Cần lực đẩy từ các chính sách khác
![]() |
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh |
Ông nhận định thế nào về mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay?
Có thể thấy, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm nhiều so với giai đoạn trước, điều này đã được dự báo khi NHNN liên tiếp giảm lãi suất điều hành từ đầu năm tới nay. Các ngân hàng cũng tích cực tiết giảm chi phí, dành nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí rẻ hơn. Mặt khác, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/9/2023 có quy định các ngân hàng được phép cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích phục vụ kinh doanh, vay mua nhà, mua ô tô… Chính quy định này đã tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng để giữ chân khách hàng vay vốn với lãi suất tốt. Việc được tiếp cận tín dụng với chi phí rẻ hơn đang hỗ trợ rất nhiều cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là cho mùa kinh doanh cuối năm.
Tuy nhiên, có một điểm nghẽn rất lớn hiện nay đó là cung - cầu vốn chưa gặp nhau dù lãi suất thấp. Những doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng lại không có nhu cầu vay vì đang đối mặt với đơn hàng sụt giảm khá nhiều do khách hàng của họ trong trạng thái “thắt lưng buộc bụng”, hạn chế chi tiêu. Hoặc một bộ phận doanh nghiệp có nhu cầu nhưng lại không đủ điều kiện vay vốn.
Thực tế, điều hành chính sách hiện nay theo tôi đang khá tập trung về phía cung, tức là giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nhưng, vấn đề lại nằm ở phía cầu của nền kinh tế còn khá yếu. Do vậy không nên tập trung quá nhiều vào câu chuyện lãi suất mà cần lực đẩy từ các chính sách khác.
Lực đẩy nào đủ mạnh để kích cầu nền kinh tế trong thời gian tới, thưa ông?
Để kích thích kinh tế thì phải tập trung về phía cầu, tức là từ chính sách tài khoá. Thời gian qua, nhiều giải pháp kích cầu đã được đưa ra như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tuy nhiên điều này là khá khó vì mấu chốt nằm ở cơ chế giải ngân. Vì vậy, để có hiệu quả kích thích nhanh hơn, nên tập trung chính sách kích cầu ở khu vực tư nhân. Đơn cử việc giảm thuế VAT, hiện mới giảm 2%, mức giảm này chưa có nhiều tác động kích cầu, chưa tạo động lực cho người dân chi tiêu, mua sắm. Thực tế, một số nước đã áp dụng chính sách giảm 50-100% thuế VAT. Bên cạnh đó giải pháp giảm thuế thu nhập cá nhân trong năm nay cũng cần cân nhắc. Từ đó, người dân “rủng rỉnh” tiền hơn và có nhu cầu chi tiêu cao hơn.
Hiện nay vẫn còn kỳ vọng về việc lãi suất tiếp tục giảm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?
Phải khẳng định lại rằng, chính sách tiền tệ đã “cạn” dư địa và khả năng NHNN giảm thêm lãi suất điều hành là không còn. Bởi khi NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành, sẽ không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng mà lại gây căng thẳng về tỷ giá.
Mặc dù lãi suất điều hành sẽ không còn dư địa để tiếp tục giảm trong thời gian tới, nhưng các NHTM cũng đang có lượng “tiền rẻ” đổ về khá dồi dào, do các kênh đầu tư khác trong nền kinh tế chưa có nhiều khởi sắc, tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. Mặt khác, tác động từ độ trễ của việc NHNN liên tiếp giảm lãi suất điều hành cũng giúp mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong hai quý cuối năm. Bên cạnh đó, NHNN cũng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí, có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Do vậy, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Dưới góc độ các ngân hàng, việc cân nhắc xét duyệt các khoản vay phù hợp với tiêu chuẩn về quản lý rủi ro là cần thiết. Nếu như quá dễ dãi với các khoản vay thì các ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro nợ xấu trong tương lai. Song các ngân hàng cũng nghiên cứu có thêm nhiều giải pháp để đưa vốn ra nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
Tin liên quan
Tin khác

Kiến thức tài chính – hành trang không thể thiếu trong học đường

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Giáo dục tài chính: “Bệ phóng” cho chiến lược tài chính toàn diện

Hà Nội bố trí 6.000 tỷ đồng uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội

“Tài chính thông minh”: Mô hình giáo dục tài chính thiết thực

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc
