Chia sẻ tài nguyên cùng phát triển
![]() | OCB triển khai thành công OPEN API và nhận chứng chỉ PCI DSS |
TPBank mới đây đã ra mắt dịch vụ kết nối thanh toán qua Open API, giúp những doanh nghiệp lớn có nhu cầu thực hiện hàng nghìn lệnh chuyển tiền mỗi ngày thực hiện các giao dịch nhanh chóng và đơn giản, gia tăng khả năng quản lý dòng tiền, cũng như tiết kiệm được nguồn nhân lực, thời gian và chi phí tài chính. Thông qua Open API, nhà băng này cho phép doanh nghiệp truyền dữ liệu tới ngân hàng ngay trên hệ thống của doanh nghiệp, thay cho việc phải đăng nhập vào hệ thống Internet Banking/eBank của ngân hàng mà vẫn đảm bảo tính bảo mật, an toàn cho khách hàng.
Hay ở OCB, lãnh đạo nhà băng này cũng chia sẻ, một trong những sản phẩm chiến lược của ngân hàng này là Open API với gần 50 APIs sẵn sàng tích hợp. Năm 2021, OCB dự kiến có sự bứt phá về mặt chuyển đổi số, đặc biệt sau cuộc thi Open API Challenge vừa qua, ngân hàng tiếp tục làm việc với hai đối tác Fintech để phát triển sản phẩm từ nền tảng này...
![]() |
Ảnh minh họa |
Các ngân hàng khác như Agribank, Bac A Bank, BIDV, VPbank… đều đã có những bước đi trong việc mở API. Trước đó, cuối năm 2018, VietinBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thử nghiệm nền tảng Open API, sau đó một năm, ngân hàng này chính thức giới thiệu nền tảng Open API với tên gọi VietinBank iConnect. Số lượng đối tác kết nối với nền tảng VietinBank iConnect tăng lên nhanh chóng với nhiều đối tác trên nhiều lĩnh vực như ví điện tử, thanh toán trực tuyến, chuyển tiền trong nước/quốc tế, dịch vụ công…
Theo Ernst & Young trong nền kinh tế số, các ngân hàng sẽ phải đổi mới quy trình vận hành, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo Hệ sinh thái, liên kết từ khâu phát triển sản phẩm, cung cấp dịch vụ, đến kết nối - Open banking. Open API trở thành từ khoá của hệ sinh thái ngân hàng mở.
Phát triển và đẩy mạnh Open API sẽ giúp cho các ngân hàng chia sẻ, tạo giá trị gia tăng và hiệu quả cho khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế số và điều này sẽ làm tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động, chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm người dùng. Ngân hàng mở cũng có tiềm năng chuyển đổi mô hình kinh doanh ngân hàng theo hướng dựa nhiều vào khai thác dữ liệu.
Nói về ngân hàng mở, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank chia sẻ, việc các nền tảng tài chính – ngân hàng lấy khách hàng làm tâm giúp khách hàng tiếp cận nhiều tổ chức tài chính – ngân hàng khác nhau thông qua một kênh duy nhất sẽ trở thành xu thế.
Ngay tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhiều quốc gia đã có những chính sách, quy định thúc đẩy Open Banking, Open API. Ví dụ như Chính phủ Ấn Độ đầu tư cho sáng kiến xây dựng Open API cho thanh toán liên ngân hàng từ năm 2016. Hay nền tảng phát triển KFTC - sáng kiến của Chính phủ Hàn Quốc về ngân hàng mở nhằm cho phép các công ty Fintech có thể phát triển ứng dụng trên nền tảng dữ liệu của hơn 20 ngân hàng. Bộ luật sửa đổi Luật Ngân hàng Nhật Bản vào tháng 5/2017 cũng đưa ra lộ trình yêu cầu các ngân hàng triển khai Open API; tháng 5/2018 Chính phủ Úc chấp thuận các đề xuất ngân hàng mở và yêu cầu 4 ngân hàng lớn nhất nước này phải chia sẻ dữ liệu khách hàng bắt đầu từ 1/7/2019; Malaysia trong năm 2019 cũng đã đạt những thành công trong lĩnh vực Fintech khi công bố dữ liệu mở qua API, tạo điều kiện cho các công ty Fintech và ngân hàng chia sẻ thông tin một cách an toàn và thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa hai lĩnh vực này…
Chia sẻ về định hướng để có thể phát triển ngân hàng mở, một chuyên gia tài chính nhìn nhận cần đạt được 3 yếu tố: xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc để có thể phục vụ cho chia sẻ cũng như liên thông, kết nối dữ liệu; bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân; quan trọng nữa là chuẩn hoá API trong ngành Ngân hàng. Tại sao lại nói về “chuẩn hoá”? Bởi hiện nay, tại Việt Nam các API mới chỉ là các kết nối song song giữa ngân hàng và các đơn vị chứ chưa có một tiêu chuẩn chung thống nhất.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán của NHNN cho hay, triển khai ngân hàng mở đòi hỏi phải rà soát, áp dụng cũng như tuân thủ các quy định liên quan về bảo vệ dữ liệu khách hàng, bảo vệ quyền riêng tư. Việt Nam hiện chưa có văn bản pháp lý ở cấp độ luật hay nghị định điều chỉnh riêng và toàn diện hai vấn đề cốt lõi này liên quan đến ngân hàng mở.
Đồng quan điểm, một chuyên gia an ninh mạng cũng nhìn nhận, về hạ tầng công nghệ thông tin, cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý về an toàn, bảo mật của hệ thống công nghệ thông tin và giao dịch trong cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến, tạo niềm tin đối với khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. NHNN cần nghiên cứu, đề ra định hướng ngân hàng mở, xác định ngân hàng mở phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, để trên cơ sở đó ban hành những quy định, hướng dẫn hoặc đưa ra khuyến nghị thích hợp. “Chúng ta đang sống trong thời đại của kết nối và chia sẻ, việc áp dụng các chính sách để có thể thúc đẩy API mở, khuyến khích ngân hàng trao đổi, chia sẻ dữ liệu về khách hàng với các công ty Fintech, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán không phải ngân hàng cũng cần được xem xét để tạo đà cho việc đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số”, vị này cho biết.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
