Cẩn trọng với “bác sĩ Google”
Theo đơn tự chế của “bác sĩ nhân dân”
Nhiều người Việt giờ đây đang sở hữu một thói quen rất kỳ lạ, thay vì đi khám bác sĩ mỗi khi có bệnh thì người dân lại thường tâm sự, hỏi han người thân, lên mạng Internet xem kinh nghiệm của người khác chia sẻ, hoặc tư vấn của các bác sĩ online. Một cách khác, có vẻ “an toàn” hơn, là theo lời khuyên của các dược sĩ ở cửa hàng thuốc, hoặc theo đơn thuốc từ lần đi khám trước.
![]() |
Quá tin vào thông tin trên mạng, nhiều gia đình cho con dùng sai thuốc |
Tương tự như thế là thói quen của những “bác sĩ nhân dân” trên mạng xã hội. Họ luôn tỏ ra hiểu biết trước những căn bệnh có dấu hiệu giống như mình từng gặp, sẵn sàng đưa ra lời khuyên dùng thuốc, như thể bản thân là bác sĩ được đào tạo bài bản, hiểu biết về bệnh tật và dược phẩm.
Theo các bác sĩ, những căn bệnh dù có triệu chứng giống nhau nhưng do nguyên nhân gây ra bệnh khác nhau hoặc tiến triển bệnh ở mức độ nặng nhẹ trong mỗi thời điểm khác nhau thì cách điều trị bệnh phải khác nhau, do đó một đơn thuốc rất ít khi sử dụng 2 lần, đặc biệt là với thuốc kháng sinh.
Nguyên tắc là mỗi một đơn thuốc bác sĩ kê phải dành cho một cá nhân cụ thể, sử dụng cho một bệnh được xác định và trong một khoảng thời gian cụ thể sau khi đã được thăm khám và chẩn đoán bệnh. Ở nước ngoài, kháng sinh được kiểm soát rất chặt chẽ và các nhà thuốc chỉ bán theo đơn. Ngược lại ở Việt Nam, mua thuốc kháng sinh dễ như mua rau, loại nào cũng có, muốn uống dài ngày hay ngắn ngày cũng được...
Theo một khảo sát của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về việc bán thuốc kháng sinh tại gần 3.000 hiệu thuốc ở vùng nông thôn và thành thị phía Bắc, có tới 88-91% hiệu thuốc bán kháng sinh không cần đơn, trong đó triệu chứng thường được mô tả mua kháng sinh nhiều nhất là ho và sốt.
Không chỉ “liều mạng” với các loại kháng sinh cho người lớn, mà ngay trẻ em cũng được bố mẹ Việt tự bốc thuốc kê đơn rất vô tư. Giản đơn như thuốc ho, cho dù thế giới đã khuyến cáo không nên sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi vì có thể bị suy hô hấp, dễ bị viêm phổi, lừ đừ và tăng nguy cơ tử vong.
Nhưng ở Việt Nam, thuốc ho cho trẻ em được dùng vô cùng phổ biến. Nhiều gia đình còn trữ sẵn thuốc ho trong tủ thuốc để mỗi khi trái gió trở trời là cho con sử dụng ngay…
Sẽ có ngày bệnh không còn thuốc chữa
Việc tự do sử dụng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ như trên đã khiến tình trạng “nhờn thuốc” xuất hiện ngày càng nhiều. Điều tra của đơn vị nghiên cứu lâm sàng Oxrford (Anh) hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai trong 26 nước báo cáo tình trạng kháng thuốc với tỷ lệ kháng thuốc cao 9%, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hạng Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.
Hiện tại ở Việt Nam đã xuất hiện những vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Kháng sinh là “vũ khí tối thượng” để trị nhiễm khuẩn, nhưng với tình trạng kháng thuốc ngày càng cao, các thế hệ kháng sinh đang mất dần hiệu lực, nguy cơ tương lai không còn các loại thuốc điều trị đang đến rất gần.
Từ năm 2006, Việt Nam đã xác định cần phải chấn chỉnh việc kê đơn và sử dụng kháng sinh, kiểm soát tình trạng kháng kháng sinh của một số vi khuẩn gây bệnh thường gặp, đồng thời cải thiện khả năng chuẩn đoán của các phòng xét nghiệm vi sinh lâm sàng. Nhưng cho đến nay, các chủ trương và hành động nói trên chưa đem lại kết quả như mong đợi.
Hiện Luật Dược sửa đổi đã được Quốc hội thông qua có đưa ra quy định cấm mua, bán thuốc mà không có đơn thuốc bác sĩ; các dược sĩ, nhân viên bán thuốc ở các hiệu thuốc tiến tới phải bán thuốc theo đơn, nhất là các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP. Tuy nhiên, nếu chỉ siết chặt các quy định bằng văn bản thực thi không nghiêm thì mọi nỗ lực cũng đổ xuống sông xuống bể.
Kêu gọi sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, mới đây Bộ Y tế phối hợp với WHO tại Việt Nam tổ chức Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc với khẩu hiệu “Không hành động hôm nay ngày mai không thuốc chữa” nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể người dân về sử dụng thuốc kháng sinh và nguy cơ khi lạm dụng kháng sinh trong cộng đồng.
Như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định: “Nếu chúng ta không đột phá làm một cuộc cách mạng, đến lúc nào đó, hơn 90 triệu người dân chúng ta không còn thuốc chữa bệnh”.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
