Chương trình khuyến công Quốc gia: Khoảng cách khá xa từ kỳ vọng đến thực tế
![]() | 78 triệu USD cải thiện chất lượng đào tạo nghề |
![]() | Khuyến công chưa hấp dẫn doanh nghiệp |
Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình KCQG giai đoạn 2014 – 2018, từ đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của chương trình; đồng thời đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ các nội dung cần thực hiện giai đoạn tiếp theo.
![]() |
Thành quả chưa như kỳ vọng
Chia sẻ về kết quả thực hiện Chương trình KCQG từ 2014 – 2018, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) cho hay, đến nay, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công giai đoạn 2014 – 2018 của cả nước đã được phê duyệt là 1.186,193 tỷ đồng. Thông qua chương trình, đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn, hầu hết lao động đều có việc làm ổn định sau đào tạo (tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trung bình đạt trên 90%).
Chương trình đã hỗ trợ xây dựng 210 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới để giới thiệu các mô hình điển hình này tới các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các địa phương. Hỗ trợ cho 630 cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; tổ chức thành công 15 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.
Thông qua đó, Chương trình đã tôn vinh 610 sản phẩm cấp khu vực và 202 sản phẩm cấp quốc gia có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường…
Chương trình KCQG đã mang lại nhiều hiệu quả quan trọng, tuy nhiên, tham luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, cấp xã tại nhiều địa phương chưa hình thành, nên việc khai thác, triển khai đề án khuyến công còn khó khăn.
Đáng chú ý, khoản kinh phí khuyến công mà cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới phải tính thuế thu nhập DN, làm giảm sức hấp dẫn của chương trình.
Là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình KCQG, ông Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh chia sẻ, trong 5 năm qua Hà Tĩnh đã làm tốt công tác khuyến công, kinh phí khuyến công Hà Tĩnh đang có sức hút lớn đối với các cơ sở, DN công nghiệp nông thôn.
Trong đó, phần lớn nguồn kinh phí trên được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh đầu tư xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Việc ưu tiên nguồn vốn cho các DN, cơ sở công nghiệp triển khai đổi mới dây chuyền máy móc, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại đã tạo ra động lực to lớn thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay DN trên địa bàn chủ yếu là DN nhỏ, nguồn lực còn yếu nên Hà Tĩnh mong muốn nguồn kinh phí đầu tư cho các dự án khuyến công, nhờ đó DN có điều kiện được mở rộng đầu tư sản xuất, tạo động lực cho kinh tế địa phương phát triển.
Cần nguồn lực đủ mạnh
Còn ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn mới, chương trình KCQG cần tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, phù hợp với nhu cầu thị trường; giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Nhìn nhận một cách khách quan về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, sau 5 năm triển khai Chương trình KCQG đã nổi lên một số tồn tại bất cập cần giải quyết. Thứ nhất, ý nghĩa mục tiêu và yêu cầu của chương trình rất lớn, rất tham vọng khi hướng tới mục tiêu rất cơ bản là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương, trên cơ sở đó tạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ đó điều chỉnh cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, có hiệu quả, phục vụ tốt cho CNH - HĐH và hội nhập quốc tế của Việt Nam thành công. Nhưng vấn đề lớn nhất bộc lộ rõ nhất đang tồn tại là sự hạn chế về nguồn lực.
Chương trình có 7 nhiệm vụ lớn trong đó có nhiệm vụ rất quan trọng là giới thiệu và trình diễn công nghệ để đưa vào ứng dụng, để nâng cao hơn nữa công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nhưng cũng rất khó khăn.
Vấn đề nữa là gắn chương trình với phát triển bền vững và hạn chế ô nhiễm môi trường. Khi vai trò chủ yếu thuộc về của các thành phần kinh tế ở địa phương chủ yếu là DN nhỏ và rất nhỏ, làng nghề, hộ kinh tế thì khoảng trống pháp lý còn rất thiếu và rất yếu. Ba là công tác đào tạo nghề phục vụ cho truyền nghề, trao đổi kinh nghiệm phát triển các làng nghề truyền thống cũng đòi hỏi sự quan tâm của chính quyền địa phương và nguồn kinh tế rất lớn…
Tuy nhiên, trong 5 năm qua, mỗi năm trung bình Chương trình KCQG chỉ có 130 tỷ đồng và chia cho 63 tỉnh thành cả nước. Sự hạn chế nguồn lực đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động KCQG.
Để thúc đẩy Chương trình KCQG phát triển, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, thời gian tới phải thống nhất lại quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá về Chương trình này trong tổng thể chính sách phát triển quốc gia, nhất là Chiến lược công nghiệp Quốc gia đến Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để thấy công nghiệp địa phương trong tổng thể hệ thống công nghiệp. Từ đó mới thấy hết được ý nghĩa của chương trình để hoạch định chính sách phát triển.
Hai là tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, nhất là công tác tổ chức triển khai thực hiện. Ba là nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực trong công tác khuyến công, đặc biệt trong phối hợp tổ chức để tạo liên kết ngang, dọc với các hiệp hội ngành nghề cũng như với các tổ chức khác… đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của các chương trình khuyến công.
“Bối cảnh mới đã thay đổi, thế giới và khu vực đang có những biến động nhanh chóng và đang tác động mạnh đến. Vì vậy nếu không đánh giá lại để đổi mới cả về hình thức và nội dung của Chương trình KCQG gắn với hội nhập và phát triển kinh tế thì KCQG sẽ khó phát huy được thế mạnh và vai trò của nó với các địa phương”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
