Chủ động ứng phó với thuế phát thải carbon
Thị trường carbon và mục tiêu đạt được phát thải carbon bằng 0 Châu Á Thái Bình Dương dẫn đầu trong nỗ lực giảm phát thải carbon |
Nước đã gần đến chân
Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã tuyên bố bắt đầu thử nghiệm đạo luật Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM). Việc thử nghiệm này sẽ triển khai từ 1/10 tới đây tại 27 quốc gia thành viên, áp dụng cho 6 nhóm hàng hóa, bao gồm: xi măng, thép, nhôm, phân bón, điện và hydro nhập khẩu từ những quốc gia chưa áp dụng định giá carbon hoặc đã có cơ chế định giá nhưng chưa tương ứng với định mức, tiêu chuẩn của EU.
Để thực thi đạo luật trên, các doanh nghiệp nhập khẩu của EU có nghĩa vụ báo cáo vào cuối mỗi quý về mức phát thải được ghi trong hàng hóa CBAM mà chưa phải thanh toán mức chi phí điều chỉnh. Sau giai đoạn thí điểm (từ 2023-2025), EU sẽ triển khai thực thi đạo luật này trong giai đoạn 2026-2033 và áp dụng triệt để vào 2034. Khi đó, tất cả doanh nghiệp nhập khẩu đều có nghĩa vụ báo cáo lượng khí thải carbon và nộp thuế theo quy định.
Động thái trên của EU khiến cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khá lo ngại. Bởi hiện nay, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này năm 2022 đạt hơn 46,8 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, các mặt hàng như sắt thép, nhôm đều có số lượng và kim ngạch khá lớn (đối với thép là 1,36 triệu tấn, kim ngạch 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023; đối với nhôm là khoảng 307 triệu USD năm 2022). Các mặt hàng khác như xi măng, phân bón, điện… dù kim ngạch chưa đáng kể nhưng cũng đang khá lo ngại khi phải tuân thủ CBAM trong quá trình đàm phán, hợp tác.
![]() |
Lĩnh vực xuất khẩu sắt thép, xi măng và hóa chất là những lĩnh vực bị tác động đầu tiên từ sắc thuế phát thải carbon của EU |
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu, ngay khi CBAM đi vào thử nghiệm, các lĩnh vực sắt thép, nhôm, xi măng và hóa chất của Việt Nam sẽ là những ngành cần quan tâm đầu tiên đến thuế phát thải carbon, đặc biệt là ngành thép (do có kim ngạch xuất khẩu vào EU khá lớn và đang tăng trưởng mạnh nhờ tận dụng Hiệp định EVFTA).
Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Bảo vệ môi trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, với mức giá của hạn ngạch phát thải carbon do EU đưa ra, các nhà nhập khẩu sắt thép sẽ phải cần có 1,7 triệu chứng chỉ với chi phí là 146 triệu USD. Vì thế, các bộ, ngành liên quan cũng cần nhanh chóng nghiên cứu các giải pháp để giảm nhẹ tác động của CBAM.
Tương tự, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, hiện nay mặc dù các doanh nghiệp trong ngành đã áp dụng nhiều giải pháp để tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ để giảm phát thải nhưng chi phí đầu tư để tuân thủ CBAM là khá lớn và là thách thức với hầu hết các tập đoàn.
“Hiện VSA cũng đã phối hợp với các bộ, ngành trong nước cũng như các hiệp hội thép của các quốc gia trong khu vực để nghiên cứu đánh giá tác động của CBAM và đưa ra các giải pháp, lộ trình giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp cũng cần đặt ra lộ trình hành động riêng cho mình để tránh bị động”, ông Đa nhấn mạnh.
Sửa các quy định trong luật để tương thích
Theo ông Đỗ Mạnh Toàn, Điều phối quốc gia của Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á tại Việt Nam, để thích ứng với cơ chế CBAM do EU áp dụng, về lâu dài Việt Nam cần có phương án đảm bảo nguồn tài chính để phục vụ cho các mục đích liên quan đến chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải nhà kính.
Ông Toàn cho rằng, việc này cần được tham vấn rộng rãi đầy đủ, nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong việc sử dụng thuế phát thải carbon cũng như sử dụng nguồn thu từ thuế để phục vụ cho các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính thay vì sử dụng dòng thuế này đưa vào ngân sách Nhà nước.
Các chuyên gia trong lĩnh vực thuế cũng cho rằng, để đưa ra lộ trình cụ thể đối với sắc thuế này, Bộ Tài chính có thể cân nhắc lựa chọn một trong hai giải pháp, hoặc là sửa đổi dự thảo Nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải (đang được Chính phủ dự kiến phê duyệt vào cuối năm 2023); hoặc đưa thuế carbon vào nội dung sửa đổi của thuế bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội vào năm 2026. Từ đó sẽ có thời gian chuẩn bị dài hơn.
Luật sư Nguyễn Anh Minh (Công ty Luật NHQuang & cộng sự) cho rằng, các loại thuế phí bảo vệ môi trường hiện nay tại Việt Nam đang khá tương thích với thuế phát thải carbon. Vì thế việc tích hợp vào thuế bảo vệ môi trường là lựa chọn phù hợp để luật hóa thuế phát thải carbon tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay thuế bảo vệ môi trường đang được đánh vào hoạt động sản xuất và nhập khẩu hàng hóa có tác động xấu đến môi trường. Mức thuế tuyệt đối của thuế bảo vệ môi trường có thể không phản ánh đầy đủ lượng khí phát thải để trực tiếp giảm phát thải khí nhà kính như thuế carbon. Ngoài ra, các khoản thu từ thuế được đưa vào ngân sách Nhà nước và được quản lý, phân bổ theo chương trình, kế hoạch chi của ngân sách.
“Vì vậy, nếu Việt Nam ban hành sắc thuế carbon mới (nếu có) sẽ dễ có nguy cơ “thuế chồng thuế”. Do đó, cần tham vấn hết sức thận trọng và cụ thể hóa từng đối tượng chịu thuế để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp”, ông Minh lưu ý.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, để chủ động hơn trong việc ứng phó với thuế phát thải carbon, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục nhận và báo cáo dữ liệu liên quan đến phát thải CO2. Song song đó, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng, ban hành các chiến lược, kế hoạch hành động ứng phó với CBAM nhằm giảm thiểu tác động từ sắc thuế này.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
