên do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cung cấp nên khả năng chống hàng giả gần như tuyệt đối. Người tiêu dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh chạy hệ điều hành IOS hoặc Android có kết nối mạng không cần tải phần mềm, thông qua một số phần mềm hỗ trợ quét mã QR-Code như Zalo hay Facebook đã có thể quét và tra cứu thông tin sản phẩm.
Mặc dù vậy, theo đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang, hiện việc nhận diện nông sản đặc trưng của tỉnh còn khó khăn, do việc triển khai dán tem nhãn cho các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu chưa được nhân đại trà. Bên cạnh đó, chi phí thực hiện gắn tem TXNG có giá thành cao, khiến giá thành sản phẩm bị đội lên, từ đó làm giảm đi tính cạnh tranh.
Trong khi đó, một số thị trường, nhất là thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc chưa đòi hỏi việc gắn tem TXNG. Vấn đề TXNG nông sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng đang diễn ra tương tự tại nhiều địa phương trong cả nước.
Quả vậy, hiện tại Việt Nam hệ thống TXNG vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đó, thông tin truy xuất công bố chưa đầy đủ trong toàn chuỗi; chưa có sự kiểm tra chéo thông tin và kết nối thông tin giữa các tác nhân; không có hệ thống định danh chung cho sản phẩm, tác nhân và vùng sản xuất; thông tin chưa minh bạch và được xác nhận; chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về TXNG; chưa kết nối đầy đủ với việc quản lý về an toàn thực phẩm và TXNG. Những điều này đã, đang và sẽ làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của thị trường vào nông sản Việt.
“Trong vấn đề TXNG nông sản, mặc dù Việt Nam đã có khá đầy đủ khuôn khổ pháp lý, nhưng việc thực thi các quy định và đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất, xác thực nguồn gốc đáp ứng các rào cản kỹ thuật của thị trường khó tính như Mỹ, EU còn nhiều hạn chế”, ông Phạm Duy Khánh nhấn mạnh.
“Chìa khóa” mở lối xuất khẩu nông sản
Trong số các sản phẩm nông sản xuất khẩu (XK) sang thị trường Hoa Kỳ, mật ong là sản phẩm cần vượt qua hàng rào kỹ thuật cực kỳ nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và TXNG mà thị trường này đặt ra.
Ông Bùi Xuân Hoàng - Công ty Hoàn Vũ Lab cho biết, khoảng 40 chất kháng sinh và khoảng 200 loại thuốc trừ sâu, dư lượng kháng sinh, chất tăng trưởng, độc tố nấm mốc, kim loại nặng, vi sinh vật sẽ được kiểm tra. Cùng với đó là phép thử đặc thù riêng của ngành mật ong, chúng ta phải đo hàm lượng đường và chỉ khi lượng đường có trong mật ong dưới 7% mới được coi là mật ong “xịn”. Cạnh đó, sản phẩm cũng sẽ được kiểm tra về tỷ lệ pha trộn, không cùng nguồn gốc, không đúng chỉ dẫn địa lý, TXNG.
Mặc dù với các hàng rào kỹ thuật cực kỳ nghiêm ngặt, nhưng hiện Việt Nam trở thành nhà XK mật ong lớn nhất thế giới vào thị trường Hoa Kỳ. Thành công này của ngành mật ong trên thị trường Hoa Kỳ phải kể đến việc sử dụng công cụ xác thực nguồn gốc thực phẩm bằng phương pháp đồng vị bền - sắc ký ghép khối phổ. Việc sử dụng phương thức này giúp sản phẩm được phân biệt dựa trên khu vực địa lý và những gian lận pha trộn trên thực tế.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2018, XK nông lâm thủy sản đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng đối với mặt hàng rau quả, XK đạt con số khoảng 2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành Nông nghiệp đang đặt mục tiêu kim ngạch XK nông - lâm - thủy sản đạt 40 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, mục tiêu XK nông - lâm - thủy sản đạt 40 tỷ USD mới chỉ bằng 10% tiềm năng. Thế nhưng để phát huy được tiềm năng này cũng không hề dễ dàng khi mà các quốc gia đang có xu hướng siết chặt vấn đề nguồn gốc và an toàn thực phẩm. GS.TSKH Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam nhận định, khi Việt Nam trở thành nước XK nông sản lớn thì gặp những khó khăn về hàng rào kỹ thuật.
Thị trường tiêu thụ nông sản truyền thống cũng như thị trường mới mở rộng đều bị cạnh tranh gay gắt. Để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, cần khuyến khích nông dân, DN, ngoài việc sản xuất theo chuỗi để kiểm soát chất lượng nông sản, các cơ quan chức năng phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và tăng cường khả năng đàm phán, thương thảo với các thị trường XK. TXNG điện tử qua hệ thống Trace Verified và QR-Code sẽ thực sự mang đến cho người tiêu dùng, nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu những lợi ích vượt trội.
Đáng chú ý hiện thế giới đang hướng đến thực phẩm đồng vị vân tay. Vì vậy, theo ông Bùi Xuân Hoàng, cần phải hết sức lưu tâm tới vấn đề này. Đặc biệt trước khi làm truy xuất đồng vị vân tay, cần phải làm báo cáo khoa học và chứng minh đây là sản phẩm của Việt Nam, việc này phải được thực hiện ở cấp quốc gia chứ không phải ở cấp DN.
Do đó, cần làm tuần tự từng mặt hàng nông sản, ưu tiên các mặt hàng nông sản chủ lực, chứ không phải làm trên tất cả các sản phẩm. Việc truy xuất này cần làm đối với các nông sản đặc thù, có nguồn xuất càng lớn, nhà nước cần tìm cách khuyến khích, nhằm thúc đẩy XK.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
