Chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ còn hạn chế
![]() |
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị. |
Các ý kiến tại Hội nghị đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, việc thực hiện sắp xếp lại theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt nhiều kết quả tích cực. Số đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 giảm 13,4% so với năm 2015, vượt mục tiêu của Nghị quyết đặt ra cho giai đoạn 2015-2021; Số biên chế thực hiện tinh giảm đảm bảo mục tiêu đề ra, năm 2021 giảm 10,51% so với năm 2015.
Đồng thời, các đơn vị đã tăng cường tự chủ tài chính, mở rộng các hoạt động dịch vụ sự nghiệp, thực hiện thay thế nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước bằng từ nguồn thu sự nghiệp, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước.
Triển khai chính sách xã hội hóa, phát triển tổ chức ngoài công lập trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; giáo dục và đào tạo; y tế... đã từng bước khai thác, phát huy có hiệu quả...
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, hạn chế. Một số nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đã được cụ thể hóa, phân công, giao nhiệm vụ, song đến nay có nội dung tiến độ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Công tác sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết là sáp nhập, hợp nhất cơ học. Việc thực hiện chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của bộ, ngành về chính quyền địa phương quản lý triển khai còn chậm. Định mức biên chế sự nghiệp ban hành từ lâu nhưng chưa được sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế là hai lĩnh vực chiếm tỷ trọng biên chế sự nghiệp lớn (trên 85% biên chế sự nghiệp do Chính phủ quản lý).
Việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ còn hạn chế, tiến độ chậm, chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết (chỉ đạt 6,46%). Chưa thực sự đồng bộ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế với tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp...
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị. |
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số cấp ủy còn chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai nhiệm vụ; một số mục tiêu chưa đạt được bởi nguyên nhân chủ yếu là thể chế chưa đảm bảo kịp thời, đồng bộ, khả thi.
Một số cơ chế, chính sách và văn bản pháp luật liên quan đến đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt văn bản pháp luật có tính chất hướng dẫn, làm tiền đề thực hiện tinh giảm đầu mối, tinh giản biên chế, tổ chức, hoạt động đơn vị sự nghiệp chậm ban hành hoặc đã ban hành nhưng còn mâu thuẫn, chồng chéo, không tương thích; còn độ trễ lớn trong tổ chức thực hiện…
Các ý kiến đều thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thực hiện Nghị quyết, trong đó tập trung vào: Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; khẩn trương hoàn thiện thể chế đảm bảo kịp thời, đồng bộ và khả thi, trong đó tập trung các giải pháp về tinh gọn đầu mối, biên chế hưởng lương từ ngân sách gắn việc nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng thu hút tham gia của xã hội, phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công.
Cần phân loại đơn vị sự nghiệp theo các nhóm để kiến nghị giải pháp phù hợp đảm bảo dịch vụ công cơ bản, thiết yếu; phục vụ quản lý nhà nước. Việc tổ chức thực hiện phải được phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, gắn trách nhiệm cá nhân. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trên cơ sở ý kiến của Hội nghị sơ kết, Tổ Biên tập nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo sơ kết, Tờ trình và Kết luận để trình Bộ Chính trị trong tháng 12/2022 theo đúng kế hoạch.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
