Cân nhắc phương án bù lãi suất
![]() |
Ông Cấn Văn Lực |
Bộ Tài chính vừa đưa ra hai phương án cấp bù lãi suất tại dự thảo Quyết định về cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (Nghị định số 100) của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Phương án 1, mức chênh lệch lãi suất cấp bù được tính bằng mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ của từng TCTD trừ đi mức lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị định số 100.
Phương án 2 là mức chênh lệch lãi suất cấp bù được tính bằng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực do NHNN công bố trừ đi mức lãi suất theo quy định tại Nghị định số 100. Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, cả hai phương án trên đều chưa phù hợp.
Vì sao cả hai phương án trên đều chưa phù hợp, thưa ông?
Bất cập thứ nhất, bất động sản và nông nghiệp, nông thôn không cùng một lĩnh vực, mức độ rủi ro cũng rất khác nhau. Thứ hai, thời gian cho vay nhà ở xã hội là dài hạn trong khi đó cho vay NNNT chỉ là ngắn hạn và trung hạn. Nên không thể lấy lãi suất cho vay NNNT tham khảo cho vay nhà ở xã hội được. So sánh này rất khập khiễng.
Đối với phương án 2, Dự thảo không nêu rõ được cụ thể lĩnh vực nào mà tuỳ thuộc NHNN nên khá mông lung. Giả sử “ý đồ” tham chiếu lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên hiện đang cho vay phổ biến ở mức 6 – 7%/năm chứ không chốt cố định như lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội, nếu theo cách này, Bộ Tài chính không có mức lãi suất “cứng” để tham chiếu thì cũng khó có thể tính bù trừ lãi suất được.
Vậy theo ông, nên thực hiện cấp bù lãi suất cho các TCTD tham gia chương trình này như thế nào?
Tôi cho rằng cần phải tham khảo thêm kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới. Vì vấn đề cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Việt Nam chưa có tiền lệ. Theo tôi, tham chiếu lãi suất libor cũng là một hướng để tham khảo. Tại Việt Nam loại lãi suất này cũng được dùng để tham khảo phổ biến.
Bên cạnh đó, theo tôi, cũng cần phải làm rõ thêm cho vay nhà ở xã hội có tính cho vay bất động sản hay không. Cho dù, đến thời điểm này, trong lĩnh vực bất động sản, cho vay nhà ở xã hội được đánh giá là phân khúc ít rủi ro nhất trong bất động sản. Nhưng nếu cho vay lĩnh vực này tính vào cho vay bất động sản thì hệ số rủi ro cao, lên đến 200% trong năm nay. Chi phí vốn cao, lãi suất cho vay khó có thể thấp.
Hiện tại, NH thận trọng hơn rất nhiều khi cấp tín dụng bất động sản. Đó là lý do tỷ trọng cho vay bất động sản trong thời gian qua tăng rất ít chỉ chiếm khoảng tối đa 9 – 10%/tổng dư nợ không đáng kể. Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng cho vay bất động sản chiếm khoảng 20-30%/tổng dư nợ.
Như phân tích của ông, việc NH duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp sẽ khó khăn hơn trong năm nay?
Đúng vậy. Năm nay áp lực tăng lãi suất là rất lớn từ cả bên ngoài cũng như nội tại trong nước. Áp lực bên ngoài là động thái Fed tiếp tục tăng thêm lãi suất. Lãi suất USD trên thế giới tăng thì lãi suất ngoại tệ tại Việt Nam chịu sức ép tăng thời gian tới. Giá dầu năm nay dự kiến bình quân ở mức 53-54 USD/thùng sẽ tăng khoảng 20% so với giá dầu bình quân năm ngoái (khoảng 43 USD). Giá dầu tăng sẽ kéo theo mặt bằng giá cả trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ bị tăng.
Việt Nam tiếp tục tăng giá một số mặt hàng cơ bản như điện, lương, y tế, giáo dục trong năm nay, nên sẽ tạo ra áp lực khá lớn với lạm phát. Trong khi đó cung tiền của năm nay cũng khá lớn như chỉ tiêu về tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 -18%, tín dụng sẽ tăng khoảng 18%. Có nghĩa là các NH vẫn tăng huy động vốn, đẩy tín dụng ra làm tăng áp lực trong giữ ổn định lãi suất.
Xin cảm ơn ông!
Tin liên quan
Tin khác

Việt Nam cần chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với chính sách thuế quan

Cần đồng bộ các giải pháp để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững

Cần giải pháp mạnh để DNNVV tiếp cận vốn hiệu quả

Dẫn lối dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ cần liên kết để mở rộng cơ hội vay vốn ngân hàng
