Có nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?
![]() | Giá xăng tăng lần thứ ba liên tiếp, thêm gần 1.000 đồng/lít |
![]() | Xăng, điện ‘tập kích’ CPI tháng 4/2019 |
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu tại thời điểm cuối năm 2018 là 3.504 tỷ đồng. Thế nhưng quỹ bình ổn giá liên tục được xả với mức độ lớn để giữ ổn định giá xăng dầu trong những tháng đầu năm, đã khiến quỹ này vơi đi nhanh chóng và hiện đã âm.
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo mới nhất, tính đến ngày 2/5 quỹ bình ổn giá của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) âm hơn 668 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm 355 tỷ đồng. Mức âm đến nay có thể còn lớn hơn nhiều với các DN bán xăng E5 khi mà mức chi sử dụng quỹ vẫn đang lớn hơn nhiều mức trích quỹ.
Trên thực tế, ngay khi số dư quỹ bình ổn là dương thì DN cũng chẳng được lợi lộc gì bởi theo quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP, quỹ này phải được hạch toán riêng bằng một tài khoản mở tại ngân hàng nơi DN kinh doanh xăng dầu đầu mối có giao dịch và chỉ sử dụng vào mục đích ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu theo quy định của pháp luật; lãi thì nhập vào gốc luôn và DN không được động vào số tiền đó.
Nhưng khi quỹ bị âm thì DN phải vay ngân hàng hoặc tự bỏ tiền của mình ra tạm ứng vốn để bù vào mức được xả quỹ. Điều đó dẫn tới tình trạng lãi ảo, song thiệt hại thật đối với DN và mức độ thiệt hại sẽ tăng lên nếu quỹ âm càng lớn. Chẳng hạn như Petrolimex, quý I/2019 DN báo lãi 1.500 tỷ đồng, trong đó tính cả phần 500 tỷ đồng đã trích cho Quỹ bình ổn xăng dầu Petrolimex từ ngày 31/12/2018; vì thế lợi nhuận thực còn khoảng 1.000 tỷ đồng.
Vì lẽ đó, VINPA vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo các vướng mắc, khó khăn liên quan đến Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu; trong đó đề nghị bỏ quỹ bình ổn xăng dầu. Theo ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cách điều hành của Quỹ bình ổn giá làm cho giá xăng dầu không phản ánh đúng giá thật, không đúng giá thị trường, mang tính hành chính can thiệp vào kinh doanh của DN. Ngoài ra, điều này làm cho DN nhỏ khốn khổ vì quỹ bình ổn giá, DN bị âm quỹ.
Trên thực tế, đã không ít lần sự tồn tại của quỹ bình ổn giá xăng dầu được nói tới khi mà việc trích lập quỹ được cho là khiến người tiêu dùng thiệt thòi hơn là có lợi. Bởi xét về thực chất, chính người dân đang phải ứng tiền túi trước cho quỹ. Trong khi như trên đã phân tích, DN cũng chẳng được lợi lộc gì khi quỹ dương, song lại chịu nhiều thiệt hại khi quỹ âm.
Hơn nữa, việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn khiến thị trường xăng dầu bị méo mó, mang đậm tính can thiệp hành chính và không bảo đảm tính cạnh tranh đúng theo cơ chế thị trường. Việc này khiến giá xăng dầu trong nước khó đi theo đúng diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Đó là chưa kể hiện chỉ có xăng A95 phải trích quỹ 300 đồng/lít, còn xăng E5 không trích. Tuy nhiên, mức chi sử dụng quỹ đối với xăng A95 chỉ là 283 đồng/lít, còn với xăng sinh học E5 lên tới 925 đồng/lít với mục tiêu kéo giá xăng E5 xuống thấp hơn một khoảng khá lớn so với xăng A95. Do không phải trích quỹ, song mức xả quỹ lại cao gấp hơn 3 lần so với xăng A95 khiến DN càng bán xăng E5, càng bị âm quỹ bình ổn nhanh hơn DN bán xăng A95, buộc DN phải vay ngân hàng để bù vào. Điều đó vô hình trung đã không khuyến khích DN tiêu thụ xăng E5.
Thế nhưng không ít ý kiến lại cho rằng, trong bối cảnh thị trường xăng dầu chưa hoàn toàn mang tính thị trường thực sự, vẫn cần phải có sự điều tiết của nhà nước mà trong đó quỹ bình ổn giá là một công cụ khá quan trọng. Thực tế cũng chứng minh quỹ bình ổn giá đã góp phần tạo ra sự ổn định cho thị trường xăng dầu Việt Nam trong nhiều năm qua cũng như giảm các thiệt hại không đáng có của ngành sản xuất khi giá xăng dầu tăng lên bởi các yếu tố mang tính tâm lý hoặc do đầu cơ. Vấn đề là việc trích và sử dụng quỹ bình ổn sao cho hợp lý cả về liều lượng và thời điểm để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước – DN – người dân.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
