Có một Trường Sa linh diệu
Trường Sa linh thiêng, kỳ diệu
Ngày 17/4/2019, con tàu HQ-571 của Vùng 4 Hải quân đưa Đoàn công tác số 4 năm 2019 do Chuẩn đô đốc – Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Đặng Minh Hải và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn – Trưởng đoàn Hà Nội dẫn đầu đã hạ neo tại vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Sau khi thăm hỏi, tặng quà, động viên các chiến sĩ đảo Cô Lin, đoàn chúng tôi trở về tàu làm Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
![]() |
Hình ảnh tại Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 |
Đúng 17 giờ chiều, 206 thành viên của đoàn công tác trong trang phục chỉnh tề, xếp thành 8 hàng ngang trước vòng hoa có hình lá cờ Tổ quốc với dải băng mang dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”. Trên bàn thờ có đủ xôi đỗ, thịt luộc, hoa cúc vàng cùng 5 loại trái cây. Mùi hương trầm ngào ngạt.
Thật lạ, trước đó ít phút, trời đang nắng chang chang, bỗng dưng có đám mây đen ở đâu kéo tới che lấp mặt trời, những tia sáng hoàng hôn vẫn đủ sức chiếu qua tán mây khiến bầu trời càng trở nên ảo diệu. Phía đối diện, trăng đã lên tự bao giờ. Sóng yên ả đến lạ thường, trên mặt nước xanh thẫm và phẳng lặng, những con cá chuồn bay thia lia như báo hiệu điều gì đó. Quang cảnh cả một vùng biển rộng lớn trở nên linh diệu lạ kỳ.
Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải bước lên đọc bài tưởng niệm bằng chất giọng trầm ấm, nhỏ nhẹ mà tha thiết: “Kính thưa các hương hồn liệt sĩ! Hôm nay, mây trời màu trắng, mặt biển trắng nắng tháng tư, chúng tôi bùi ngùi xúc động, tưởng nhớ các đồng chí đã anh dũng hy sinh, nằm lại với biển khơi vì sự bình yên và toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Trong giờ phút thiêng liêng, tràn đầy xúc động, Đoàn công tác xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ – những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc”. Bỗng ai đó nấc lên, rồi những tiếng sụt sịt, những giọt nước mắt rơi lã chã trên boong tàu. Chuẩn đô đốc cũng dưng dưng nơi khóe mắt.
“Kính thưa các anh hùng liệt sĩ, 30 năm qua, Trường Sa đã phát triển vững chắc và toàn diện hơn. Dẫu chưa thực sự bình yên trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, song chúng tôi nguyện tiếp bước các anh, giữ vững chủ quyền biển đảo thân yêu, giữ vững môi trường hòa bình và ổn định của biển Đông...”. Phút mặc niệm bắt đầu. Giai điệu “Hồn tử sĩ” cất lên bi ai giữa trùng dương mênh mông. Con tàu HQ-571 như rung mình cất lên ba hồi còi dài thống thiết.
Từng thành viên trong đoàn công tác xếp hàng lần lượt thắp nén nhang thơm tỏ lòng thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ. Sau đó, mỗi người cầm trên tay một bông hoa cúc vàng và một chú hạc giấy xuống cầu thang dưới cùng bên mạn tàu. Lần lượt, vòng hoa, bàn thờ được Chuẩn đô đốc – Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Đặng Minh Hải và Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng nhau kính cẩn cúi đầu thả xuống biển. Hơn 200 thành viên đoàn công tác lần lượt thả những bông cúc vàng và hạc giấy xuống biển. Những tiếng nấc, tiếng sụt sịt, những giọt nước mắt lại nức nở giữa biển khơi. Không ai bảo ai, tất cả đoàn công tác đứng ở cuối tàu, nhìn theo vòng hoa và bàn thờ khói hương nghi ngút trôi lênh đênh giữa biển khơi mênh mông cho đến khi khuất bóng. Mặt trời bầm đỏ thấp dần, rồi chìm xuống mặt nước. Biển được trả lại màu xanh nguyên thủy trong chốc lát rồi chìm vào màu đen của đêm tối.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Còn nhớ, ngày 14/3/1988, ba con tài HQ-505, HQ-604, HQ-605 thuộc Đoàn 125, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 và đơn vị Công binh 83 đang làm nhiệm vụ trên các đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, nhiều tàu chiến đấu nước ngoài kéo đến khiêu khích hòng buộc bộ đội ta phải rời khỏi đảo. Thấy không thể đe dọa, uy hiếp được các anh, chúng dùng xuồng đổ bộ vào đảo Gạc Ma, rồi giương lê, dàn hàng xông về lá cờ Tổ quốc của ta. Hơn 60 cán bộ, chiến sĩ hải quân, phần nhiều ở độ tuổi 20 đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường rồi vĩnh viễn nằm lại với biển khơi.
