Cho vay tái canh cây cà phê: Ngân hàng không thiếu vốn, nhưng cần thêm cơ chế
![]() | Hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch ở Quảng Trị |
![]() | Agribank đồng hành cùng nông sản Việt |
![]() | Tăng tốc cùng kinh tế Thái Bình |
![]() | Vì sao cho vay tái canh cây cà phê vẫn chậm? |
Chủ động tìm giải pháp
Theo thống kê của Viện Khoa học Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, trong số hơn 450.000 ha cà phê tại khu vực Tây Nguyên thì có khoảng 25% diện tích được trồng và khai thác trên 20 năm, đã già cỗi, năng suất thấp, không có khả năng phục hồi. Dự báo đến năm 2020, Tây Nguyên có hơn 70% diện tích cà phê rơi vào tình trạng trên, đòi hỏi phải nhổ bỏ để tái canh. Trong giai đoạn 2013 – 2020, mỗi năm cần phải tái canh từ 6.000 – 8.000 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp, kém hiệu quả thì mới mong duy trì được sản lượng cà phê xuất khẩu trong những năm sau 2020.
![]() |
Agribank sẵn sàng đáp ứng vốn cho tái canh cây cà phê |
Nhìn nhận được thực trạng “xuống cấp” của cây cà phê, trong những năm qua, nhiều nông hộ và DN trồng cà phê tại Tây Nguyên đã chủ động nghiên cứu tìm giải pháp để tái canh vườn cây, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập cho người lao động, hộ gia đình nhận khoán chăm sóc cà phê… Nhiều giải pháp, mô hình tái canh cà phê thành công được áp dụng trong những năm gần đây đã mang lại kết quả, với trên 95% cây sống, và cho sản lượng tốt sau ba năm trồng…
Thực tiễn từ Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pôk là một điển hình. Đặc điểm vườn cà phê của DN này có độ tuổi rất cao, 42% diện tích cà phê trên 30 tuổi, 20% diện tích cà phê trên 25 tuổi. “Mặc dù công việc tái canh cà phê là hết sức phức tạp, đầy rủi ro, nhưng không thể để vườn cây kém hiệu quả tồn tại mãi dẫn đến đời sống công nhân khó khăn”, ông Cao Văn Tứ, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cà phê Ea Pôk chia sẻ. Từ năm 1999, DN bắt tay vào tái canh cà phê già cỗi nhưng liên tục đối mặt với thất bại. Bởi mỗi lần tái canh, cây cà phê không chết ngay mà đến lúc bắt đầu cho khai thác vụ đầu tiên là chết hàng loạt.
Sau khi tìm nguyên nhân, DN tìm ra giải pháp: sau khi nhổ bỏ cây già, luân canh trồng cây ngắn ngày trong 2 năm đầu để thay đổi cây ký chủ, diệt mầm bệnh ký sinh hại rễ cây cà phê hoặc bỏ đất trống trồng cỏ nuôi bò nhằm để đất nghỉ, tái tạo đất cũ và tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Đến năm thứ 3 tiến hành trồng cây muồng hoa vàng làm tăng chất hữu cơ và độ phì cho đất. Sau đó, tiến hành trồng cà phê. Quy trình tái canh này đã mang lại hiệu quả cho DN. “Trong 5 năm gần đây, Công ty Cà phê Ea Pôk tái canh thành công 133 ha, 95% diện tích cho kết quả tốt; số lượng cây sống và phát triển đạt tỷ lệ cao; năng suất trung bình 4 tấn nhân/ha”, lãnh đạo DN này cho biết thêm.
Không riêng Công ty Cà phê Ea Pôk, tại Tây Nguyên, việc tái canh cà phê được xem như là sự sống còn của DN. Đơn cử, cùng với hoạt động sản xuất, Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Đức đã chú trọng đến việc tái canh cà phê, dần thay thế những diện tích cà phê già cỗi bằng các giống tốt nhất để năng suất, chất lượng đạt cao hơn. Tương tự, Công ty Cà phê 706, một trong những DN thực hiện tái canh cà phê sớm nhất tại tỉnh Gia Lai.
Từ năm 2005, DN chủ động cải tạo một số diện tích cà phê kinh doanh kém hiệu quả, năng suất thấp... Với 88 ha diện tích cà phê tái canh của DN sinh trưởng tốt, vụ đầu tiên cho năng suất bình quân 1,5 tấn cà phê nhân/ha (tương đương 8 tấn cà phê tươi/ha). Cá biệt có diện tích đạt 2,2 - 2,5 tấn cà phê nhân/ha. Quan trọng hơn cả, chất lượng sản phẩm nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hạt trên sàn 18 đạt 50%, trong khi trước khi tái canh tỷ lệ R1 chỉ đạt 30% - 40%.
Theo ông Nguyễn Cảnh Minh - Chủ tịch kiêm Giám đốc TNHH MTV Cà phê Việt Đức, đến nay, DN tái canh thành công khoảng 200 ha và dự kiến trong những năm tiếp theo sẽ tái canh dần những diện tích đã hết tuổi khai thác... Ông Minh khẳng định, tái canh cà phê góp phần đáng kể vào hiệu quả đầu tư, sản xuất, đồng thời tăng thu nhập cho người lao động. Những năm gần đây, thu nhập bình quân cán bộ, công nhân viên đạt gần 90 triệu đồng/hộ/năm, và 1,9 triệu đồng/khẩu/tháng, tăng hơn 11 lần so với trước đây.
Đại diện DN cho biết, tái canh cà phê là chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ... tuy nhiên trên thực tế việc triển khai tái canh cà phê tại Tây Nguyên vẫn còn nhiều thách thức.
Còn nhiều thách thức
