Cần kịp thời “tiếp sức” cho DNNVV
![]() |
Các DNNVV đang rất nỗ lực vượt qua khó khăn |
Theo các chuyên gia, gói hỗ trợ lần thứ 2 tới đây cần có những điều kiện thuận lợi hơn để có thể hỗ trợ kịp thời cho bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang “đuối sức” trước những khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Báo cáo khảo sát tác động của sự bùng phát dịch Covid-19 lần 2 đối với DN do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính thực hiện với gần 400 DN và 15 hiệp hội cho thấy, 20% DN cho biết đã phải dừng hoạt động, 76% DN không cân đối được thu chi và 2% DN đã giải thể, chỉ có 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch.
Trong bối cảnh đó, Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ LĐ - TB&XH đã xây dựng gói hỗ trợ kinh tế lần 2. Kinh phí cho gói hỗ trợ này ước tính khoảng 15 nghìn tỷ đồng, sẽ tập trung cung cấp tín dụng ưu đãi cho DNNVV, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh để phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động. Theo đó, DN nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh, người lao động tại khu vực nông thôn sẽ được ưu tiên đặc biệt. Mức vay dự kiến đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh là 2 tỷ đồng, với người lao động là 100 triệu đồng. Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 đến 1/9/2021, lãi suất vay 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo).
Biết gói hỗ trợ lần 2 sẽ ưu tiên cho bộ phận DN siêu nhỏ, nhiều hộ kinh doanh tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) bày tỏ mong muốn sẽ được vay nguồn vốn ưu đãi để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Bởi lẽ, do ảnh hưởng của dịch, hàng chất đầy trong kho không thể giao, đơn hàng bị hoãn vô thời hạn đã khiến nguồn vốn quay vòng sản xuất của nhiều hộ đã cạn kiệt, một số lò gốm đã phải ngừng hoạt động.
Ông Trần Văn Tuấn, Tổng Giám đốc công ty Tame Việt Nam (chủ thương hiệu mỹ phẩm Chocolate KYS) cho biết, DN chưa tiếp cận được với gói hỗ trợ lần 1 của Chính phủ do điều kiện quá khắt khe, đơn cử như tiêu chí về số lao động phải nghỉ việc quá cao, trong khi DN lại rất nỗ lực để giữ chân người lao động trong hoàn cảnh khó khăn. Với gói hỗ trợ lần 2, cần làm rõ hơn các quy trình nhận hỗ trợ, tiêu chí dễ dàng hơn, thủ tục dễ tiếp cận hơn và nên tập trung tối đa vào cộng đồng DNNVV.
Trước những đề xuất dự kiến của gói hỗ trợ lần 2, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, gói hỗ trợ này đã có những điều kiện tốt hơn lần 1, giúp DN có thể dễ dàng tiếp cận hơn, đối tượng tiếp cận cũng mở rộng hơn. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rõ những khó khăn của DNNVV hiện nay để bộ phận DN này có thể tiếp cận tốt nhất.
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV (VinaSME) cho rằng, khó khăn của DNNVV thường rất khác với khó khăn của DN lớn. Đơn cử như việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng cũng là một khó khăn, khi lãi suất thấp nhưng DNNVV lại không được vay vì không đáp ứng đủ điều kiện. Do đó, khả năng tiếp cận vốn vay là một khó khăn lớn nhất của bộ phận DNNVV, cần có những sự hỗ trợ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của bộ phận DN này.
Theo ông Nam, trong thời kỳ dịch bệnh, số DNNVV đuối sức đang tăng lên, vì dòng vốn không có nhiều mà lại phải căng mình ra để giải quyết vấn đề duy trì sản xuất.
Để DNNVV phục hồi sau dịch, cần có những hỗ trợ thiết thực như giúp DN tiếp cận nguồn tín dụng chính thống. Bên cạnh đó là tiếp cận thuận lợi với các cơ hội kinh doanh, như với khu vực dịch vụ công, về xuất khẩu hàng hóa, cần sự dẫn dắt thông tin về các thị trường tiềm năng.
Cũng nhận định về hỗ trợ cho DNNVV, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đối với việc giãn, hoãn nợ hay tái cấu trúc nợ, NHNN và Chính phủ cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN. Tuy nhiên, thực tế là mức hấp thụ của các DNNVV chưa cao. Mặt khác, ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn tín dụng để cho vay, vì thế cần sự vào cuộc của các quỹ bảo lãnh tín dụng. Nên tạo điều kiện bảo lãnh cho các dự án tốt để DN có nguồn vốn sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh.
Bên cạnh những hỗ trợ từ phía Chính phủ, theo các chuyên gia, DN cũng cần phải tự cứu chính mình. DN với sự nhanh nhạy của mình, phải là người tự đề xuất, suy nghĩ tìm tòi con đường đi cho mình. Thông qua việc ứng dụng công nghệ cao, tìm kiếm bạn hàng mới, tái cấu trúc DN để giảm thiểu được chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, từ đó đi vào ổn định và phát triển.
Mặc dù DN Việt đang ngày càng cảm nhận rõ hơn những khốc liệt do dịch bệnh, nhưng kinh tế vẫn đạt tăng trưởng dương. Kết quả có phần lớn do nỗ lực của cộng đồng DN tạo nên. Đó là một điểm sáng giúp chúng ta tự tin nếu có chính sách hỗ trợ tốt, quản lý tốt thì cơ hội tăng trưởng vẫn khả thi, tuy không thể có những con số đột biến. Đó cũng là cơ sở để tin vào sự phục hồi của DN trong thời gian tới, TS. Tô Hoài Nam chia sẻ thêm.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
