Cải thiện môi trường kinh doanh: Còn nhiều việc phải làm
![]() | Cải thiện môi trường kinh doanh: Bồi đắp động lực tăng trưởng |
![]() | Loại bỏ điều kiện kinh doanh không phù hợp |
![]() | Môi trường kinh doanh tại Việt Nam: Tăng tốc để bứt phá |
Cải thiện song không khỏa lấp các thách thức
Nhìn lại năm 2022, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động không nhỏ tới hầu hết các quốc gia; và thực tế đã có không ít nền kinh tế bị hạ bậc tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam được cả ba tổ chức S&P Global Ratings, Moodys và Fitch Ratings nâng hạng ở các thời điểm khác nhau trong năm qua phần nào đã cho thấy MTKD có những chuyển biến tích cực.
Cũng nhấn mạnh về sự cải thiện tiếp tục của MTKD tại Việt Nam, Sách Trắng 2022/2023 của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố trung tuần tháng này nhận định: “Trong 12 tháng qua, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài”. Trong nước, những con số như: Tổng số có 208,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2022 (tăng 30,3% so với năm 2021); 25,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2023… cũng phần nào phản ánh xu thế tích cực đó.
![]() |
Cải thiện môi trường kinh doanh không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp |
Tuy nhiên khi đi vào chi tiết hơn sẽ thấy những khó khăn cũng bắt đầu bộc lộ rõ nét từ những tháng cuối 2022 đến nay. Đơn cử, tháng 12/2022 chỉ có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và 6.104 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm tương ứng là 9,8% và 2,6% so với tháng trước. Đặc biệt số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2023 giảm tới 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) quý IV/2022 của EuroCham chỉ ở mức 48 điểm, giảm tới 14,2 điểm so với quý trước đó… Sách Trắng 2022/2023 cho rằng dù Việt Nam đã có một số cải thiện nhưng vẫn còn những thách thức về năng suất, khả năng cạnh tranh, hiệu quả thấp, thủ tục hành chính phức tạp trong một số lĩnh vực… Đây chính là những dấu hiệu cho thấy, những tác động của mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 và những nỗ lực cũng như kỳ vọng về sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch đã phai nhạt dần, trong khi qua thực tế quan sát nền kinh tế Việt Nam từ cuối quý IV/2022 đến nay, không ít chuyên gia đã bày tỏ lo ngại MTKD đang hàm chứa nhiều khó khăn hơn, niềm tin suy giảm hơn.
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu MTKD và NLCT quốc gia, (Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương - CIEM), người thường xuyên theo sát vấn đề này cho biết, mặc dù một số tổ chức quốc tế có sự ghi nhận chuyển biến trên nhiều mặt của Việt Nam, nhưng những chỉ số về cải cách thủ tục, thể chế; chỉ số NLCT; chỉ số tự do kinh doanh... của Việt Nam vẫn đang đứng ở nhóm gần cuối bảng. Trong khi một số chỉ số khác không thay đổi so với các năm trước, nhưng thứ hạng lại giảm bởi các quốc gia khác có sự cải thiện tốt hơn. “Đáng lưu ý, thời gian qua những chỉ số về quyền tài sản, minh bạch ngân sách, tham nhũng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai… không có sự cải thiện hoặc cải thiện rất chậm. Gần đây, mức độ can thiệp của các cơ quan quản lý vào thị trường dường như có xu hướng tăng lên, ảnh hưởng tới hiệu quả của tự do kinh doanh”, bà Thảo cho biết.
Trong nước, doanh nghiệp trong các ngành hàng, lĩnh vực khác nhau đều chung nhận định là MTKD đang xu hướng khó khăn hơn. Số liệu doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao chính là minh chứng cho điều này. Có thể nói, nỗ lực và kết quả cải cách MTKD chưa đạt được yêu cầu của Chính phủ cũng như chưa đáp ứng được mong mỏi, kỳ vọng của doanh nghiệp. Cũng theo TS. Nguyễn Minh Thảo, từ năm 2020 đến nay, cải cách, cải thiện MTKD chững lại, ít được chú trọng. Ở một số lĩnh vực thậm chí có đề xuất khôi phục lại những rào cản trước đây đã được dỡ bỏ. Ví dụ rõ nét nhất là hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp gần đây (đặc biệt nửa cuối năm 2022) có dấu hiệu tăng lên, nhất là liên quan đến lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, môi trường, thanh tra theo lĩnh vực chuyên ngành…
Nhiệm vụ rõ ràng, thực thi hiệu quả
Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cũng chính là một trong các nhóm giải pháp cần tập trung để cải thiện MTKD theo Nghị quyết 01. Cụ thể, Nghị quyết 01 tiếp tục khẳng định mục tiêu nâng hạng các chỉ số về MTKD và NLCT đến năm 2025 (đã đề ra tại Nghị quyết số 02 năm 2022), đồng thời chú trọng tới 04 nhóm giải pháp, gồm: (i) Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; (ii) Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia; (iii) Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp tràn lan, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp; và (iv) Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
![]() |
Phụ lục IV (kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ) về một số mục tiêu cải thiện MTKD, nâng cao NLCT năm 2023 |
Theo bà Thảo, Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hết sức rõ ràng nhưng để thực hiện tốt rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của người đứng đầu các bộ ngành, địa phương, bởi chỉ khi nào lãnh đạo thực sự quan tâm tới cải cách thì thực thi mới đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, cần sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để tạo ra áp lực cải cách; chỉ đạo mạnh mẽ các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp về cải thiện MTKD, đảm bảo tính an toàn của MTKD, nhất là duy trì sự ổn định của chính sách. Đồng thời, cần bám sát các chỉ số quốc tế có uy tín để nhận diện khoảng cách, vấn đề và tạo áp lực, động lực cải thiện. Cùng với đó, cần tạo cơ chế, động lực cho cán bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi chính sách.
“Cải cách MTKD cũng không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng. Doanh nghiệp không chỉ giúp nhận diện vấn đề mà còn gợi ý giải pháp cải cách phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực của mình. Yếu tố quan trọng nữa là cần sự giám sát độc lập của các bên về kết quả cải cách. Khi có đánh giá, giám sát độc lập giúp cho cải cách của các bộ, ngành, địa phương thực sự hiệu quả”, TS. Nguyễn Minh Thảo đề xuất.
Trong khi đó theo TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng CIEM, bên cạnh việc khôi phục niềm tin thị trường, doanh nghiệp và nhà đầu tư cần những cải cách thể chế đủ mạnh, nhất quán hướng theo thị trường đúng với vai trò là đột phá chiến lược (thực hiện đầy đủ các nội dung đã được xác định trong Chiến lược 2021-2030).
“Cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị phần trên thị trường nội địa… Quản lý, điều tiết thị trường bằng các giải pháp thị trường, không bằng mệnh lệnh hành chính. Không thay đổi luật pháp theo lối “giật cục”, khó đoán định, làm đứt gãy hoạt động bình thường”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
