Cập nhật thị trường tiền tệ tuần 10-14/12
Trên thị trường tiền tệ, lãi suất neo giữ ở mức cao trên cả thị trường 1 và thị trường 2. Trong tuần qua, NHNN hút ròng 8.280 tỷ đồng khi mua kỳ hạn 60.033 tỷ đồng trong khi có 68.313 tỷ đồng đáo hạn trên OMO. Trong 7 tuần gần đây, kênh tín phiếu không phát sinh giao dịch, đây cũng là khoảng thời gian khối lượng lưu hành của OMO liên tục duy trì ở mức cao. Hiện tại, có 60.033 tỷ đồng OMO lưu hành – cao gấp 2,1 lần lượng tín phiếu lưu hành.
Lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng dao động ở mức 4,85%/năm trong suốt tuần và chỉ giảm nhẹ về 4,69%/năm vào ngày cuối tuần khi NHNN bơm ròng 2.374 tỷ đồng vào ngày thứ 6 sau 3 ngày hút ròng liên tục trước đó. Mức lãi suất này hiện thấp hơn 6bps (điểm cơ bản) so với cuối tuần trước.
Trên thị trường 1, biểu lãi suất huy động của hầu hết các ngân hàng được giữ nguyên trừ một vài ngân hàng TMCP tiếp tục có bước điều chỉnh tăng khoảng 70bps với kỳ hạn dài, hiện ở mức 8,4%-8,8% cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Lãi suất huy động tăng liên tục trong 1 tháng gần đây sẽ gây áp lực lên lãi suất cho vay, thường đồng biến với độ trễ khoảng 3 tháng. Nhu cầu tiền đồng lớn vào thời điểm cuối năm sẽ khiến tăng áp lực thanh khoản các NHTM, nên lãi suất khó có thể giảm.
![]() |
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá giao dịch giảm 40 đồng/USD, VND lên giá so với các đồng tiền khác. Tỷ giá trung tâm USD/VND tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng 14 đồng/USD trong tuần qua và tăng 57 đồng/USD so với tháng trước, lên mức 22.778 đồng. Tuy vậy, tỷ giá giao dịch lại giảm đồng loạt 40 đồng/USD ở cả 2 chiều mua – bán trên ngân hàng và thị trường tự do, lần lượt về mức 23.235/23.325 và 23.320/23.340 đồng.
“Mặc dù khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất trong tuần này sẽ gây sức ép lên tỷ giá nhưng chúng tôi cho rằng chênh lệch lãi suất USD-VND và nguồn kiều hối thường tăng cao vào cuối năm sẽ hỗ trợ cho tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định”, báo cáo nhận định.
![]() |
Trong tuần qua, những thông tin thiếu tích cực như thủ tướng Anh tuyên bố hoãn bỏ phiếu Brexit ngày 11/12, ECB cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2018 và 2019 về mức lần lượt là 1,9% và 1,7% (giảm đồng thời 0,1%), chỉ số PMI tháng 12 của châu Âu thấp hơn kỳ vọng, biểu tình lan rộng ở Pháp… khiến cho đồng GPB và EUR mất giá so với USD lần lượt là 1,2% và 0,7%. Chỉ số DXY tăng lên trên 97 và kết thúc tuần ở mức 97,4, tăng 0,93 điểm so với tuần trước đó.
Trung Quốc đã có những động thái nhượng bộ trong cuộc đối đầu thương mại với Mỹ khi nhập khẩu trở lại đậu tương của Mỹ và tuyên bố xóa bỏ thuế quan bổ sung 25% mà nước này áp lên xe hơi nhập khẩu từ Mỹ từ ngày 1/1/2019. Đồng CNY duy trì ổn định trong tuần nhưng giảm giá khá mạnh vào ngày cuối tuần do các thông tin từ cơ quan thống kê Trung Quốc về chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, cho thấy kinh tế nước này vẫn đang trên đà giảm tốc. Tỷ giá hiện tại là 6,91 CNY/USD.
Trên thị trường trái phiếu, lợi tức trái phiếu ổn định. Tuần vừa qua đánh dấu sự trở lại của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sau 1 năm không phát hành TPCP, với tổng khối lượng gọi thầu của VDB là 10.000 tỷ đồng chia đều cho 5 kỳ hạn 3, 5, 7,10 và 15 năm. Tỷ lệ đăng ký/chào thầu là 90% và tỷ lệ trúng thầu/chào thầu đạt 64%, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 và 15 năm cao hơn 70bps so với lãi suất trái phiếu KBNN.
Trong khi đó KBNN chào thầu 8.300 tỷ đồng với 3 kỳ hạn 5,10 và 15 năm, trong đó kỳ hạn 5 năm chỉ có 500 tỷ đồng. Nhu cầu vẫn rất lớn khi tỷ lệ đăng ký gấp đôi lượng chào thầu, đặc biệt là ở kỳ hạn 5 năm (gấp 5,4 lần). Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 10 năm và 15 năm giữ nguyên ở mức 5,1% và 5,3% với tỷ lệ trúng thầu lần lượt là 100% và 85%. Khối lượng trái phiếu 10 năm được phát hành từ đầu năm đến nay đã là 66.776 tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch 2018.
Lãi suất kỳ vọng thấp nhất với kỳ hạn 5 năm đã giảm 1bp xuống 4,49%/năm, hiện thấp hơn 81bps so với lãi suất trúng thầu của trái phiếu cùng kỳ hạn do VDB phát hành nhưng vẫn cao hơn 29bps so với lãi suất trúng thầu (4,2%/năm) của phiên đấu thầu gần nhất cách đây 6 tuần.
![]() |
Trên thị trường thứ cấp, lợi tức TPCP tiếp tục đi ngang và tăng nhẹ 1-2bps với các kỳ hạn 1-3 năm. Mức lợi tức hiện tại là 4,03%; 4,33%; 4,52%; 5.1% và 5,33% cho các kỳ hạn tương ứng 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm.
Tổng khối lượng giao dịch trong tuần là 35.4 nghìn tỷ đồng, giảm -2% so với tuần trước. Khối ngoại bán ròng 634 tỷ đồng sau 6 tuần mua ròng liên tiếp trước đó. Trong đó, các kỳ hạn bán ròng nhiều là 5-7 năm (347 tỷ đồng), 12 tháng (161 tỷ đồng), 10-15 năm (124 tỷ đồng).
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
