Càng chờ thu càng mất công, mất của
Đóng góp vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, các cơ quan chức năng và chuyên gia cho rằng, việc Quốc hội thông qua không chỉ góp phần giảm thiểu chi phí và nguồn lực cho một việc không thể thực hiện, mà còn giảm tỷ trọng nợ trên tổng thu ngân sách, nâng cao chỉ số cạnh tranh của kinh tế Việt Nam, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tăng thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo tờ trình của Bộ Tài chính tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị xóa ước khoảng 26.500 tỷ đồng. Trong số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 do cơ quan hải quan quản lý là 5.320,4 tỷ đồng (giảm 2,8% so với thời điểm 31/12/2016). Trong đó: Nợ có khả năng thu là 1.361,7 tỷ đồng; Nợ chờ xóa, xét miễn, giảm, gia hạn là 125,01 tỷ đồng; Nợ khó thu là 3.833,6 tỷ đồng, chiếm 72% tổng số nợ của toàn ngành.
Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan lý giải đây là những khoản nợ phát sinh từ rất lâu, nhiều năm trước thời điểm Luật Quản lý thuế có hiệu lực. Theo đó, DN khi nhập khẩu hàng hóa được nợ thuế 30 ngày mà không ràng buộc điều kiện phải là DN chấp hành tốt pháp luật như quy định tại Luật Quản lý thuế nên một số DN chây ì, không nộp thuế đúng hạn, sau đó bỏ trốn, hoặc tự giải thể.
Ngoài ra, giai đoạn 2008-2010 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn đã tác động trực tiếp đến các DN có hoạt động xuất nhập khẩu, dẫn đến nhiều DN làm ăn thua lỗ, phải giải thể, phá sản hoặc có nguy cơ giải thể, phá sản không còn khả năng thanh toán nợ thuế. Vì vậy, mặc dù cơ quan hải quan đã tích cực thu hồi nợ thuế, áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định nhưng kết quả thu hồi nợ thuế không cao.
Từ năm 2013 số nợ thuế của ngành hải quan giảm đáng kể so với các năm trước mặc dù số lượng DN tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu tăng cao. Bên cạnh những nỗ lực đôn đốc thu hồi nợ thuế của cơ quan hải quan thì một trong những nguyên nhân chủ yếu giảm nợ đọng là do sự thay đổi về chính sách. Việc xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy trình nghiệp vụ kịp thời một mặt tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của DN. Mặt khác, các văn bản pháp luật được quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch giúp hạn chế vướng mắc trong thực hiện, hạn chế việc làm sai trái, sách nhiễu, tiêu cực gây phiền hà của cán bộ, công chức và giúp cơ quan Hải quan kiểm tra khai báo của DN, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, tránh gây thất thu ngân sách nhà nước.
Cụ thể Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Luật số 106/2016/QH13 đã có những nội dung mới góp phần hạn chế nợ mới phát sinh như sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn nộp thuế, về mức tính chậm nộp, về áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế…
Riêng với nợ thuế khó thu còn tồn đọng đến nay đa số là nợ phát sinh trước khi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực thi hành trước 1/1/2006. “Khó thu phần lớn là do các DN đã tự giải thể, phá sản, không còn hoạt động sản xuất kinh doanh… nhưng cơ quan hải quan vẫn phải mất nhiều thời gian và nhân lực để thực hiện đầy đủ trình tự thu hồi nợ thuế như truy tìm chủ sở hữu DN, kiểm tra hồ sơ, số liệu nợ thuế… mà hiệu quả thu hồi thấp”, lãnh đạo Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, cho biết.
Theo Dự thảo Nghị quyết xóa nợ thì phần lớn các khoản nợ khó thu của ngành hải quan sẽ được xử lý (khoảng 1.800 tỷ đồng, chiếm 46,9% nhóm nợ khó thu và 33,8% tổng nợ của toàn ngành). Các trường hợp đề nghị xóa nợ tại Dự thảo Nghị quyết thực tế phần lớn là các khoản nợ của những DN đã tự giải thể, phá sản hoặc bị thu hồi giấy phép kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký sản xuất kinh doanh nên cơ quan hải quan không còn đối tượng hoặc không thể xác minh được đối tượng để thu hồi nợ thuế cũng như áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định.
Ở góc nhìn chuyên gia kinh tế, ông Ngô Trí Long nêu quan điểm đã là thuế thì 1 đồng cũng cần, nên xóa nợ thuế cần đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công bằng. Tuy nhiên, xoá nợ thuế là bài toán khó giải do vướng quy định, số tiền xoá nợ thuế thực chất là tiền không thu được, cộng với tiền phạt chậm nộp thì khoản nợ thuế ngày càng cao, “treo” ở đó không xử lý được và làm xấu tình hình tài chính của DN. Chính vì vậy, xóa nợ thuế có thể mất một khoản cho ngân sách nhưng DN sau khi sắp xếp lại có thể sẽ phục hồi, tạo ra nguồn thu ngân sách. Bên cạnh đó, đối tượng xoá nợ thuế còn có các DNNN, thu nợ thuế thực chất là lấy tiền của nhà nước thì vô nghĩa.
“Nếu dự thảo Nghị quyết xử lý nợ đối với các khoản nợ không có khả năng thu hồi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giảm tỷ trọng nợ trên tổng thu ngân sách, nâng cao chỉ số cạnh tranh của kinh tế Việt Nam, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tăng thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi”, Tổng cục Hải quan cho biết thêm.
Trong trường hợp Dự thảo Nghị quyết không được thông qua thì cơ quan quản lý thuế phải tiếp tục theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ thuế, áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định mặc dù không còn đối tượng để thu đòi nợ thuế, gây lãng phí nguồn lực và tài chính của ngân sách nhà nước. Đồng thời, tỷ trọng nợ trên tổng thu ngân sách khá cao ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, không hấp dẫn các nhà đầu tư, gây thiệt hại về kinh tế. Vì vậy, để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước thì việc xử lý các khoản nợ khó thu là cần thiết.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