Trong số này có Thiếu úy, anh hùng Trần Văn Phương – Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma với lời hô bất tử: “Không được lùi bước trước quân thù, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” – khi ấy anh vừa tròn 23 tuổi.
Tiếp những năm sau đó, nhiều trận bão ác liệt làm đổ một số nhà giàn. Trong những giây phút hiểm nghèo, cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã nhường nhau miếng lương khô, ngụm nước, chiếc phao cứu sinh cuối cùng, nhường nhau sự sống. Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng – Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị nhà giàn DK1/3 hy sinh trong cơn bão cuối mùa ngày 5/12/1990. Trong cơn bão số 8/1999, Đại úy Vũ Quang Chương – Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên bình tĩnh phân công bộ đội xuống tàu an toàn, còn mình cùng Nguyễn Văn An ở lại tiêu hủy tài liệu, sau đó cuốn cờ Tổ quốc vào người và hô: “Vĩnh biệt đất liền”. Các liệt sĩ: Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Thượng úy Phạm Tảo, Đại úy Nguyễn Văn Tư, Trung úy Lê Tiến Cường, Thượng úy Ngô Sĩ Nga, chiến sĩ Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hanh… tỏ rõ lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân đến hơi thở cuối cùng.
Trên quần đảo Trường Sa có các liệt sĩ: Hạ sĩ Nguyễn Đăng Hùng, quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, hy sinh ngày 25/7/2004, khi mới 20 tuổi; Hạ sĩ Đỗ Khánh Hưng, quê huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngã xuống ngày 16/1/2005, ở tuổi 25; Thượng úy Phan Văn Thế, quê huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, trợ lý hậu cần đảo Sơn Ca hy sinh ngày 6/9/2008 hưởng dương 28 mùa xuân.
Và nhắc tới Trường Sa không thể không nhắc tới đảo Phan Vinh hòn đảo mang tên người Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ Phan Vinh. Anh đã chỉ huy tàu không số ngụy trang thành tàu cá chở đạn được tiếp viện cho miền Nam và hy sinh anh dũng trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 tại vùng biển Khánh Hòa. Sau khi giải phóng Trường Sa, những người đồng đội của anh đã lấy tên Phan Vinh để đặt cho một hòn đảo có tên là Hòn Sập. Sau này, cái tên Phan Vinh đã chính thức thành tên của đảo. Đảo Phan Vinh nằm tại tọa độ 8 độ 56 phút vĩ Bắc, 113 độ 38 phút kinh Đông là một hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự trong quần đảo Trường Sa. Dù chưa một lần đặt chân tới Trường Sa, nhưng tên của anh Phan Vinh vẫn vang lên ở nơi đây như một biểu tượng về lòng dũng cảm và ý chí quật cường, mưu trí sáng tạo, không tiếc thân mình cho Tổ quốc của những người lính hải quân nói riêng, những chiến sĩ bảo vệ biển đảo Trường Sa nói chung.
Trường Sa ngày nay thuộc quyền quản lý của Việt Nam nhưng vẫn là vị trí bị các thế lực ngoại bang dòm ngó. Và những người lính vẫn luôn có mặt để từng ngày, từng giờ bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt và sự hiểm nguy luôn rình rập, các chú bộ đội luôn hiên ngang vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Và để bảo vệ quần đảo yêu dấu của Tổ quốc, còn có biết bao chiến sĩ khác đã ngã xuống. Trên nền lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam đang tung bay trên các đảo tại quần đảo Trường Sa hôm nay có cả màu máu của những người con, những người anh hùng đất Việt.
Trên một số đảo ở Trường Sa hiện vẫn còn những ngôi mộ liệt sĩ. Các anh đã rời đất liền, ra đảo làm nhiệm vụ và mãi mãi không trở về. Các anh đã hiến dâng tuổi 20 của mình cho Tổ quốc. Đa số những người lính đã hy sinh trên biển, thân thể các anh hòa vào lòng đại dương, tan vào từng con sóng, ngày đêm vỗ về đất Mẹ thiêng liêng. Tên tuổi các anh mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Sự hy sinh của các anh là tấm gương sáng ngời cho đoàn công tác số 4, cho tất cả người dân Việt Nam cảm phục, tự hào.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
