Các ngân hàng Singapore tăng dự phòng rủi ro
Theo kết quả kinh doanh quý II công bố hôm thứ Năm, lợi nhuận ròng của DBS giảm 22% và UOB giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của cả hai ngân hàng đều khẳng định có thể vượt qua cơn bão kinh tế hiện nay và vẫn giữ nguyên định hướng trước đó về các chi phí tín dụng.
Giống như nhiều ngân hàng khác trên toàn cầu, các nhà băng của Singapore đang phải chuẩn bị cho một làn sóng nợ tăng khi cuộc khủng hoảng Covid-19 đang giáng những đòn mạnh vào các doanh nghiệp và hộ gia đình. Trong khi một loạt các biện pháp cứu trợ của chính phủ đã hỗ trợ các doanh nghiệp, NHTW nước này cho biết sẽ không gia hạn và yêu cầu các nhà băng cần giới hạn mức chi trả cổ tức năm 2020 và dùng nó để tăng dự trữ vốn.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tại DBS, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, lợi nhuận ròng đạt 1,25 tỷ đô la Singapore (913 triệu USD), dù vượt mức 1,19 tỷ đô la Singapore được các nhà phân tích dự đoán nhờ chi phí giảm nhẹ song vẫn giảm mạnh so với mức 1,6 tỷ đô Singapore của quý II/2019. Trong khi đó lợi nhuận của UOB đạt 703 triệu đô la Singapore, thấp hơn mức dự báo 784 triệu đô la Singapore.
Theo Kevin Kwek, nhà phân tích ngân hàng tại Sanford C. Bernstein, các số liệu công bố tương đối phù hợp với kỳ vọng, nhất là xung quanh vấn đề dự phòng rủi ro. Và điều này có thể được coi là tích cực trong bối cảnh sụt giảm gần đây của thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, một số mặt tích cực khác như việc các ngân hàng đã cắt giảm được chi phí, dù khiêm tốn, để phần nào bù đắp thêm cho mức giảm biên lợi nhuận dự kiến.
Giám đốc điều hành Piyush Gupta của DBS cho biết, Ngân hàng giữ nguyên định hướng sẽ duy trì dự phòng bổ sung khoảng 3 - 5 tỷ đô la Singapore trong hai năm. Trong 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng này đã trích lập dự phòng bổ sung 1,9 tỷ đô la Singapore. Ông Gupta cũng cho biết, dự phòng bổ sung của DBS đến nay khoảng 3,8 tỷ đô la Singapore, cao hơn 24% so với yêu cầu tối thiểu của Cơ quan tiền tệ (NHTW) Singapore.
Trong khi đó, chi phí tín dụng của UOB có khả năng sẽ duy trì ở mức như quý hai, với các dự phòng bổ sung được ưu tiên hơn để sẵn sàng bù đắp cho chất lượng dự báo yếu đi của các tài sản. Và giống như các đối thủ lớn hơn, UOB đã cắt giảm chi phí hoạt động khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi suất giảm cũng đang khiến lợi nhuận cho vay của các ngân hàng Singapore giảm theo. Cả hai ngân hàng trên đều cho biết, biên lãi ròng của họ đã thu hẹp hơn 20 điểm cơ bản so với quý I. Thu nhập lãi ròng của UOB giảm 12% trong khi của DBS giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Nền kinh tế Singapore Singapore rơi vào suy thoái trong quý II trong bối cảnh phải duy trì các hạn chế đi lại để kiểm soát sự lây lan của Covid-19. GDP quý II giảm tới 41,2% so với quý I, mức giảm hàng quý lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử của nền kinh tế này.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