Theo nhận định của Viện Khoa học Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện tái canh cà phê rất nan giải. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tái canh cà phê chậm, chủ yếu do diện tích cà phê của người nông dân nhỏ lẻ, không tập trung, thiếu điều kiện quản lý, chăm sóc trong thời gian nhổ bỏ để cải tạo đất bằng các loại cây trồng ngắn ngày khác.
Trong thời kỳ loại bỏ cà phê già cỗi để cải tạo đất mất khoảng 2 - 3 năm, hộ nông dân không có nguồn thu khác bổ sung để sinh sống. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc người nông dân không mặn mà với việc tái canh. Ngoài ra, một số nông hộ không có điều kiện để mua cây giống để tái canh, mặc dù diện tích cà phê đang khai thác quá già cỗi, năng suất thấp nhưng vẫn tận thu, gây nguy cơ thiệt hại càng lớn cho đất canh tác về sau.
Giám đốc TNHH MTV Cà phê Việt Đức ông Nguyễn Cảnh Minh nhấn mạnh, việc tái canh cà phê mang lại hiệu quả cho DN và người trồng. Tuy nhiên, việc tái canh đại trà cần vốn lớn, do đó NH là “điểm tựa” để DN mạnh dạn thực hiện tái canh cà phê. Liên quan đến vấn đề vốn cho tái canh cà phê, ông Trần Đình Chánh, Giám đốc Agribank Đăk Lăk cho hay, thời gian qua, chi nhánh nỗ lực phối hợp với chính quyền, ngành nông nghiệp, các DN, nông hộ địa phương để thống kê diện tích cà phê cần tái canh trong những năm tới trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, chi nhánh xây dựng kế hoạch, nguồn vốn để tập trung đẩy mạnh việc cung ứng vốn để tạo điều kiện cho các DN và người trồng cà phê. Ông Chánh khẳng định, xác định đây là chủ trương thiết thực, nên những năm qua thực hiện chỉ đạo của Agribank Đăk Lăk, chi nhánh tập trung nguồn vốn và nhân lực để đẩy mạnh việc cho vay tái canh cà phê trên địa bàn.
Ông Lê Trực - Phó trưởng văn phòng đại diện Agribank tại miền Trung cho biết thêm, riêng khu vực Tây Nguyên, tổng vốn tín dụng đầu tư vào đây khoảng 60 ngàn tỷ đồng, chiếm 8% dư nợ toàn quốc. Trong đó, tổng dư nợ cho vay ngành cà phê của Agribank khoảng gần 15.500 tỷ đồng, riêng các chi nhánh Agribank tại khu vực Tây Nguyên cho vay lĩnh vực cà phê gần 13.400 tỷ đồng, chiếm 86,2% tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống đối với lĩnh vực cà phê.
Đối với cho vay tái canh cây cà phê, đến thời điểm hiện nay, các chi nhánh trực thuộc Agirbank đã giải ngân cho trên 6.302 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 750 tỷ đồng. Theo ông Trực, nguyên nhân con số dư nợ cho vay tái canh còn khiêm tốn bởi, giá cà phê những năm gần đây lên xuống thất thường, trong khi các loại cây trồng khác có giá tương đối cao nên người dân chuyển sang đầu tư cho loại cây trồng khác. Một nguyên nhân nữa là năng lực tài chính của nhiều nông hộ và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, phương án kinh doanh của khách hàng không rõ ràng và thiếu tính khả thi.
Bên cạnh đó, việc triển khai công tác tái canh cây cà phê từ phía cơ quan chức năng ở địa phương còn chậm, chỉ đạo chọn giống chưa tốt, khó khăn trong việc định giá tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm… dẫn đến tăng trưởng dư nợ cho vay tái canh cây cà phê còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, mới mong mang lại kết quả khả quan. Riêng Agribank có thể khẳng định, sẽ đáp ứng đầy đủ vốn cho tất cả các hộ nông dân vay vốn tái canh cà phê theo chủ trương của Chính phủ và NHNN.
Để chính sách được triển khai nhanh, rộng hơn nữa, cùng với ngành Ngân hàng, lãnh đạo Agribank cho rằng, rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương trong việc quy hoạch, lựa chọn vị trí, diện tích tái canh cây cà phê để hiệu quả huy hiệu quả nguồn vốn. Để đánh giá toàn diện về tình hình cơ bản của thực trạng sản xuất cà phê tại khu vực Tây Nguyên, các ngành chức năng cần sớm có những biện pháp hỗ trợ, khuyến khích phù hợp để nông hộ thực hiện tái canh cây cà phê. Cần tăng cường nhân rộng các mô hình sản xuất cà phê bền vững, cũng như tạo điều kiện để các nông hộ tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp…
Tin liên quan
Tin khác

Tăng cho vay tín chấp đối với nông hộ và các mô hình sản xuất theo chuỗi

Co-opBank đồng hành cùng hệ thống QTDND

Cần Thơ: Rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách đến từng nhóm khách hàng

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Lạng Sơn: Nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Khánh Hòa nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Agribank đồng hành xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại

Quảng Nam nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới

Ninh Thuận nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
