Chuẩn mực kế toán công Việt Nam: Góp phần cải thiện đánh giá tín nhiệm quốc gia
Những năm gần đây, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam diễn ra rất mạnh mẽ. Việc gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới và khu vực, các Hiệp định thương mại lớn; tham gia cam kết với các tổ chức tài chính quốc tế lớn đòi hỏi Việt Nam phải cung cấp thông tin có tính chuẩn mực, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận. Ngoài ra, Việt Nam phải tuân thủ theo lộ trình đã thỏa thuận có cam kết về minh bạch hóa thông tin kế toán, nhất là trong lĩnh vực công.
Hiện Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc nghiên cứu xây dựng các quy định trong lĩnh vực kế toán công theo hướng hòa nhập với các thông lệ quốc tế, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách nhất định với thông lệ quốc tế về việc ghi nhận và trình bày các thông tin tài chính nhà nước.
Đồng thời, việc đòi hỏi báo cáo tài chính một cách đầy đủ, chính xác và minh bạch theo thông lệ quốc tế là điều mà rất được quan tâm. Trong đó, vai trò của kế toán công được thể hiện ở việc thực hiện các chức năng cung cấp thông tin và kiểm tra, giám sát với hoạt động kinh tế - tài chính của Nhà nước. Vai trò này ngày càng thể hiện rõ nét đối với các đối tượng sử dụng thông tin kế toán công.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo trực tuyến công bố 05 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1 được ban hành theo Quyết định số 1676/QĐ-BTC ngày 01/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam là căn cứ để Bộ Tài chính ban hành hệ thống chế độ kế toán, hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng loại hình đơn vị, đặc điểm tổ chức hoạt động trong mối quan hệ phù hợp với các cơ chế chính sách về tài chính công và ngân sách nhà nước.
Hệ thống chuẩn mực kế toán công làm cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách tài chính công phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật liên quan như Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý nợ công; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Chứng khoán… đã và đang được cải cách phù hợp chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Việc triển khai thực hiện Đề án Tổng kế toán nhà nước, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ và chính quyền địa phương, đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hiện nay, trên cơ sở hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế, nhiều nước đã xây dựng và công bố các chuẩn mực kế toán công áp dụng tại quốc gia mình. Hiện nay Việt Nam đang có kế hoạch triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).
Tuy nhiên, trong lĩnh vực kế toán công cho đến nay Việt Nam mới chỉ xây dựng và ban hành các chế độ kế toán hướng dẫn công tác kế toán tại các đơn vị kế toán cụ thể thuộc lĩnh vực này. Các quy định được đặt ra trong các chế độ kế toán này phần lớn là các quy định hướng dẫn công tác kế toán và tổ chức công việc kế toán, chưa có những quy định mang tính nguyên tắc, thống nhất một cách đầy đủ, đồng bộ theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trên thực tế, các đơn vị kế toán hoạt động trong lĩnh vực công hiện nay đang áp dụng các chế độ kế toán phù hợp với đặc điểm tổ chức và hoạt động của mình. Việc ban hành hệ thống chuẩn mực sẽ giúp cho các nguyên tắc, kỹ thuật kế toán được thống nhất, đồng bộ, đảm bảo thông tin của các đơn vị chính xác, phù hợp và tin cậy hơn.
Xu hướng mở rộng hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp dẫn đến cần phải áp dụng các kỹ thuật kế toán phù hợp yêu cầu quản lý và hoạt động tự chủ. Các thông tư hướng dẫn kế toán cho các đơn vị hiện nay, mặc dù đã tiếp cận thông lệ quốc tế, nhưng theo đánh giá của chuyên gia tư vấn WB vẫn còn khác biệt khá lớn ở một số lĩnh vực.
Bà Steffi Stallmeister, Giám đốc Điều hành hoạt động dự án WB tại Việt Nam cho rằng, khi Việt Nam hướng tới các chuẩn mực kế toán theo thông lệ quốc tế, sẽ vừa giúp gia tăng sự minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình, vừa góp phần cải thiện mức đánh giá tín nhiệm quốc gia trong tương lai. Việt Nam đang đi đúng hướng song vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết. Đó là, đào tạo hướng dẫn chính sách, thay đổi tư duy về chuẩn mực kế toán, các khoản bảo lãnh Chính phủ, các cơ chế báo cáo doanh nghiệp Nhà nước…
Hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam sau khi được công bố sẽ là cơ sở để ban hành chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị trong khu vực công thực hiện công tác kế toán, lập báo cáo tài chính, cung cấp thông tin hữu ích cho việc quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn lực thuộc Nhà nước, đặc biệt là thống nhất dữ liệu của các đơn vị kế toán công.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
