Các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ: Mở rộng thị trường sang Bắc Mỹ
Mặc dù giá trị xuất khẩu sang Canada hiện không cao nhưng với mức tăng trưởng khoảng 70%/năm, cơ hội mở rộng thị trường này đối với đồ gỗ của Việt Nam là rất lớn. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Phiên tư vấn xuất khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất sang thị trường Canada do Bộ Công thương phối hợp với Sở Công thương Bình Dương, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 7/6.
![]() |
Canada là thị trường đầy tiềm năng của các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt |
Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Canada, hiện quốc gia này mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường nội địa và phải dựa nhiều vào nhập khẩu. Trung bình giai đoạn 2014-2021, mỗi năm Canada nhập khẩu khoảng 7 tỷ USD sản phẩm gỗ nội thấp từ nước ngoài. Thời gian cao điểm nhập khẩu đồ gỗ nội thất thường từ tháng 7-8 và các tháng cuối năm. Cơ cấu thị trường chủ yếu là sản phẩm gỗ phòng khách và đồ gỗ phòng bếp. Gần đây, do dịch Covid-19, thị trường đồ nội thất văn phòng có gia tăng rất mạnh, đặc biệt là trong giai đoạn 2020-2022.
Hiện Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu đồ gỗ nhiều nhất vào Canada, khoảng hơn 3 tỷ USD/năm; tiếp theo là Hoa Kỳ trên 2 tỷ USD, Mexico và Việt Nam. Hiện Việt Nam tuy là nước xuất khẩu lớn thứ 4 vào thị trường Canada nhưng giá trị lại khá nhỏ. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng giá trị là rất nhanh sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi. Ước tính từ 2016-2021, mức tăng trưởng là khoảng 70%/năm. Trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam tiếp tục giữ vững được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm gỗ nội thất sang Canada, đạt khoảng 90 triệu USD.
Ngoài các sản phẩm gỗ nội thất xuất khẩu sang thị trường Canada, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cũng được thị trường này ưa chuộng và tăng đều qua các năm. Năm 2016, Việt Nam mới xuất được khoảng 8 triệu USD nhưng đến cuối năm 2021 đã lên đến 30 triệu USD. Thị trường thủ công mỹ nghệ của Canada rất lớn, nhưng hiện Việt Nam mới chỉ là nhà xuất khẩu đứng thứ 13 vào quốc gia này và sau nhiều nước không mạnh về lĩnh vực đó.
Đáng chú ý, Canada và Việt Nam đều là thành viên của CPTPP và nhiều FTA khác, các doanh nghiệp Canada có thể bán gỗ vào Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam dưới thương hiệu Canada sau đó tái xuất đi các nước thành viên CPTPP mà vẫn được hưởng miễn thuế. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Canada cùng sản xuất và xuất khẩu vào các nước CPTPP chứ không chỉ xuất khẩu sang Canada.
Bà Trần Thu Quỳnh cho biết, người Canada có xu hướng đổi mới thiết bị nội thất liên tục, nhất là giới trẻ. Trung bình chi tiêu của các hộ gia đình cho nội thất được dự báo là sẽ tăng khoảng 49% từ nay cho đến năm 2025. Nhưng muốn tiếp cận thị trường Canada, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đáp ứng được xu hướng và thị hiếu. Bởi, Canada là thị trường có tiêu chuẩn và mức sống cao.
Đặc biệt, mấy năm gần đây, thị trường nhà ở của Canada có xu hướng phát triển rất mạnh. Các dự án phát triển hạ tầng nhà của Canada thuộc nhiều phân khúc khác nhau, kéo theo nhu cầu về nội thất tăng. Gần đây, quốc gia này phát triển các hình thức đô thị thông minh kết hợp các tiện ích với nội thất cao cấp. Canada có những dự án khách sạn phức hợp nghỉ dưỡng được đầu tư tương đối mạnh trong những năm gần đây, xu hướng này sẽ kéo theo những nhu cầu thiết kế và sản phẩm nội thất đặc thù. Đây là thị trường còn bỏ ngỏ cho sản phẩm xuất khẩu của các nước.
Để có thể tiếp cận thị trường Canada, trước hết doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam nên biết rằng, giá cả vẫn là tiêu chí chủ yếu, sau đó là chất lượng, công năng, kiểu dáng, tính cá nhân hóa. Mặc dù có dân số ít nhưng tỷ lệ người trong độ tuổi tiêu dùng của Canada tương đối cao, khoảng 10 triệu người trong tầm từ 17-37 tuổi, độ tuổi có mức tiêu dùng nội thất cao nhất. Ở độ tuổi này, thanh niên Canada có xu hướng muốn ra ở riêng, tránh cuộc sống chung với bố mẹ nên họ có nhu cầu mua sắm nội thất rất lớn. Đối với nhóm người tiêu dùng trẻ này, các sản phẩm đồ gỗ cần mang tính đơn giản và phục vụ cho những mục đích, công năng cụ thể.
"Chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi họ không yêu cầu chất lượng quá cao và sẵn sàng sử dụng các sản phẩm gỗ mềm tái sinh, hoặc gỗ ván ép mà chúng ta có thế mạnh. Đặc biệt, họ cũng cần những sản phẩm nội thất có giá rẻ", bà Quỳnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, xu hướng mua hàng qua mạng đang ngày một phát triển, đặc biệt là trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua. Nội thất cũng là một mặt hàng có sự gia tăng giao dịch qua kênh này, ước tính giai đoạn 2020-2030, khoảng 20% sản phẩm nội thất sẽ được bán qua phương thức thương mại điện tử. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải tính đến điều này nếu muốn gia nhập thị trường bán lẻ sản phẩm gỗ nội thất nhiều tiềm năng tại Canada.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
